Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Tôi rất vui vì đã truyền cảm hứng hiến tiểu cầu đến nhiều người”

Tham dự chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 do Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức sáng 15/1, chị Phạm Thị Ánh Tuyết (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ về những nỗ lực của mình để giải thích cho mọi người về thắc mắc sao chị lại có thể đi hiến liên tục như vậy.

Đây là lần thứ 2 chương trình được tổ chức với sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Fresenius Kabi – một trong những đơn vị cung cấp thiết bị gạn tách tiểu cầu.

TS. Trần Ngọc Quế tặng hoa cảm ơn đại diện Công ty Fresenius Kabi.

“Giải thích nhiều nên càng ngày mọi người càng cảm nhận được sự tích cực của tôi khi tham gia hiến tiểu cầu thường xuyên. Có người thấy tôi hiến tiểu cầu về mà khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nhiều năng lượng nên rất yên tâm cho con họ tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Tôi rất vui vì đã truyền cảm hứng làm việc tốt đến cho nhiều người”, chị Tuyết tâm sự. Đến nay, chị Tuyết đã có tổng cộng 33 lần hiến máu và hiến tiểu cầu. Riêng năm 2021, chị đạt kỷ lục của chính mình với 15 lần hiến tiểu cầu trong năm.

Chị Ánh Tuyết (đứng giữa) cùng những người bạn vẫn đều đặn tham gia hiến tiểu cầu.

Đồng hành trong chặng đường góp sức cho những người cần, chị Hoa luôn có những người bạn đi cùng mình. Như suy nghĩ của chị Hồng Oanh (áo xanh) và chồng cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất là “việc hiến máu, hiến tiểu cầu không chỉ đơn giản là cho người bệnh một phần cơ thể mình, mà còn cho họ hy vọng sống để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.

Gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu có mặt sáng nay, đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên có lẽ đều chung suy nghĩ như vậy. Họ cứ giản dị, lặng lẽ định kỳ cho đi đến 60, 70, 80, thậm chí hơn 100 lần. Với thông điệp “Hiến giọt máu vàng – Trao ngàn hy vọng”, có người đã gần 20 lần mang đến hi vọng cho người bệnh cần tiểu cầu trong năm 2021 đầy khó khăn và biến động do đại dịch Covid-19, dẫu ai cũng có chút tâm lý e ngại, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội. Nhờ vậy mà cả năm 2021, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tiếp nhận được 33.314 đơn vị tiểu cầu gạn tách, trong đó 65% là hiến tình nguyện.

Người hiến tiểu cầu tiêu biểu được nhận giấy khen của Viện.

Bền bỉ gần 13 năm “trao sự sống” với 72 lần hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Huỳnh Hải Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gắn bó với hiến tiểu cầu thường xuyên 3 năm nay. Anh Bình tâm sự: “Hiểu được sự quý giá của những đơn vị máu, đơn vị tiểu cầu đối với người bệnh nên tôi cũng cố gắng vận động không chỉ người thân trong gia đình mà còn cả anh em đồng nghiệp, đối tác,… để nhiều người biết và có thói quen hiến máu thường xuyên”.

Anh Hải Bình (14 lần hiến tiểu cầu trong năm 2021) cùng chị gái ruột Mỹ An (13 lần hiến tiểu cầu trong năm 2021).

TS. BS. Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW xúc động cho biết: “Trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu được Viện thống kê, có những người cả gia đình 2 thế hệ cùng tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, vận động người thân, họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia; có những người vừa mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc trở về; có người ở độ tuổi đã ngoại ngũ tuần, cũng có những bạn sinh viên vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường đại học… Mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng”.

TS. Trần Ngọc Quế cảm ơn tấm lòng, thời gian và những đóng góp trách nhiệm của người hiến tiểu cầu giúp Viện Huyết học – Truyền máu TW đảm bảo được nhu cầu chế phẩm này tại khu vực phía Bắc.

Một năm có 12 tháng nhưng nhiều người hiến tiểu cầu đã hiến đến 16, 17 lần. Đều đặn hàng tháng, thậm chí có tháng 2 lần, những người hiến đã đều đặn đến Viện mà không chờ được gọi hay nhắc lịch. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn.

Cảm kích tấm lòng của những người đã đem lại cho mình nguồn sống, anh Trần Văn Tuấn chia sẻ: “Nếu không có mọi người đi hiến tiểu cầu thường xuyên thì có lẽ tôi và nhiều người bệnh khác đã phải ra đi”.

Bị liệt 2 chân từ nhỏ, anh Tuấn vẫn nỗ lực đến trường học suốt những năm tháng phổ thông rồi được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa. Nhưng thử thách cuộc đời vẫn chưa dừng lại khi bỗng một ngày, anh Tuấn bị sốt cao, máu mũi cứ thế chảy không cầm được. Đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tiểu cầu giảm sâu, cần truyền tiểu cầu gấp, từ đó anh phải “sống chung” với bệnh giảm tiểu cầu.

 

Khác với những thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu. Có thể kể đến các bệnh như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày).

Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 – 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, các Trung tâm Máu lớn đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Những năm gần đây, hình thức hiến thành phần máu này càng trở nên phổ biến hơn, lượng người hiến tiểu cầu liên tục gia tăng. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà không phải Trung tâm máu nào cũng thực hiện được.

Hiến máu toàn phần là toàn bộ máu hiến sẽ được lấy vào một túi trữ có đựng sẵn chất chống đông và bảo quản, sau đó mới điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau. Còn hiến tiểu cầu sẽ sử dụng một bộ gạn tách riêng, toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Thảo Nguyên – Thùy Trang, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan

      Hiến tiểu cầu – bạn có biết?

      22 Tháng Một, 2020

      Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…

      Truyền tiểu cầu khi nào?

      24 Tháng Mười Hai, 2020

      Trước đây, chị Hoàng Thanh N. (công nhân ở Bắc Ninh) sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến tháng 7/2020, chị thường xuyên bị chảy máu chân răng và kinh…

      Các loại khối tiểu cầu cho điều trị

      25 Tháng Mười Hai, 2020

      Tiểu cầu là gì Tiểu cầu là loại tế bào rất nhỏ trong máu, làm nhiệm vụ cầm máu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm, loại thuốc rất…