U lympho không Hodgkin (ung thư hạch): Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh U lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.
Bệnh U lympho là gì
Bệnh U lympho là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, bao gồm 2 nhóm:
- U lympho Hodgkin (chiếm khoảng 20-30%)
- U lympho không Hodgkin (70-80%)
Bài viết dưới đây với tư vấn chuyên môn của TS. BS. Vũ Đức Bình – Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ đề cập tới bệnh U lympho không Hodgkin.
U lympho không Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của mô lympho, có thể biểu hiện tại hạch hoặc ngoài hạch. Về cơ bản, U lympho không Hodgkin được chia thành 2 nhóm: Tế bào B và tế bào T. Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau.
TS. BS. Vũ Đức Bình – Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn về bệnh ung thư hạch
Nguyên nhân gây bệnh U lympho không Hodgkin
Cho đến nay nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Các nhà khoa học chỉ đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh u lympho không Hodgkin như:
+ Tổn thương gen;
+ Yếu tố nhiễm khuẩn: HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…;
+ Yếu tố miễn dịch: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…;
+ Bệnh lý tự miễn;
+ Môi trường: Thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…
Triệu chứng của bệnh U lympho không Hodgkin
– Có đến 60% người bệnh có hạch to, và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.
– Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho, như: Dạ dày, amidal, hốc mắt, da…
– Lách thường to độ I/II; tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.
– Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/ hoặc lách to.
– Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng “B” còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.
– Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.
– Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…
Phân biệt với một số hiện tượng nổi hạch khác
Có thể phân biệt hạch ở bệnh nhân u lympho không Hodgkin với một số trường hợp sau:
- Hạch tăng sinh phản ứng hầu hết là hạch to, thường đau, ở gần nơi tổn thương. Hạch to diễn biến cấp nhưng lành tính và trở lại bình thường sau khi khỏi bệnh chính (Ví dụ như hạch dưới hàm to do viêm họng… )
- Hạch lao thường gặp ở dọc cơ ức đòn chũm, tạo thành chuỗi, không đau, nếu kéo dài thường vỡ và chất bã đậu chảy ra ngoài. Hạch đồ và sinh thiết hạch thường thấy tổn thương gồm: Tế bào bán liên, tế bào khổng lồ Langerhans, chất hoại tử bã đậu.
- Hạch ung thư di căn: Trên hạch đồ và sinh thiết hạch thường thấy các tế bào ung thư: kích thước lớn, nhân to, mịn, thường có nhiều hạt nhân, nguyên sinh chất rộng, đôi khi có hốc chế tiết, thường đứng thành đám. Đa số trường hợp phát hiện được cơ quan ung thư nguyên phát.
Bệnh U lympho không Hodgkin được điều trị như thế nào?
Hiện nay, điều trị ung thư hạch về cơ bản gồm các phương pháp: theo dõi chưa cần điều trị, phẫu thuật lấy bỏ tổ chức ung thư để chẩn đoán, giải phóng chèn ép, xạ trị và hoá trị liệu. Hóa trị liệu là phương pháp được sử dụng nhiều nhất.
Việc lựa chọn phác đồ điều trị U lympho không Hodgkin cần phù hợp với từng thể bệnh, phù hợp với độ tuổi của người bệnh, giai đoạn bệnh, tiên lượng bệnh và lựa chọn điều trị tiếp theo (như có hoặc không có ghép tủy). Các bác sĩ cũng có thể phối hợp cả 3 phương pháp trên để điều trị cho một người bệnh.
Liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc
Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học là một trong những phương pháp điều trị ung thư hạch tiên tiến được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Liệu pháp sinh học giúp cho việc điều trị nhắm tới tế bào ung thư và giảm thiểu những tác động đến các tế bào lành tính, hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ so với điều trị bằng hóa chất.
Bên cạnh đó, ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả cho một số thể bệnh của ung thư hạch. Tuy nhiên, ghép tế bào gốc thường được thực hiện khi người bệnh U lympho bị tái phát hoặc kháng trị, không ưu tiên sử dụng với người bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Hạn chế lớn nhất của liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc là chi phí khá cao so với điều trị bằng hoá trị thông thường.
Điều trị u lympho cũng cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt như: Điều trị u lympho thần kinh trung ương nguyên phát, trung thất nguyên phát, điều trị hoặc dự phòng thâm nhiễm thần kinh trung ương, U lympho không Hodgkin trên người bệnh HIV/AIDS…
Theo dõi sau điều trị
– Sau khi điều trị lui bệnh, người bệnh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nếu người bệnh nổi hạch to trở lại hoặc xuất hiện, sốt, gầy sút cân… cần phải tái khám ngay.
– Với mỗi lần tái khám, bên cạnh khám lâm sàng, người bệnh cần làm các xét nghiệm như: Tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu (LDH, chức năng gan, thận), chức năng tuyến giáp nếu có xạ trị vùng trước đó; chụp cắt lớp bụng ngực hoặc mỗi 6 tháng trong 2 năm đầu, sau đó chụp nếu có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh cần xét nghiệm tủy đồ ít nhất 2 năm/ lần và sinh thiết khi có hạch to trở lại hoặc xuất hiện tổn thương mới.
Người bệnh nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào?
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong điều trị U lympho nói riêng cũng như các bệnh lý huyết học nói chung, TS. Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW có lời khuyên dành cho người bệnh: Trong giai đoạn bị bệnh, người bệnh cần hạn chế vận động nặng, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư hạch nói chung và ung thư máu nói riêng.
Rất nhiều người nhà người bệnh băn khoăn về việc có nên sử dụng thêm thực phẩm bổ dưỡng, thuốc nam hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe cho người bệnh hay không. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong giai đoạn hoá trị liệu, các sản phẩm này chưa được chứng minh có nhiều giá trị trong việc góp phần điều trị bệnh.
Đặc biệt, nếu như không kiểm soát được nguồn gốc thuốc nam hoặc thực phẩm thì còn có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Viện Huyết học – Truyền máu TW đã gặp nhiều trường hợp người bệnh sau khi ra viện đã cắt thuốc nam để uống. Sau đó, người bệnh bị suy thận, suy gan diễn biến nặng hơn, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả điều trị.
Người bệnh có cần kiêng thực phẩm nào không?
Người bệnh không cần kiêng các thực phẩm theo quan niệm dân gian, trừ các thực phẩm mà người bệnh bị dị ứng. Lượng thực phẩm cho người bệnh nên đảm bảo đủ và không dư thừa. Trên thực tế, quá trình truyền hóa chất có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh như: chán ăn, buồn nôn, đau miệng, tiêu chảy/ táo bón… Các triệu chứng có thể thay đổi theo từng ngày, hoặc theo từng đợt điều trị vì vậy nên thực hiện theo tư vấn của nhóm điều trị (bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
Như vậy, điều quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi điều trị hóa chất, người bệnh có thể tập luyện vừa sức, phù hợp với sức khoẻ.
Ban biên tập
Bài viết liên quan
Tư vấn: Nổi hạch có đáng lo ngại? Những tiến bộ trong điều trị ung thư hạch
29 Tháng Mười, 2020Bệnh U lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần…
Ung thư máu cấp tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
23 Tháng Bảy, 2020Ung thư máu cấp tính là bệnh gì? Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các…
Ung thư máu mạn tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
22 Tháng Chín, 2020Ung thư máu mạn tính là bệnh gì? Ung thư máu mạn tính (hay còn gọi là Lơ-xê-mi kinh) là bệnh lý thuộc Hội chứng tăng sinh tủy mạn ác…
Hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu
21 Tháng Tám, 2020Chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu cần tuyệt đối tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm (chú ý hạn sử dụng, nguồn gốc và được kiểm…
Chế độ ăn để khắc phục các tác dụng phụ do truyền hóa chất
17 Tháng Mười Một, 2020Chị Nguyễn Thị T. có con gái bị ung thư máu hiện đang truyền hóa chất đợt thứ nhất. Khi đó, con gái chị thường xuyên chán ăn, nôn liên…
Tại sao phải tầm soát ung thư, ý nghĩa của xét nghiệm marker ung thư?
26 Tháng Năm, 2020Hiện nay trên thế giới, tỉ lệ tử vong do ung thư khá cao, đứng hàng thứ 2 sau tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Vì vậy, việc…
Chi phí xét nghiệm cho tuổi trung niên
25 Tháng Một, 2021Theo nhiều nghiên cứu, các bệnh về rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, tiểu đường, gout…), bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về tuyến giáp, bệnh lý ung thư… thường…