Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trưởng nhóm máu hiếm kể chuyện các thành viên “tranh nhau” hiến máu

Khác với tâm lý còn nhiều băn khoăn khi tham gia hiến máu tình nguyện của một số người, những người có nhóm máu hiếm lại có tâm lý “tranh nhau” để được hiến máu. Nếu ai không đến kịp hoặc không đủ điều kiện hiến phải ra về thì rất buồn và tiếc.

Các thành viên Câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm trong một lần “hội ngộ” tại Viện Huyết học – Truyền máu TW (ảnh: NVCC).

Câu chuyện tưởng chừng rất “ngược đời” ấy chúng tôi được chàng trai trẻ Trần Sách Minh, trưởng nhóm máu hiếm B Rh(D) âm khu vực miền Bắc chia sẻ bên lề buổi gặp mặt CLB Người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức ngày 27-12.

Trần Sách Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên nhóm máu hiếm B Rh(D) âm.

Chàng trai sinh năm 1994 chia sẻ, em vô tình biết được mình thuộc nhóm máu hiếm khi là sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện ở trường vào năm 2013. Kể từ đó đến nay, Minh đã có cơ hội được hiến máu tới 13 lần.

Sở dĩ Minh gọi đó là “cơ hội” bởi những người nhóm máu hiếm chiếm tỉ lệ nhỏ trong cộng đồng nên chỉ trong tình huống khẩn cấp, người cùng nhóm máu hiếm cấp cứu cần máu thì mọi người mới có dịp đi hiến. Gọi là “cơ hội” bởi khi thông tin về bệnh nhân cần cấp cứu được đưa lên nhóm, những ai ở gần sẽ “chốt” và đến nhanh hơn nên sẽ kịp hiến trước.

Minh chia sẻ, trong quá trình điều tiết thông tin lên nhóm em chứng kiến nhiều trường hợp buồn vì không hiến được máu. Có trường hợp cấp cứu báo lên nhóm mọi người ở gần đó đều đến, có người khi đến nơi thì đã đủ đơn vị máu nên lại ra về. “Những người nhóm máu hiếm rất ít được đi hiến máu nên khi được hiến rất vui. Mọi người có tâm lý “tranh nhau” hiến máu, nhiều người hiến không được do sức khỏe hoặc lúc đến đã đủ máu rồi nên tiếc. Em là người điều tiết nên cũng “tranh” hiến máu được nhiều lần hơn”, Minh nói vui.

Thực tế nguyên tắc điều tiết hiến máu đối với người có nhóm máu hiếm là các trường hợp có cự ly gần nhất sẽ đăng ký để kịp thời đến hiến máu cấp cứu cho người bệnh. Bản thân Minh đã có lần lặn lội quãng đường khoảng 30-40 km từ huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh quay về Viện Huyết học-truyền máu Trung ương để kịp cấp cứu cho người bệnh cần máu.

Minh kể lại, thời điểm đó là vào buổi chiều, em đang đi làm công trình thì nhận được thông báo trên nhóm có bệnh nhân đang cấp cứu, cần máu. Em đã thu xếp công việc và đi xe máy về, trong khoảng thời gian 1,5 tiếng em chỉ lo không kịp… Đến nơi em hiến 350 ml tiểu cầu, thở phào thì bệnh nhân được cứu sống. Cảm giác khi giúp được ai đó thật vui. Sau đó, Minh lại quay trở về Bắc Ninh đễ tiếp tục công việc của mình.

Qua mỗi lần hiến máu, kết nối với gia đình người bệnh, Minh lại vận động được người thân của người có nhóm máu hiếm tham gia vào CLB. Nhờ vậy, cộng đồng người có nhóm máu hiếm ngày càng tăng lên, họ cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau kịp thời khi có tình huống cấp cứu. Và mỗi người trong số họ đều coi các thành viên còn lại của CLB như người thân trong cùng một gia đình lớn.

TS. BS Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, kể từ khi thành lập đến nay (năm 2007) CLB hơn 500 thành viên. Trong đó có hơn 200 người hoạt động thường xuyên, tích cực tham gia hiến máu khẩn cấp và các hoạt động đóng góp cho sự phát triển của CLB. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 đơn vị máu, chế phẩm máu được hiến tặng từ các thành viên trong CLB.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số. Như vậy, với hơn 96 triệu dân số Việt Nam thì chỉ có khoảng 96.000 người có nhóm máu Rh(D) âm.

Theo báo Pháp luật và Xã hội

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan