Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Thay huyết tương, hồi sinh sự sống cho người bệnh suy gan cấp

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, mới đây bệnh viện đã cấp cứu thành công một ca bệnh suy gan cấp bằng liệu pháp thay huyết tương. Các bác sĩ đã sử dụng 7,5 lít huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp để thực hiện 5 lần thay huyết tương, giúp người bệnh vượt qua cửa tử.

Người bệnh khởi phát bệnh đột ngột với biểu hiện mệt mỏi nhiều, đau đầu chóng mặt, sốt và kèm theo vàng mắt, vàng da tăng nhanh 5 ngày trước khi vào viện. Kết quả xét nghiệm của người bệnh cho thấy: chỉ số bilirubin toàn phần tăng 30 lần (17- 550 μmol/L ); men gan tăng hơn 5.000. Người bệnh được chẩn đoán suy gan cấp do viêm gan tự miễn chưa loại trừ viêm gan B, tiên lượng khả năng tử vong cao.

su dung huyet tuong cuu benh nhan suy gan

Suy gan cấp là tình trạng gan bị tổn thương ồ ạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tiết niệu, rối loạn đông máu. Đặc biệt là suy đa tạng ở cơ thể người bệnh mà trước đó các chức năng gan của họ bình thường với tỷ lệ tử vong cao lên đến 90% nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trước đây, không có cách điều trị đặc hiệu nào cho bệnh suy gan cấp, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp hồi sức cơ bản cho bệnh nhân như hồi sức tuần hoàn; điều trị chống phù não; dự phòng chống chảy máu đường tiêu hóa; điều trị rối loạn đông máu; điều trị hỗ trợ gan hoặc các cơ quan bị suy chức năng; điều trị các biến chứng trong khi chờ đợi tế bào gan phục hồi hoặc chờ phẫu thuật thay gan.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh và mạnh về khoa học kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã điều trị suy gan cấp bằng liệu pháp thay huyết tương. Đây là một bước tiến mới vì hiệu quả của liệu pháp thay huyết tương trong điều trị căn bệnh này rất ưu việt. Thay huyết tương trong suy gan cấp giúp loại bỏ các chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa nâng đỡ gan trong lúc chờ đợi hồi phục gan. Người bệnh ngay lập tức được chỉ định thay huyết tương. Các bác sĩ đã sử dụng 7,5 lít huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp để thực hiện 5 lần thay huyết tương trong 5 ngày.

Tình trạng người bệnh đã cải thiện rõ rệt, khỏe mạnh, ăn uống tốt, da không còn vàng và các chỉ số xét nghiệm đã trở về bình thường. Dự kiến người bệnh sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Thay huyết tương là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy lọc, tại đây một lượng huyết tương được loại bỏ và thay thế vào một lượng huyết tương hay albumin tương ứng và sau đó máu được trả về lại cho cơ thể.

Trong quá trình thay huyết tương thường cần sử dụng số lượng lớn huyết tương – một loại chế phẩm máu được điều chế từ máu toàn phần do người khỏe mạnh hiến tặng. Từ máu toàn phần sẽ được điều chế thành nhiều chế phẩm máu khác nhau như khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương… Huyết tương: là phần dung dịch, có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn còn có thành phần khác như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các men…

Các đơn vị máu toàn phần sau khi ly tâm sẽ phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn có: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng…; huyết tương chiếm khoảng 53% – 63% trong máu. (ảnh: Công Thắng)

Xem thêm: Chế phẩm huyết tương là gì và sử dụng trong trường hợp nào?

Chế phẩm huyết tương gồm có: huyết tương đông lạnh (HTĐL – frozen plasma) và huyết tương tươi đông lạnh (HHTĐL – fresh frozen plasma), tủa lạnh giàu yếu tố VIII (Cryoprecipitate). Ngoài ra còn có các sản phẩm chiết tách từ huyết tương, chế phẩm tái tổ hợp như: Dung dịch Albumin, khối cô đặc yếu tố VIII, IX, tổ hợp prothrombin cô đặc, khối cô đặc yếu tố VIIa tái tổ hợp, các chế phẩm globulin miễn dịch…

Theo Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan