Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Thế giới ngầm” của chàng trai mắc ung thư máu

“Những ngày tháng mòn mỏi mẹ đưa em đi điều trị bệnh ung thư máu, em sẽ không thể nào quên!”

Đó là chia sẻ của Lâm Tiến Thăng về quãng thời gian khó khăn của gần 5 năm trước. Còn hiện tại, nhờ “thế giới ngầm” của riêng mình, chàng trai 19 tuổi đã mạnh mẽ vượt qua bệnh tật để giành lấy hàng loạt giải thưởng môn Tin học và đang vươn tới ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi.

01. ÂM THẦM CHỊU ĐAU ĐỚN

Năm 2017, Lâm Tiến Thăng được chẩn đoán bị ung thư máu cấp tính dòng lympho từ khi 14 tuổi. Bi kịch gia đình còn tiếp diễn khi người cha gặp tai nạn lao động liệt nửa người, người mẹ phải điều trị u thực quản.

Những ngày tươi đẹp tuổi mới lớn của em bỗng dưng chấm dứt khi lập tức phải vào viện điều trị. Trong vòng một năm trời, Thăng phải trải qua hàng chục đợt truyền hóa chất mệt mỏi, đau đớn đến tột cùng.

Biết bao lần chị Nguyễn Thị Bích Hoàn, mẹ của Thăng lén lau đi giọt nước mắt, bất lực xót xa khi thấy con mình nằm mê man trên giường bệnh. Mặc dù Thăng chẳng bao giờ nói “Con đau quá, mẹ ơi!”, nhưng có lẽ chỉ những người bệnh ung thư máu mới hiểu nổi sức tàn phá của căn bệnh khủng khiếp đến mức nào.

Nghĩ về gia đình cần chỗ dựa, em luôn âm thầm chịu đau đớn, chẳng bao giờ tỏ ra sợ hãi, thậm chí truyền nghị lực ngược lại cho người mẹ đang lo lắng từng giây: “Em không muốn bố mẹ phải lo lắng thêm nữa. Nếu em suy sụp thì bố mẹ có cố gắng thế nào cũng không thể gượng dậy nổi”.

02. TÌNH YÊU THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI MẸ

Nhắc đến Thăng là nhắc đến mẹ, chị Nguyễn Thị Bích Hoàn. Dù đang mang trong mình căn bệnh u thực quản nhưng chị vẫn cố gắng kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi của nghề giáo viên. Tiền thuốc không có trong danh mục bảo hiểm, tiền sinh hoạt, thuê nhà… Bao nỗi lo chồng chất lên đôi vai gầy nhưng chưa bao giờ chị cho phép bản thân buông xuôi. Lén giấu nước mắt, chị động viên con rằng kinh tế nhà mình vẫn đủ đầy, vẫn có thể chữa bệnh được cho con, con chỉ việc yên tâm điều trị.

Mỗi khi con trai đau đớn vì truyền hóa chất, vật vã cả đêm dài mất ngủ. Người mẹ gầy chỉ lặng lẽ chăm sóc con ăn uống, vệ sinh cá nhân, chạy ngược xuôi mà không một lời than trách. “Mẹ chỉ khát khao con trai khỏe lên từng ngày, dù chỉ 1 chút”. – Chị Hoàn nghẹn ngào nơi cổ họng.

Lo lắng con không đủ sức chống chọi với tác dụng phụ của những liều hóa chất, hàng đêm, chị Hoàn lại giấu con ra hành lang bệnh viện, tham khảo các phương pháp chăm sóc người mắc ung thư máu. Các cách nâng cao hệ miễn dịch, cách ăn uống, chăm sóc răng miệng cho người bệnh ung thư đều được chị ghi lại cẩn thận từng chút một.

“Mỗi người từ khi sinh ra đều có cảnh ngộ riêng, đó là điều không thể lựa chọn tùy ý!” – chị Hoàn chấp nhận hoàn cảnh và dành trọn tình yêu cho con.

Sự hy sinh thầm lặng, đong đầy tình mẫu tử của mẹ cũng là “thế giới ngầm” mà Thăng luôn cất sâu trong đáy lòng, là động lực để em luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày để luôn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ.

03. NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH KHÔ KHAN CHO TƯ DUY BAY XA

Khi cuộc sống thu hẹp trong bốn bức tường của phòng bệnh, chàng trai Lâm Tiến Thăng phát hiện bản thân có niềm đam mê với ngôn ngữ lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI). Chính lúc đó chiếc máy tính xách tay và sách dạy lập trình đã mở ra cho Thăng một thế giới mới.

Hỏi Thăng vì sao em thích ngành lập trình khô khan,“không biết nói” này, em chỉ đáp:

“Tình cờ em nghe được lời của vị CEO quá cố của Apple – Steve Jobs: “Bất cứ ai cũng nên học lập trình bởi vì nó giúp bạn tư duy”. Chính câu nói này đã ảnh hưởng to lớn đến em bởi muốn mở rộng kiến thức, tu duy nhanh nhất thì hãy làm quen với lập trình. Với em, ngôn ngữ lập trình không khô khan như mọi người vẫn nghĩ, hơn thế nữa, nó chính là người bạn tâm giao đã cùng em vượt qua khó khăn khi điều trị trong bệnh viện”.

Quả thật, đối với Thăng, việc học lập trình giống như một người bạn kề cận trong suốt quãng thời gian khó khăn của tuổi mới lớn. Khi bạn bè được đùa vui đầy ắp tiếng cười, hít thở bầu trời trong lành với mùi hoa thơm ngát, lên lớp học bài bổ ích với thầy cô, thì cuộc sống của em lại phải gắn liền với những chai thuốc, với thời gian dài nằm truyền máu, đi loanh quanh trong bệnh viện và ngửi mùi hóa chất như một thói quen.

Mỗi khi khỏe một chút, Thăng lại ngồi hàng giờ say sưa học lập trình, không gian sáng tạo của chàng trai trẻ trở nên đầy sắc màu. Kết quả cho niềm yêu thích đó là sau khi rời bệnh viện, Lâm Tiến Thăng đã đạt đạt giải nhất cấp Thành phố và trở thành nhà vô địch tin học văn phòng thế giới do Trung ương Đoàn phát động năm 2019.

04. NGHE NHỮNG BẢN NHẠC KHÔNG LỜI ĐỂ CÂN BẰNG CUỘC SỐNG

Ngoài tình yêu đặc biệt dành cho ngôn ngữ lập trình, Lâm Tiến Thăng còn có sở thích nghe nhạc không lời, nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng Mozart, Johann Sebastian Bach… và tập chơi đàn piano.

Việc hóa trị khiến chàng trai bị rụng tóc, cơ thể gầy yếu, Thăng rất buồn và xấu hổ mỗi khi gặp gỡ bạn bè vì sợ mình khác biệt trong mắt mọi người. Lúc đó, Thăng tìm đến âm nhạc, tự học piano và đàn những bản nhạc không lời đầu tiên trong thư viện Khoa Bệnh máu trẻ em. Những khuông nhạc Kiss the rain, River flower and you… cứ thế ngân vang để cùng em xua tan tự ti và lạc quan trở lại.

Sau những đợt điều trị, tình trạng bệnh của Thăng đã ổn định và chỉ cần đi khám định kỳ mỗi tháng. Từ ngày ra viện, Thăng càng say mê hơn với học tập và còn nuôi dưỡng ước mơ thi đỗ vào trường Đại học FPT, trở thành một lập trình viên xuất sắc.

Đương đầu với ung thư máu từ khi 14 tuổi, nhưng tất cả đã bỏ lại phía sau. Giờ đây, cậu bé Lâm Tiến Thăng ngày nào đã bước vào tuổi 19, cao hơn một mét tám mươi và trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và gia đình. Nhưng “Thế giới ngầm” sẽ mãi ở lại, ghi dấu vào trí óc của em những kỷ niệm đẹp, có vui, có buồn, có đau đớn, có hi vọng. Tất cả sẽ cất cánh cho ước mơ trở thành lập trình viên của em được bay cao, bay xa…

Gia Thắng – Trương Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan