Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nữ “thủ lĩnh” hiến máu trên cao nguyên

Để cứu người, Nguyễn Thị Thảo Nguyên (20 tuổi, 33 Nguyễn Trung Trực, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), sinh viên năm 3 Trường Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, đã trốn gia đình đi hiến máu. Kể từ lần bén duyên đó, đến nay cô đã 18 lần tham gia hiến máu. Không những thế, với mong muốn đa dạng nguồn máu hiến, Thảo Nguyên đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên để kết nối hàng ngàn người tham gia, sẵn sàng hiến máu cứu người.

Trốn gia đình đi hiến máu

Gặp Nguyên vào buổi trưa nắng khi em vừa hoàn tất 2 ngày hỗ trợ hiến máu trong chương trình Ngày hội Xuân hồng ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nguyên hiện ra trước mặt tôi là một cô gái chững chạc hơn với tuổi 20 của mình. Nguyên gây ấn tượng với người đối diện bởi khuôn mặt và nụ cười tươi rói.

“Trong 2 ngày này, em tham gia viết bịch máu, phân loại tên, hàn dây máu, sắp xếp vị trí lấy máu… Chương trình đã thu được hơn 200 đơn vị máu để cứu người bệnh. Nói thật là em vừa mới hiến máu vào hôm mùng 2 tết, nên không đủ điều kiện, chứ không thì em cũng tham gia hiến ở lần này luôn”, Nguyên nói.

Nguyên trong một lần hiến máu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rồi Nguyên kể về lần đầu hiến máu của mình. Đó là hồi đi học phổ thông, trên mạng có thông tin một bệnh nhân bị tai nạn đang trong trạng thái nguy kịch, rất cần máu. Thời điểm đó, Nguyên chưa hiến máu lần nào, trong khi lại sợ kim tiêm nên trong lòng em đắn đo giữa đi hiến hay không. Sau mấy phút suy nghĩ, Nguyên quyết định giấu người thân, một mình phóng xe lên bệnh viện hiến máu. Hai tiếng sau, máu của em được truyền cho người cần. Và ngay hôm sau, người được Nguyên cho máu đã khỏe mạnh và xuất viện.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (bên phải ngoài cùng) nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2021 cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.

“Lúc đó, quyết định đi hay không đi cứ âm ỉ, quẩn quanh trong đầu em. Chốc lát, trong đầu lại xuất hiện hình ảnh bệnh nhân đang cần máu nguy kịch, đau đớn, khiến em thêm day dứt. Nỗi thương xót lớn dần và bùng phát mạnh mẽ, lấn át cả nỗi sợ hãi trong lòng. Thế là em quyết định đi hiến. Mừng là sau khi truyền máu, người nhà gọi báo cho em là bệnh nhân đã khỏe, đã xuất viện. Nghe tin báo, cả ngày em cảm thấy lâng lâng, hạnh phúc”, Nguyên kể.

Từ lần đó, Nguyên trở nên “nghiện” hiến máu lúc nào không hay. Cứ thấy bệnh viện gọi cần máu là em lập tức có mặt, bất kể mưa gió. Trong 4 lần hiến máu đầu tiên, Nguyên đều giấu gia đình. “Em mồ côi mẹ và ở với bà ngoại từ lúc bé tí. Bà thương em, không cho em đi hiến máu vì sợ mất máu, ảnh hưởng sức khỏe. Em thì nghĩ khác bà. Em muốn giọt máu của mình cứu được người khác nên khi cần thì em đi. Cũng vì khác ý nhau nên 4 lần đi hiến máu đầu tiên, em đều giấu bà. Nhiều khi hiến xong, về giấu giấy chứng nhận kẻo bà thấy”, Nguyên nói.

“Thế bây giờ bà biết chưa?”, chúng tôi hỏi. Nguyên cười xòa, đưa bàn tay vuốt mái tóc, nói: “Đến lần thứ 5 thì bà biết. Lúc đó em không nói mà câu chuyện em hiến máu cứu người được truyền đến tai bà thông qua những vị khách đến uống cà phê. Bà hỏi có đúng em đi hiến máu không. Em thừa nhận là đúng. Rồi em giải thích với bà việc hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe. Dần dà, bà và người thân em mới hoàn toàn hiểu và ủng hộ việc hiến máu của em. Không chỉ thế, từ sự vận động của em, đến nay chị gái, cậu, dì cũng tham gia hiến máu. Cứ mỗi lần gặp nhau, người thân em lại khoe chuyện vừa đi hiến máu. Em mừng vì việc làm của em đã được lan tỏa”.

Cầm trịch CLB 1.800 thành viên 

 Trong suốt cuộc trò chuyện, Nguyên hay nhắc đến CLB máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên với tất cả sự tự hào. CLB thành lập năm 2018 do Nguyên làm chủ nhiệm. “Máu rất quan trọng để cứu sống con người. Mà một mình em thì không đủ, lại không đa dạng chủng loại máu, trong khi nhu cầu máu trong xã hội rất lớn. Thời điểm này, Kon Tum cũng chưa thấy nhóm nào đứng ra kết nối để tạo nguồn cho máu đủ lớn. Vì thế, trong em nung nấu ý định phải thành lập một CLB để làm giàu nguồn cung và chủng loại máu hiến. Thế là em nêu ý định thành lập CLB hiến máu với 3 người bạn thân. Ý định này nhanh chóng được mọi người đồng ý và CLB đã ra đời, ban đầu có 4 thành viên, em được giao làm chủ nhiệm”.

Chị Thảo Nguyên – Chủ nhiệm CLB Hiến máu tình nguyện Khu vực Tây Nguyên – Kon Tum (ngồi giữa) đang lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo tại địa phương.

Với vai trò chủ nhiệm, Nguyên ôm khá nhiều việc. Từ khâu làm thủ tục thành lập, đến việc đưa ra điều lệ, quy định kết nạp thành viên, cũng như điều phối máu từ các thành viên cho những nơi cần máu.

“Em không kết nạp đại trà để lấy số lượng mà có tiêu chuẩn rõ ràng. Ngoài đảm bảo tiêu chí về sức khỏe thì thành viên tham gia phải nhiệt tình, điện thoại phải mở và cầm máy 24/24 để cần là gọi cho máu ngay. Những người tham gia, em sẽ ghi lại thông tin, nhóm máu, lần hiến gần nhất để người bệnh cần máu là gọi ngay cho người hiến nào phù hợp nhất, nhanh nhất”, Nguyên kể.

Chính sự tỉ mỉ, cẩn thận này đã giúp cứu được người bệnh kịp thời. Nguyên dẫn chứng: “Vào 1 giờ sáng hôm ấy, khi trời đổ mưa lớn, có một bệnh nhân bị nguy kịch do ong chích, phải lọc máu nhiều lần nếu không sẽ tử vong. Hay tin, em chạy lên hiến. Nhưng một mình em thì không đủ máu. Thế là em lật danh sách thành viên ra rồi chọn ngay 29 người khác đủ điều kiện để gọi, nhắn tin lên hiến máu. Trong thời gian từ 1-3 giờ sáng, CLB đã thần tốc huy động được 30 đơn vị máu để cung cấp cho bệnh nhân bị ong chích lọc máu. Nhờ đó mà bệnh nhân sống sót. Bọn em rất vui”.

Chị Thảo Nguyên trong những lần đi hiến máu (ảnh: NVCC)

Đến nay, CLB đã có 1.800 thành viên với tổng số đơn vị máu đã hiến là hơn 3.000 lít. Ngoài thành viên chính ở Kon Tum, thì câu lạc bộ còn có thành viên ở Gia Lai, Đắk Lắk… với đủ thành phần, gồm cả y bác sĩ, hay cả những lao động, sinh viên bình thường. Ngoài những người hiểu ý nghĩa của việc hiến máu đã tự nguyện tham gia, còn có những người thân của bệnh nhân từng được CLB cho máu cũng xin gia nhập.

Theo Thảo Nguyên, CLB có nguyên tắc là không nhận tiền của người nhà bệnh nhân cảm ơn. Để giữ thành viên, vào những dịp sinh nhật, hay ngày giỗ nghề, Nguyên đều quan tâm hỏi thăm, hoặc tặng bánh và hoa cho các thành viên. Tất cả chi phí đều từ tiền túi do em bỏ ra từ nguồn thu em làm thêm hoặc bán hàng trên mạng.

Lúc chia tay, Nguyên nói về dự định sắp tới: “Em khá tâm huyết và sẽ tiếp tục duy trì CLB này bằng việc tuyển thêm thành viên mới. Em hy vọng sẽ có nhiều máu được CLB cung cấp để cứu thêm người bệnh”.

Năm 2021, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ký tặng bằng khen cho CLB máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên đã đạt Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021. Cùng năm, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kon Tum tặng bằng khen cho CLB do có thành tích xuất sắc trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng…

Về cá nhân, năm 2021, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Kon Tum tặng giấy khen cho Thảo Nguyên vì thành tích trong công tác vận động, hiến máu tình nguyện năm 2020.

Theo sggp.org.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan