Vaccine COVID-19 vẫn hiệu quả và an toàn
Những phản ứng sau tiêm vaccine bắt đầu xuất hiện. Nhưng đó là điều bình thường và chúng ta không nên mất niềm tin vào vaccine. Bài viết có sự hỗ trợ chuyên môn về huyết học của TS. BS. Trần Kiều My, Trưởng khoa Đông máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Những hiện tượng hiếm gặp
Oxford-AstraZeneca là một trong số các vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp trên thế giới. Hơn nữa, so với các vaccine ra đời cùng thời điểm cuối năm ngoái như Pfizer/BioNTech và Moderna, Oxford-AstraZeneca còn có điều kiện bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh, phù hợp với hệ thống tiêm chủng thường quy sẵn có của tất cả các nước trên thế giới. Không ngạc nhiên khi vaccine này đã được triển khai tiêm trên ít nhất 142 quốc gia. Sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu Covax đã đăng ký mua ít nhất 400 triệu liều vaccine này để phân phối tới các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Liên minh châu Âu (EU) cũng ký hợp đồng với AstraZeneca để mua 300 triệu liều cho các nước trong EU và một số quốc gia trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
Tính đến ngày 7/4/2021, có 82 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó khoảng ¼ là vaccine Oxford-AstraZeneca đã được tiêm cho người dân trong EU. Tuy nhiên, một “trục trặc” nhỏ xuất hiện giữa đợt triển khai tiêm chủng thần tốc này, Vào ngày 3/4/2021. Cơ quan y tế của Áo bỗng đình chỉ sử dụng lô vaccine Oxford-AstraZeneca sau khi một người được chẩn đoán là bị huyết khối ở nhiều nơi trong cơ thể và tử vong sau 10 ngày tiêm vaccine và một người bị tắc mạch phổi sau khi tiêm (người này sau đó đã dần hồi phục). Đến ngày 9/3, có thêm hai trường hợp bị huyết khối sau khi tiêm được báo cáo ở châu Âu. Đến ngày 11/3, cơ quan y tế châu Âu (European Medicine Agency – EMA) cập nhật thêm rằng trong khoảng năm triệu người đã tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca ở EEA, có 30 trường hợp bị huyết khối. EMA cho biết sẽ tiếp tục điều tra nhưng cơ quan này cũng tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy vaccine gây ra hiện tượng này.
Lý do đằng sau tuyên bố của EMA là do tỉ lệ xuất hiện huyết khối của những người tiêm thấp hơn so với con số này ở những người không tiêm (Nói cách khác, dù không tiêm thì vẫn có một tỉ lệ dân số nhất định bị huyết khối vì một lý do nào đó). Trước đó, chính AstraZeneca cũng rà soát 17 triệu người đã tiêm vaccine của họ và thấy rằng có 15 trường hợp bị huyết khối sâu tĩnh mạch và 22 trường hợp bị tắc mạch phổi. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ huyết khối xuất hiện thông thường với quy mô dân số đó.
Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2021, Viện Paul-Ehrlich (PEI) ở Đức đã thông báo, trong 1,6 triệu người tiêm, có bảy trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch não. Theo viện này, như vậy là nhiều hơn mức bình thường trong khoảng thời gian ngắn, dù vẫn là tỷ lệ nhỏ. Khuyến cáo của PEI khiến Đức quyết định ngừng tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca cho đến khi EMA đưa ra thông báo rõ ràng hơn. Quyết định của Đức tạo ra một hiệu ứng domino khiến gần 20 quốc gia châu Âu khác cũng ngừng tiêm vaccine này.
Ở bên bờ kia của Thái Bình Dương, vaccine Covid-19 khác của Mỹ, vaccine của Johnson & Johnson (J&J) gần đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vaccine J&J có thể coi là vượt trội nhất hiện nay nếu xét về mặt hiệu quả triển khai, góp phần đẩy nhanh tốc độ miễn dịch cộng đồng: không chỉ bảo quản ở nhiệt độ thuận lợi như vaccine của AstraZeneca, vaccine này còn chỉ cần tiêm một mũi duy nhất. Nhưng, sau khi tiêm cho gần tám triệu người, có 15 trường hợp được ghi nhận là bị huyết khối và trong đó có một trường hợp tử vong. Mỹ quyết định ngừng tiêm vaccine này để đánh giá lại độ an toàn.
Thế nào là hiện tượng huyết khối?
Ai cũng biết đông cầm máu là hiện tượng sinh lý bình thường để ngăn chặn chảy máu mỗi khi cơ thể có vết thương. Nhưng khi quá trình này diễn ra quá mức sẽ sinh ra hiện tượng huyết khối, theo đó xuất hiện các cục máu đông làm tắc mạch máu, khiến phần cơ thể phía sau mạch bị tắc sẽ không được nuôi dưỡng.
Một trong các thành phần của máu tham gia quá trình đông cầm máu là tiểu cầu. Các tiểu cầu sẽ bám dính vào nội mạc bị tổn thương để cầm máu với vết thương nhỏ. Nhưng với vết thương lớn thì quá trình đông máu huyết tương sẽ được phát động và hình thành các lưới fibrin (“dệt” từ fibrinogen – một loại protein trong máu), giống như lưới đánh cá, sẽ giam giữ các thành phần khác trong máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) để tạo nên một nút máu đông để bịt phần mạch máu bị vỡ.
Thông thường, cần rất nhiều tiểu cầu và fibrinogen để hình thành các nút máu đông. Vì vậy, khi tiểu cầu và fibrinogen trong máu tăng thì bệnh nhân mới có nguy cơ cao bị huyết khối, nhưng những bệnh nhân có huyết khối xuất hiện sau khi tiêm vaccine lại có lượng tiểu cầu và fibrinogen trong máu giảm – một sự kết hợp ‘kỳ lạ’ vì nếu một người bị giảm tiểu cầu, họ sẽ không ngừng chảy máu chứ không phải bị đông máu như vậy.
Ngày 7/4, EMA phát đi thông báo rằng có thể có mối liên hệ giữa vaccine Covid-19 Oxford-AstraZeneca với các trường hợp bị huyết khối. Một nhóm nhà khoa học nghiên cứu 39 trường hợp như vậy gọi đây là hiện tượng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm (Vaccine–Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia – VITT) trên tạp chí The New England Journal of Medicine. Trong đó có nhiều trường hợp bị huyết khối ở những vị trí bất thường như ở tĩnh mạch não, tĩnh mạch gan và tĩnh mạch sâu (như ở chân). Hiện tượng VITT xuất hiện khoảng từ 5 đến 24 ngày sau khi tiêm với tỉ lệ cực kì hiếm gặp, là 1/100.000 – 1/250.000 người (tùy báo cáo.
Theo EMA, cơ chế vaccine gây ra hiện tượng huyết khối có thể là do vaccine đã kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, kháng thể sinh ra gắn và hoạt hóa yếu tố 4 của tiểu cầu (PF4). Khi tiểu cầu trong toàn bộ cơ thể hoạt hóa sẽ khởi động quá trình đông cầm máu gây huyết khối tắc mạch. Hiện tượng này giống hệt như một biến chứng hiếm gặp khi bệnh nhân dùng chất chống đông máu heparin (heparin-induced-thrombocytopenia: HIT). Do số liệu còn quá ít, không thể khẳng định cụ thể đối tượng nào có nguy cơ cao gặp các trường hợp như vậy sau khi tiêm chủng.
Những ầm ĩ về các tai biến vaccine khiến niềm tin của công chúng vào vaccine AstraZeneca sụt giảm thê thảm. Theo một khảo sát của YouGov (một công ty chuyên điều tra, khảo sát quan điểm của người dân), hơn một nửa số người được hỏi ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức đều không nghĩ vaccine Oxford-AstraZeneca là an toàn nữa.
Ích lợi vượt xa rủi ro
Có thật vaccine Oxford-AstraZeneca là không còn an toàn nữa? Hoài nghi và chần chừ không tiêm chủng vào lúc này có phải là thái độ đúng đắn? EMA trong tất cả tuyên bố của mình đều nhấn mạnh rằng lợi ích mà vaccine đem lại vượt xa những rủi ro. Các nghiên cứu sau đó cũng đều nhắc lại điều này. Đức đã quay lại sử dụng vaccine Oxford-AstraZeneca và các nước châu Âu khác cũng vậy. Gần đây, Mỹ cũng tiếp tục triển khai với vaccine J&J.
Để hiểu hơn về nguy cơ bị huyết khối sau khi tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca cực kì hiếm gặp như thế nào, cần phải đặt bên cạnh những số liệu khác. Nên nhớ rằng, trong điều kiện bình thường, không có vaccine, tỉ lệ người bị huyết khối tĩnh mạch sâu trong cộng đồng đã là 1/1000 mỗi năm (trong đó tỉ lệ người bị huyết khối tĩnh mạch não 0.22 – 1.5/100.000). EMA cho rằng, vaccine Oxford-AstraZeneca gần như không làm tăng tỉ lệ người bị huyết khối trong dân số.
Chú ý kĩ hơn một chút, hút thuốc lá cũng làm tăng tỉ lệ bị huyết khối (25/100.000 người) và dùng thuốc tránh thai cũng vậy (1/1000 phụ nữ dùng thuốc tránh thai có thể bị huyết khối, và tỉ lệ này còn lớn hơn nữa nếu họ có tiền sử bị huyết khối). Nhưng trong số những người hoài nghi vaccine, có mấy ai suy nghĩ quá nhiều khi cầm điếu thuốc lên hay uống một viên thuốc tránh thai?
Khi bạn hoài nghi không tiêm vaccine, hãy nghĩ đến những rủi ro khi bị mắc Covid-19. Khi đó, rủi ro bị huyết khối còn cao gấp nhiều lần – gần 1/5 người bị mắc Covid-19 xảy ra tình trạng huyết khối. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Thebmj cho thấy rủi ro tắc mạch máu não (huyết khối ở tĩnh mạch não) khi bị nhiễm Covid-19 cao gấp 10 lần so với khi tiêm vaccine. Còn khi so sánh tỉ lệ tử vong vì huyết khối sau khi tiêm vaccine (1/1 triệu người) và tỉ lệ tử vong do Covid (1%-3%) thì đó là cả một trời một vực!
Sau khi EMA thêm huyết khối như một tác dụng phụ cực kì hiếm gặp của vaccine Oxford-AstraZeneca, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có quy trình xử lý các trường hợp bị huyết khối sau khi tiêm vaccine. Theo PGS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, việc điều trị các trường hợp này không chỉ triển khai “nhanh chóng, hiệu quả” ở tuyến Trung ương mà cả ở tuyến cơ sở thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Kể cả sau khi phát sinh những trường hợp huyết khối sau khi tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca, đây vẫn là vaccine hiệu quả và an toàn. Những gì vaccine này thể hiện trong các thử nghiệm lâm sàng vẫn chính xác. Thử nghiệm lâm sàng, đối với tất cả các vaccine Covid-19, chỉ trên một quần thể vài chục nghìn người (với vaccine Oxford-AstraZeneca là 20.000 nghìn người ở Anh và Brazil), không thể phủ được các trường hợp cực kì hiếm gặp (nhỏ hơn 1/20.000). Vì vậy, khi triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, hàng triệu, hàng trăm triệu người mới xuất hiện những báo cáo mới về sốc phản vệ của vaccine.
Khi hiện tượng huyết khối diễn ra sau khi tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca và J&J, nhiều người nghĩ rằng, hẳn có điều gì đó không ổn với công nghệ virus vector dùng adenovirus. Hai vaccine này đều dùng công nghệ virus vector, tức là sử dụng một virus mang gene S của virus Sars-CoV-2 để kích thích hệ miễn dịch. Và người ta bắt đầu nghi ngờ các vaccine khác cùng công nghệ đó như Sputnik V (Sputnik V dùng vector virus kép, trên hai chủng adenovirus khác nhau).
Ở Việt Nam, vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I (Covivax của IVAC) và vaccine Covid-19 của Vabiotech cũng sử dụng công nghệ virus vector (tuy nhiên virus vector của Covivax là một virus gây bệnh trên gia cầm và virus vector của Vabiotech là baculovirus, một virus gây bệnh trên sâu, không gây bệnh cho người).
Nguyên nhân nào khiến vaccine có thể gây ra hiện tượng huyết khối: là do virus vector? Là do protein S? hay là do các thành phần khác của vaccine? Tất cả vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng kể cả cùng sử dụng công nghệ virus vector, cùng sử dụng adenovirus, mỗi vaccine vẫn có những khác biệt lớn trong quá trình chế tạo và không thể so sánh được. Hơn nữa, không phải chỉ vaccine sử dụng công nghệ virus vector mới có khả năng xảy ra hiện tượng huyết khối. Trong khoảng 60 triệu người tiêm vaccine theo công nghệ mRNA Pfizer-BioNTech và Moderna, có khoảng 40 trường hợp có thể bị huyết khối ở hệ thần kinh trung ương (cases of central nervous system thrombosis) và tĩnh mạch não.
Cũng nên nói thêm rằng, đối với các nước châu Âu cân nhắc tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca đối với những người dưới 30 tuổi: Thứ nhất, đó là bởi họ đã tích trữ vaccine của nhiều hãng khác nhau. Thứ hai, đây chỉ là quyết định thuần túy dựa trên việc so sánh rủi ro: tỉ lệ người ở độ tuổi 18-30 mắc tai biến sau tiêm là 1.1/1 triệu người còn tỉ lệ người ở cùng độ tuổi đó phải sử dụng máy thở khi bị mắc Covid-19 là 0.8/1 triệu người. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là vaccine này kém an toàn.
Việc “kén cá chọn canh” vaccine trong thời điểm này không phải là lựa chọn thông minh, nhất là khi nguồn cung vaccine vẫn đang vô cùng khan hiếm trên thế giới và dịch bệnh vẫn đang hoành hành với nhiều chủng mới xuất hiện. Càng chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng là càng tạo cho virus có cơ hội tiến hóa và thích nghi. Và ngược lại, càng nhanh chóng tiêm vaccine, là càng tiến gần đến miễn dịch cộng đồng. Bao nhiêu % dân số tiêm vaccine sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng? Chúng ta vẫn chưa biết chính xác. Trước đây, con số là từ 60 – 70% nhưng với sự xuất hiện của các chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn, con số đó ngày càng tăng, tới 90%. Chiến lược bây giờ, vẫn là làm sao để tiêm chủng càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Và hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào nó.
Các vaccine hiện tại chưa đảm bảo được một người sẽ miễn dịch mãi mãi với virus Sars – CoV 2 nhưng trước mắt, nó giúp giảm thiểu số ca nhiễm nặng và tử vong, giảm đáng kể gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như giúp ổn định xã hội. Hơn nữa, càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, vaccine giúp giảm thiểu lây nhiễm virus trong cộng đồng. Thậm chí, chỉ cần một liều (đối với vaccine đòi hỏi phải tiêm hai liều như Pfizer và AstraZeneca) cũng đã giảm rủi ro lây nhiễm tới một nửa.
Việt Nam đang mới chỉ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và đảm bảo cuộc sống bình thường một cách cầm chừng. Để phát triển kinh tế, cứu cánh vẫn là vaccine.
(Theo báo Tia sáng)