Ứng dụng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu trong định hướng chẩn đoán Thalassemia
Thalassemia là bệnh thiếu máu tan máu di truyền, do giảm hoặc mất hẳn sự tổng hợp của một loại chuỗi globin. Tuỳ theo sự thiếu hụt tổng hợp ở chuỗi alpha (α), beta (β), hay cả ở chuỗi delta (δ) và beta mà có tên gọi là α thalassemia, β thalassemia, hay δβ thalassemia. Thalassemia thuộc nhóm thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ. Vì vậy, các thông số tế bào máu ngoại vi được coi là xét nghiệm sàng lọc quan trọng trong định hướng chẩn đoán thalassemia
Các thông số tế bào máu ngoại vi giúp định hướng chẩn đoán thalassemia: Số lượng hồng cầu (Red blood cell – RBC), Nồng độ huyết sắc tố (Hemoglobin = HGB), Thể tích khối hồng cầu (hematocrit – HCT), Thể tích trung bình hồng cầu (Mean Corpuscular Volume = MCV), Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (Mean Corpuscular Hemoglobine = MCH), Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC), Dải phân bố đường kính hồng cầu, Hồng cầu lưới (RET)
Hồng cầu bình thường:
Hồng cầu trưởng thành phát triển từ hồng cầu lưới sau khi mất ribosom. Hồng cầu có hình đĩa lõm 2 mặt, có đường kính trung bình 7,5 μm, chiều dày 1μm ở trung tâm và 2,5μm ở ngoại vi. Thể tích 90fl với diện tích bề mặt 160µm².
Hồng cầu là những tế bào có hình dạng và cấu trúc đặc biệt. Hồng cầu không có nhân và ít bào quan. Cấu trúc hồng cầu gồm hemoglobin và khung tế bào gồm các chất xơ và protein. Mỗi phân tử Hb gồm 1 phân tử globin (gồm 4 chuỗi polypeptid ) và 4 nhân hem. Globin gồm 4 chuỗi polypeptid giống nhau từng cặp là α, β, γ, δ. Hb ở bào thai là HbF (gồm 2 chuỗi α và 2 chuỗi γ). Hb ở người trưởng thành gồm HbA1 (gồm 2 chuỗi α và 2 chuỗi β), HbA2 ( 2 chuỗi α và 2 chuỗi δ ). Mỗi phân tử Hb có thể gắn với 4 phân tử oxy. 1g Hb gắn với 1,34 ml oxy.
Trên tiêu bản nhuộm giêm sa, hồng cầu hình trong, bắt màu hồng nhạt, trung tâm nhạt màu chiếm dưới 1/3 đường kính hồng cầu. Kích thước hồng cầu tương đối đồng đều, phân bố riêng rẽ thành lớp mỏng.
Các bất thường hình thái hồng cầu hay gặp trong Thalassemia:
Hồng cầu nhỏ (Microcyte): khi thể tích trung bình của 1 hồng cầu dưới 80 fl. Gặp trong các trường hợp thiếu máu thiếu sắt, bệnh lý huyết sắc tố.
Hồng cầu hình giọt nước (teardrop cell): Gặp trong beta – Thalassemia, lao, xơ tủy nguyên phát…
Hồng cầu hình bia (target cell): giữa vùng nhạt màu trung tâm xuất hiện thêm vùng bắt màu đậm, gặp trong bệnh lý huyết sắc tố, thiếu sắt
Hồng cầu hình liềm ( drepanocyte) gặp trong bệnh lý huyết sắc tố S đồng hoặc dị hợp tử.
Hồng cầu hình bầu dục (ovalocyte, elliptocyte) gặp trong bệnh hồng cầu hình bầu dục di truyền, thiếu máu thiếu sắt, Thalassemia.
Hồng cầu hình cầu (spherocyte): Thường gặp trong hồng cầu hình cầu di truyền, sau cắt lách, tan máu tự miễn…
Hồng cầu hình gai (acanthocyte) Hay gặp trong bệnh lý xơ gan rượu có tan máu, sau cắt lách, thiếu hụt pyruvat kinase hay rối loạn lipid máu
Mảnh vỡ hồng cầu (schistocyte) do hồng cầu vỡ, gặp trong Thalassemia, đông máu rải rác trong lòng mạch-DIC, mạch máu bị tổn thương, qua van tim nhân tạo, bệnh lý vi mạch, bỏng nặng, sau ghép thận, viêm cầu thận…
Đặc điểm tế bào máu ngoại vi của bệnh nhân thalassemia:
Trên tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Sự thay đổi chủ yếu ở các chỉ số hồng cầu: Số lượng hồng cầu hay gặp bình thường, có thể tăng hoặc giảm, lượng huyết sắc tố giảm hoặc bình thường, MCV <80 fL, MCH <32 pg, MCHC bình thường hoặc giảm, RDW-SD và RDW-CV tăng, RET thường tăng lên gấp đôi so với bình thường và tương quan với mức độ giảm hemoglobin.
Trong đó, MCV và MCH là 2 thông số quan trọng trong sàng lọc Thalassemia. Trong β-thalassemia, mức độ giảm MCV có liên quan trực tiếp đến mức độ giảm sản xuất chuỗi β-globin. Do đó, MCV trong β0 thalassemia thấp hơn so với β+-thalassemia. MCV, MCH thường giảm trong α-thalassemia (-α/-α và –/αα). Trong khi người mang gen (-α/αα) MCV, MCH bình thường hoặc giảm nhẹ, HgB bình thường mặc dù điện di huyết sắc tố có giảm nhẹ HbA2.
Số lượng tiểu cầu thường bình thường hoặc tăng nhẹ.
Số lượng bạch cầu thường bình thường.
Trên tiêu bản nhuộm giemsa: Hồng cầu nhỏ, thường nhược sắc, hồng cầu đa hình thái: hình giọt nước, hình bia, hình liềm…, gặp nhiều mảnh vỡ hồng cầu, thường gặp hồng cầu non ra máu ngoại vi.
Một số chú ý:
Trường hợp có nhiều hồng cầu non ở máu ngoại vi (đặc biệt với Thalassemia thể nặng), máy đếm tế bào có thể không phân loại được, dẫn đến số lượng bạch cầu tăng giả tạo. Thậm chí tăng rất cao.
Khi MCV<80 và có nhiều mảnh vỡ hồng cầu, số lượng tiểu cầu có thể tăng cao giả tạo.
Ở trẻ em, MCV thấp hơn so với người lớn và thay đổi theo độ tuổi. Vì vậy, rất khó sàng lọc bệnh, đặc biệt với trường hợp Thalassemia mang gen hoặc thể nhẹ.
Thiếu máu thiếu sắt: nhóm bệnh rất hay gặp trên lâm sàng. Thuộc nhóm thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc nên trên tổng phân tích tế bào máu ngoại vi rất khó phân biệt với Thalassemia. Một số trường hợp có thể có thiếu máu thiếu sắt/ Thalassemia, đặc biệt với Thalassemia thể nhẹ, người mang gen. Vì vậy, với chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt có thể bỏ sót các trường hợp này trong cộng đồng.
Như vậy, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là xét nghiệm cơ bản, quan trọng, đặc biệt là với các tuyến y tế cơ sở. Các thông số hồng cầu, đặc biệt là MCV và MCH được coi là xét nghiệm sàng lọc ban đầu trong chẩn đoán Thalassemia tại cộng đồng.