Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Viện Huyết học – Truyền máu TW hỗ trợ Nghệ An thực hiện thành công ghép tế bào gốc

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An đã thực hiện thành công 2 ca ghép tế bào gốc tự thân. PGS. TS. Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để có thể thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị bệnh máu, bệnh viện đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giúp đỡ, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW và BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc của Viện trực tiếp tư vấn, giám sát và hỗ trợ Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện ghép tế bào gốc (ảnh: Hoàng Kim Thành)

Giữa tháng 6/2020, bà Cao Thị Lý (55 tuổi, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) chính thức được ra viện sau 2 năm điều trị tích cực căn bệnh đa u tủy xương quái ác. Bà Lý rất phần khởi vì tình trạng sức khỏe bản thân đang dần hồi phục nhanh chóng. Bà Lý kể: Năm 2018, bà thấy trong người đau đớn, mệt mỏi và được chẩn đoán mắc bệnh đa u tủy xương.

Từ tháng 12/2018 đến nay, bà Lý đã kiên trì điều trị tại Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Bác sĩ Cù Nam Thắng – Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng cho biết: Điều trị cho bệnh nhân Cao Thị Lý, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh ung thư máu. Đầu tiên, bệnh nhân được điều trị hóa chất từ 4-6 đợt. Khi bệnh đã lui hoàn toàn, đủ tiêu chuẩn ghép thì bệnh viện mới đưa vào kế hoạch ghép.

Thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Cao Thị Lý

Tiếp đó, các bác sỹ sẽ dùng hóa chất, dùng thuốc để kích hoạt tế bào gốc để tế bào gốc sinh ở tủy và huy động ra máu ngoại vi, rồi dùng hệ thống máy tự động chiết tách tế bào gốc lấy từ chính người bệnh đưa vào bảo quản lưu trữ. Các bác sỹ sẽ tiến hành diệt tủy cho người bệnh bằng hóa chất liều cao để diệt toàn bộ tế bào ác tính có trong tủy, thậm chí là các tế bào lành tính, bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Tiếp nữa, người bệnh sẽ được truyền lại lượng tế bào gốc được chiết tách từ máu ngoại vi, được hỗ trợ bằng các loại thuốc. Trong quá trình này, bệnh nhân không còn sức đề kháng nên được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, đảm bảo vô trùng. Sau ghép, từ 6-12 ngày, tế bào tủy ở bệnh nhân sẽ mọc lại; từ 12-20 ngày, bệnh nhân dần hồi phục các chỉ số.

PGS.TS Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An căn dặn người bệnh được điều trị khỏi bệnh đa u tủy xương những lưu ý cần thiết trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe 

Bác sỹ Cù Nam Thắng khẳng định: Quá trình ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị đa u tủy xương cho bệnh nhân Cao Thị Lý hoàn toàn đúng theo tiên lượng ban đầu. Đến ngày thứ 20 sau ghép, tất cả các chỉ số của bệnh nhân Cao Thị Lý đều trở về bình thường; tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định; bệnh nhân chủ động trong mọi sinh hoạt và có thể ra viện. Có thể nói, bệnh nhân Cao Thị Lý đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Trước bệnh nhân Cao Thị Lý, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cũng đã điều trị khỏi cho 1 bệnh nhân khác cũng bị mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc này. Đó là bệnh nhân Cao Thị Thu (45 tuổi, phường Trường Thi, TP. Vinh). Bệnh nhân Thu được ghép tế bào gốc vào ngày 17/3 và đến ngày 16/4 đươc xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình cũng như tập thể y, bác sỹ bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An tặng hoa chúc mừng bệnh nhân ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu đầu tiên

PGS. TS Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho hay: Để có thể thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị bệnh máu, bệnh viện đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giúp đỡ đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ. Về phía bệnh viện đã nỗ lực chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như máy móc thiết bị đáp ứng cho kỹ thuật này.

Ghép tế bào gốc tự thân là một kỹ thuật chuyên sâu của chuyên ngành huyết học – truyền máu đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân bệnh máu, đặc biệt là bệnh đa u tủy xương và bệnh u lympho. Việc bệnh viện làm chủ kỹ thuật này đã mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh được điều trị bằng phương pháp mới, tiên tiến ngay tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, giảm bớt chi phí điều trị, đi lại cho bệnh nhân”.

Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và cũng là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất đến nay làm chủ kỹ thuật này. Chi phí để điều trị cho 1 bệnh nhân mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân rơi vào khoảng 700 – 800 triệu đồng. Chi phí điều trị được bảo hiểm y tế thanh toán 100%.

Theo Báo Nghệ An

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan