Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nếu hôm đó không có tiểu cầu thì số phận mình sẽ ra sao?

Đó là chia sẻ của chị Đào Thị Thanh Thanh (Tuyên Quang), một người bệnh ung thư máu đã từng trải qua những giây phút “ranh giới sự sống sao mong manh đến thế!”.

Chia sẻ trên trang cá nhân của chị Đào Thị Thanh Thanh

Bằng khoảng giờ này năm trước vợ chồng chị ấy đến thăm và động viên khi biết tin mình bệnh ung thư máu. Chồng chị ấy đi đóng quân ở xa, những lần về không lần nào quên qua hỏi thăm chia sẻ với chồng mình. Thì giờ này năm nay vợ chồng mình lại thất thần khi nghe tin chị cũng mang căn bệnh y như mình. Có lý giải nào về sự trùng hợp đến khó hiểu này không?

Chồng mình và chồng chị ấy cùng xóm, cùng tuổi và cùng học với nhau từ bé. Cưới vợ cùng thời điểm, khi cả 2 gia đình nhỏ của bọn mình đang an yên thì không thể ngờ chị và mình lại cùng phải đón nhận cái gọi là thử thách lớn lao nhất cuộc đời này. Mình và chị đã mang căn bệnh máu quái ác!
Hiện tại mình đã điều trị hết phác đồ của bác sĩ, còn chị thì đang khởi đầu cuộc chiến, chị nói chị đặt niềm tin ở nơi em, có em chị cảm thấy tự tin hơn hẳn. Cảm ơn chị đã tin tưởng em! Cơ duyên đã mang chị em mình cùng chung 1 ngôi nhà thứ hai: “Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”.

Giây phút chia tay người thân chuẩn bị vào phòng ghép tế bào gốc

Gần 1 năm nằm điều trị ở viện, mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh ngộ khó khăn của bệnh nhân, đặc biệt là sự thiếu máu, thiếu tiểu cầu. Cho nên mình thực sự hiểu và lo lắng cho tất cả những bệnh nhân hiện tại đang ngóng trông từng giờ từng phút mong có người đến hiến máu cho họ và mình lo cho chị ấy. Với bệnh nhân ung thư như chị và mình thì mỗi giai đoạn đánh hóa chất xong chỉ số máu sẽ giảm rất sâu, khi đó sự sống gần như sẽ phụ thuộc vào những giọt máu quý giá hơn bất cứ thứ gì trên đời này của mọi người.

Đợt hóa chất thứ 3 của mình, ngày tiểu cầu về thấp lại rơi vào những ngày nghỉ lễ 2/9. Rất ít người đi hiến máu, cả ngày hôm đấy Bác sĩ dặn mình nằm im trên giường hạn chế việc vận động đi lại tránh việc chảy máu khó cầm, chờ đến tận đêm các Bác mới xin được cho mình bịch tiểu cầu nhỏ xíu, vẫn là 2 chữ may mắn khi đó là những bịch tiểu cầu còn xót lại cuối cùng trong kho, giả thiết là nếu hôm đó không xin được thì số phận mình sẽ ra sao?

Ranh giới sự sống sao mong manh đến thế, phải thực tế trải qua cảm giác đó mới thấu hiểu được máu cho đi của mọi người nó ý nghĩa như nào. Có những bệnh nhân bị cấp cứu trong tình trạng truyền đến 90 bịch cả máu và tiểu cầu, thử hỏi rằng bao nhiêu cho đủ cho cả hàng ngàn bệnh nhân trên cả nước. Ngoài ra, còn có những bệnh nhân mạn tính tháng nào cũng phải đến viện truyền máu và tiểu cầu để duy trì sự sống, họ phải sống cuộc đời tầm gửi…

Chị Thanh Thanh trong những ngày ghép tế bào gốc ở một mình trong phòng cách ly

Còn về câu chuyện của 2 chị em mình. Với em, ung thư chưa hẳn là đã hết, mà nó còn mang lại cho em rất nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống, ngoài tình yêu thương lo lắng của gia đình chồng con và người thân ra, thì ở ngôi nhà thứ 2 này em nhận được tình thương của các Bác sĩ, điều dưỡng, các chị Phòng Công tác xã hội, Phòng Truyền thông tận tụy hết lòng vì bệnh nhân, tình thương của những con người hoàn toàn xa lạ, vì bệnh mà tình cảm giữa người với người được xích lại gần nhau, cho em nhận thức được sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất của con người. Gắng lên chị nhé, chị em mình sẽ luôn luôn cùng nhau đồng hành trên con đường dài kia!

Cháu chúc tất cả các Y Bác sĩ, điều dưỡng của Viện Huyết học và toàn thể các Y Bác sĩ điều dưỡng trên cả nước sức khỏe, tinh thần thép vượt qua cơn sóng gió này. Mong ngày bình an sớm trở lại!

Chị Đào Thị Thanh Thanh, người bệnh điều trị tại Khoa Ghép tế bào gốc

Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan