Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Những chuyện khó quên của nữ điều dưỡng trở về từ tâm dịch

Tham gia đoàn y bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tình nguyện vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19, các nữ bác sĩ và điều dưỡng khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã mang theo những “khoảng trời xanh hy vọng”, những xúc cảm không thể đong đếm mà lần đầu tiên có được trong chặng đường làm nghề của mình.

Sẵn sàng lên đường với niềm tin tưởng

Khi đã đăng ký tình nguyện lên đường thì chúng tôi chuẩn bị trong hành trang của mình là sự “sẵn sàng”- các nữ bác sĩ và điều dưỡng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã mở đầu cuộc trò chuyện như vậy.

“Mẹ rất lo lắng còn bố rất thoải mái, động viên tôi rằng “Tổ quốc cần, gọi tên thì mình cứ lên đường”. Bạn trai cũng động viên giữ gìn sức khỏe, trở về an toàn”.

“Bản thân mình còn đang lo lắng, đắn đo thì bà ngoại đã động viên “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, con là đảng viên thì nên đi, trong đó họ cần mình”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huế, khoa Bệnh máu tổng hợp và ThS.BS Trần Quỳnh Mai, khoa Bệnh máu trẻ em, chia sẻ với niềm tin trong ánh mắt.

Với điều dưỡng Chu Thị Hồng Anh, khoa Ghép tế bào gốc, khi nhận “lời hiệu triệu” vào Nam hỗ trợ chống dịch, chị đơn giản nghĩ là mình có chồng là hậu phương vững chắc và hoàn toàn tin tưởng yên tâm ông xã sẽ chăm con tốt nhất khi chị lên đường chống dịch.

“Mình cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên sẵn sàng để lên đường. Khi chia sẻ điều này với ông xã, anh đã nói rằng: “Em cứ yên tâm lên đường”. Đây là điều đầu tiên trong hành trang giúp mình vững tin lên đường”, điều dưỡng Hồng Anh nói.

Khi đặt chân đến TP.HCM, các y bác sĩ, điều dưỡng của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch (Bệnh viện Hồi sức COVID-19) đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) do BV Chợ Rẫy phụ trách.

Những ca trực đã cuốn họ vào guồng quay của một cuộc chiến thực sự. Công việc là chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân COVID-19. Cứ 7h30 bắt đầu nhận ca, mỗi ngày 3 ca: ca 1 từ 7h30 đến 14h30, ca 2 từ 14h30 đến 21h30, ca đêm là từ 22h đêm đến 7h sáng hôm sau.

4h chiều mới ăn bữa trưa, 11h đêm mới ăn bữa tối. Hơn một tháng rưỡi ở tâm dịch, triền miên hầu như ngày nào cũng chỉ có 2 bữa, làm 7 tiếng trong bộ đồ bảo hộ, không ăn uống, không vệ sinh. Được cử vào khoa bệnh nhân COVID-19 nặng, có những điều dưỡng lần đầu tiên làm việc tại một ICU (Khu chăm sóc tích cực), làm những công việc chưa từng làm.

“Ngày đầu tiên bắt tay vào công việc, tôi cũng có chút lo lắng nhưng sau đó đã nhanh chóng bắt kịp với công việc. Dù vất vả, nhưng với tôi việc giúp được người bệnh mới là điều quan trọng nhất. Khoa tôi được cử vào làm việc đang điều trị cho các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, phải thở máy. Người bệnh hầu hết chỉ nằm một chỗ và không thể cử động được”, điều dưỡng Phạm Thu Hiền, khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Không còn khái niệm thời gian

Tất cả đều bị cuốn vào guồng công việc, quên đi khái niệm về thời gian. Tất cả chỉ tập trung vào hôm nay trực ca nào, trực với kíp nào… Sau mỗi ngày, ai cũng vội vã về để tranh thủ nghỉ ngơi, để có thể sẵn sàng cho ngày tiếp theo.

Nhớ lại về những ngày cùng các đồng nghiệp đến từ mọi miền Tổ quốc chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, điều dưỡng Phạm Thu Hiền cho biết, khoa chị làm việc chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân trẻ, những phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh. Khi đặt chân vào tâm dịch, chị cùng các đồng nghiệp mới thực sự hiểu thế nào là “chiến trường”. Chiến trường này không hề có khói lửa nhưng ngày nào cũng có những mất mát, đau thương.

“Chứng kiến sự ra đi của những người trẻ khi họ còn cả chặng đường dài phía trước chúng tôi thật sự đau xót. Các bạn trẻ cũng đã rất nghị lực, chính bản thân họ đã không buông bỏ cơ hội và chiến đấu đến cùng để giành lại sự sống cho chính mình. Tinh thần của họ cũng là nguồn động lực để chúng tôi làm hết sức mình, sát cánh cùng các bệnh nhân đánh bại COVID-19”, chị Hiền nói.

Không ngăn được nước mắt khi nhớ lại những khoảnh khắc sinh tử mong manh mà sẽ không thể nào quên, chị Hiền kể lại câu chuyện một bác sĩ điều trị trực tiếp cho mẹ bị mắc COVID-19, nhưng mẹ lại không thể qua khỏi. Đây là nỗi đau xót đến tận cùng, nhưng bác sĩ này vẫn giữ vững tinh thần, tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân khác.

Hay câu chuyện về cặp vợ chồng bác sĩ cùng điều trị COVID-19, nhưng sau đó chỉ có người vợ điều trị khỏi, còn người chồng đã mãi ra đi…

“Đến bây giờ tôi vẫn xúc động và không thể cầm lòng được khi nghĩ đến câu chuyện này. Đây là những cảm xúc rất khó quên. “Chuyến đi này nếu bạn hỏi có nhiều cảm xúc hay không thì thực sự là không thể đong đếm được”, điều dưỡng Hiền nói.

Các bệnh nhân COVID-19 nặng đều phải thở máy và chỉ nằm một chỗ. Họ không có người nhà ở bên cạnh để động viên, chăm sóc, do vậy, việc chăm sóc đều phụ thuộc vào nhân viên y tế. Ngay cả lúc hấp hối họ cũng không được gặp người nhà, các y bác sĩ, điều dưỡng lại là những người đưa tiễn họ đoạn đường cuối cùng.

Mọi nỗ lực của các y bác sĩ và các điều dưỡng cũng được đền đáp khi chứng kiến bệnh nhân nặng phục hồi. Vui nhất là khi bệnh nhân điều trị tiến triển và chuyển xuống các khoa nhẹ để tiếp tục điều trị. Điều này là động lực để mỗi ngày họ lại cố gắng chăm sóc hết mình cho các bệnh nhân.

“Với tôi, khoảnh khắc xúc động nhất là chứng kiến một sản phụ mang thai ở tuần 25 phải thở máy rất nặng, sau đó chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao). Bệnh nhân này sau đó tiến triển tốt hơn và chuyển sang điều trị ở khoa nhẹ hơn, như vậy đã là điều rất mừng” – điều dưỡng Hồng Anh xúc động nói.

Những đồng nhiệp chưa biết đến mặt nhau và lời hẹn ước

Chứng kiến ranh giới sinh tử, các y bác sĩ và điều dưỡng trong mỗi kíp trực luôn động viên nhau. Đơn giản chỉ là những nụ cười qua ánh mắt, hay những giọng nói, cử chỉ nhưng trong bối cảnh này lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp họ vượt qua khó khăn để chiến đấu với đại dịch.

 “Chúng tôi không biết hết mặt nhau và liệu rằng khi bỏ lớp bảo hộ ra chúng tôi có nhận ra nhau không?”- điều dưỡng Phạm Thu Hiền nói.

Được sự chia sẻ, hỗ trợ của các đồng nghiệp tại TP.HCM, các y bác sĩ và điều dưỡng khắp cả nước tham gia chống dịch đều vượt qua được những khó khăn ban đầu để bắt vào guồng quay nhanh nhất.

“Tôi rất khâm phục các bạn đồng nghiệp trong đấy, đặc biệt cảm kích về sự nhiệt huyết khi các bạn đều rất trẻ và không nề hà bất cứ công việc khó khăn nào. Tôi rất ngưỡng mộ sự bền bỉ, tận tình của các bạn đồng nghiệp. Đến giai đoạn này, dù đã rất mệt mỏi nhưng tất cả vẫn giữ được nguyên nhiệt huyết. Giữa các y bác sĩ, các điều dưỡng không hề có khoảng cách, có sự phân biệt là lực lượng tăng cường hay không, mà tất cả cùng chung tay chung sức điều trị, chăm sóc bệnh nhân đạt kết quả tốt nhất”- Điều dưỡng Phạm Thị Hiền nói.

Những cái ôm, cái bắt tay qua lớp đồ bảo hộ, những tấm ảnh kỷ niệm chụp cùng nhau trong ngày làm việc cuối cùng… được cất giữ trang trọng trong hành trang trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn công tác. Họ còn để lại lời hẹn ước “hết dịch sẽ gặp nhau”.

Điều dưỡng Thuỷ Tiên chia sẻ, chị đã “được” nhiều hơn trong chuyến đi này, khi đã vượt qua được chính mình, vượt qua mọi hoàn cảnh khi lên đường vào Nam chống dịch.

“Bức thư chia tay đó là của một bạn sinh viên ĐH Hồng Bàng tình nguyện tham gia chống dịch, khi vào TP.HCM chúng tôi được phân vào một kíp. Bạn là tình nguyện viên và không biết nhiều về chuyên môn, do vậy khi đi làm cùng nhau, tôi đã hướng dẫn bạn và cả 2 trở nên khăng khít hơn. Ngày cuối cùng khi chúng tôi kết thúc nhiệm vụ, bạn sinh viên đã đưa bức thư này cho chúng tôi như một món quà chia tay. Và với chúng tôi điều này thật sự ý nghĩa.

Các bạn tình nguyện viên ở các khoa khác chắc chắn cũng lưu giữ lại được nhiều tình cảm với các đoàn y bác sĩ, nhưng mỗi người sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Bởi tình cảm trong lúc khó khăn sẽ trở nên trân quý hơn rất nhiều”, chị Thủy Tiên xúc động nói.

Mong ước trở về nhà

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch tại TP.HCM trở về Hà Nội, đoàn y bác sĩ, điều dưỡng của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định và dần trở lại cuộc sống bình thường mới.

“Câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất sau chuyến đi này là “Liệu có sẵn sàng lên đường tiếp, có sẵn sàng vào vùng dịch với thời gian dài hơn?” Chúng tôi thực sự mong dịch sẽ được đẩy lùi nhưng khi cần thì tất cả đều sẵn sàng lên đường. Có một hậu phương vững chắc, có tình yêu của gia đình giúp chúng tôi vững tâm và tin tưởng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi” – những “bóng hồng” trên tuyến đầu chống dịch chia sẻ và khẳng định rằng họ không hề hối hận với quyết định vào Nam chống dịch.

“Tôi rất hay chụp những bức ảnh trời xanh, nhưng góc phố rợp bóng cây xanh những bức ảnh chụp từ ô cửa sổ khách sạn ở TP.HCM hay ô cửa kính ô tô. Với tôi đó là màu xanh hy vọng” – Điều dưỡng Thủy Tiên nói./.

Theo VOV.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan