Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tri ân những người “cho đi ngàn hy vọng”

Vượt lên trên những khó khăn của giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, những người hiến máu và thành phần máu vẫn tranh thủ cho đi những giọt máu hồng để sát cánh cùng ngành y tế cả nước, giúp cho hàng nghìn người bệnh có đủ máu điều trị trong suốt một năm qua.

Lặn lội 60 km về Hà Nội hiến tiểu cầu

Chị Trịnh Thị Hồng Thu (Lương Sơn, Hòa Bình) cứ đều đặn 21 ngày từ Hòa Bình về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu. Từ năm 2000 tham gia hiến máu tình nguyện, chị Thu bảo một năm chỉ hiến máu được tối đa 4 lần. Cách đây 3 năm, chị được biết đủ khả năng hiến tiểu cầu và có thể hiến định kỳ sau 21 ngày, hiến được 16-17 lần/năm nên chị chọn cách này để tăng tần suất hiến thành phần máu.

Những ngày đầu chưa có ô-tô riêng, chị ròng rã đi bằng xe máy xuống Hà Nội để hiến tiểu cầu. Có lần xuống tới nơi, không thể hiến được thành phần máu vì sức khỏe mệt. “Tâm lý từ nhà xuống Hà Nội không lấy được tiểu cầu rất buồn. Sau lần đó, tôi luôn tìm cách từ chối những việc tiệc tùng để không ảnh hưởng tới sức khỏe”, chị Thu nói.

Trong năm 2021, chị Thu đã có 11 lần xuống Hà Nội, bất chấp cả thời gian giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn, phải cách ly khi từ Hà Nội về nhà. “Dù giãn cách và đại dịch, nhưng nếu không được đi hiến, tinh thần cứ bồn chồn và thấy buồn”, chị Thu kể.

Đó cũng là tâm trạng của chị Huỳnh Thị Mỹ An (Linh Đàm, Hà Nội) khi bắt đầu hiến tiểu cầu từ năm 2012 cùng em trai Huỳnh Hải Bình. Từ năm 2010, chị và cả gia đình cùng hiến máu để truyền cho bố nằm viện. Từ sau đó, chị và em trai đều đặn hiến máu và sau đó tham gia hiến tiểu cầu.

Chị Huỳnh Thị Mỹ An và em trai Huỳnh Hải Bình. 

Năm 2021, chị hiến tiểu cầu 13 lần. “Việc mang lại niềm vui và niềm hy vọng cho những người bệnh là ý nghĩa lớn nhất của những người hiến tiểu cầu”, chị An chia sẻ. Có lẽ vì cảm hứng đó, ông xã chị cũng theo chị có hơn 10 năm hiến máu. Con trai đầu của chị đã “giải mãi” sự tò mò vì sao bố mẹ và cậu tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu liên tục bằng việc tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên vào năm tròn 18 tuổi và giờ trở thành thành viên đội vận động hiến máu tình nguyện Đại học Bách Khoa.

Đặc biệt nhận được sự chú ý của ngày hội tri ân là chú Trần Văn Toan (bộ đội Trường Sa đã nghỉ hưu, trú tại Mê Linh, Hà Nội). Nhiều năm xa nhà, đã đi thực hiện nhiệm vụ từ Lào Cai, Hà Tiên, ra cả quần đảo Trường Sa, chú Toan kể, nhiều khi xem tivi thấy có những gia đình có con không may mắc bệnh về máu phải lặn lội về Hà Nội để chờ có được máu điều trị rất thương.

Vì thế, khi còn sức khỏe chú nghĩ cần phải góp phần sức nhỏ bé của mình. “Khi mình chiến đấu tại biển đảo, tính mạng còn không nghĩ đến nên khi hiến giọt máu rất đơn giản. Tôi chỉ mong đủ ngày để đi ra viện hiến tiểu cầu”, chú Toan nói.

Gia đình chú Trần Văn Toan.

Nhà tại Mê Linh, cách viện 18 km nhưng cứ trung bình một tháng, chú lại đến viện hiến tiểu cầu. Đến nay, chú đã hiến tiểu cầu 17 lần và vợ chú hiến 14 lần. Con trai út 18 tuổi Trần Văn Trường cũng lần đầu tiên theo bố tham gia hiến máu sáng 15/1.

23 năm được bà xã hậu thuẫn để làm tốt nhiệm vụ người lính. Giờ bà xã tiếp tục cùng đồng hành trong hành trình hiến máu và hiến tiểu cầu và thấy sức khỏe cả hai vợ chồng đều tốt là điều hạnh phúc với một người lính đã nghỉ hưu như chú.

Tri ân những người hiến tiểu cầu

Có rất nhiều tấm gương đặc biệt khi định kỳ cho đi những chế phẩm máu được chia sẻ trong chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 với thông điệp “Hiến giọt máu vàng – Trao ngàn hy vọng” do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ương tổ chức ngày 15/1.

Những tấm gương hiến tiểu cầu tiêu biểu được nhận giấy khen của Viện Huyết học -Truyền máu TW.

Trong số 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 60, 70, 80, thậm chí hơn 100 lần. Trong đó, riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2021 có người đã đạt 17 lần.

Tri ân hàng trăm người hiến tiểu cầu, TS. BS. Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm máu Quốc gia xúc động nói: “Trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu có mặt tại khán phòng hôm nay, có những người cả gia đình 2 thế hệ cùng tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, vận động người thân, họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia; Có những người vừa mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc trở về; Có người ở độ tuổi đã ngoại ngũ tuần cũng có những bạn sinh viên vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường đại học… Mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng”.

TS. Quế cho biết, năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn.

Nhờ có lượng tiểu cầu tiếp nhận được từ người tình nguyện nên dù chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Viện đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến đã được triển khai từ năm 2000. Những năm đầu, Viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu, dần dần lên con số vài nghìn.

Những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng khối tiểu cầu gạn tách từ một người cho ngày càng tăng, Viện đã tiếp nhận được trung bình 20.000 đơn vị tiểu cầu mỗi năm. Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu, trong đó 65% là hiến tình nguyện, có nhiều người đã đều đặn hiến tiểu cầu hàng tháng.

Thiên Lam (báo Nhân dân), ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan