Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nóng: Nhóm máu A đang dần cạn kiệt trong kho máu của Viện Huyết học

Suckhoedoisong.vn – Cho đến ngày 13/2, hiện kho máu của Viện Huyết học- Truyền máu TW chỉ còn khoảng hơn 1.000 đơn vị nhóm máu A, chiếm khoảng 10% tổng lượng máu Viện Huyết học- Truyền máu TW đang còn trong kho. Nhóm máu B tương đối ổn với khoảng 26-27%, nhóm máu O khoảng 53%, còn lại là các nhóm khác.

Tính đến sáng ngày 13/2, trong kho máu của Viện Huyết học- Truyền máu TW có khoảng gần 13.000 đơn vị máu. Từ ngày 10/2, Viện đã có thể cung cấp máu trở lại bình thường cho các đơn vị, trong đó đã cung cấp 1.300 đơn vị cho các bệnh viện. Ngày 12 và 13/2 cung cấp khoảng từ 1.500- 2.000 đơn vị máu cho các tỉnh và khu vực Hà Nội.

TS. BS Bạch Quốc Khánh-  Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu TW cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày Viện Huyết học- Truyền máu TW cần từ  1.500 đến 2.000 đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh viện phía Bắc và khu vực Hà Nội.

Đến thời điểm hiện tại, việc cung cấp các nhóm máu khác cho các tỉnh và khu vực Hà Nội thì tạm ổn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nhưng riêng về nhóm máu A chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Ví dụ như bệnh viện cần 500 đơn vị nhóm máu A, nhưng chúng tôi không thể phát đủ được số ấy mà phải bù bằng nhóm máu khác.

“Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhóm máu A không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã xảy ra từ năm trước. Vào thời điểm khan hiếm máu, nhóm A cũng chỉ còn chưa đến 200 đơn vị”- TS.BS Bạch Quốc Khánh thông tin.

Mặc dù lượng máu dự trữ đã tăng lên nhưng nhóm máu A vẫn mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu điều trị. Người bệnh nhóm máu A hiện chỉ được truyền máu ở mức cầm chừng và gần như phải “chia nhau” từng bịch máu.

Do mới sinh con nên chị Giáp Thị Lý (điều trị tại Trung tâm Thalassemia)- Viện Huyết học – Truyền máu TW dự định chỉ nằm viện khoảng 2 ngày nhưng đúng vào thời điểm thiếu máu nhóm A, chị sẽ phải nằm viện thêm vài ngày nữa mới được truyền đủ máu.

Trong khi chị nằm viện lòng như lửa đốt ngóng chờ được truyền máu thì ở nhà đứa con bé bỏng mới 2 tháng tuổi phải đi bú nhờ và khóc vì nhớ mẹ. Bình thường chị được truyền từ khoảng 1.000 ml máu nhưng đợt này, chị mới chỉ được truyền 500 ml máu đã phải xin ra viện về với con.

Từ thực tế công tác hiến máu tình nguyện sau những ngày Tết Canh Tý cho thấy, nhờ tuyên truyền mạnh mẽ, cùng với sự vào cuộc của truyền thông, sự hưởng ứng của cộng đồng, công tác hiến máu đã có sự đột phá. Trước kia rất nhiều người không muốn hiến máu đầu Xuân, vì thế Lễ hội Xuân hồng thường diễn ra sau Rằm tháng Giêng, năm nay với sự xuất hiện của dịch COVID-19, dẫn đến các đơn vị cũng hủy lịch hiến máu. Việc truyền thông mạnh mẽ đã tạo nên những điều tích cực, nhiều người thấy chúng tôi kêu gọi, đã sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người bệnh đang cần máu.

Tuy nhiên, qua thực tế này cũng cho thấy, công tác vận động hiến máu và truyền thông bây giờ không chỉ là truyền thông vận động theo kiểu phong trào nữa mà đã thành hoạt động.

“Do đó, chúng tôi yêu cầu công tác truyền thông vận động cũng cần thay đổi theo hướng khác, không chỉ đơn thuần là tuyên truyền cho người dân về chuyện hiến máu tình nguyện có ảnh hưởng sức khoẻ hay không… mà phương thức là truyền tải để cho cộng đồng hiểu được mong muốn của chúng ta về tiếp nhận nhóm máu như thế nào, cộng đồng đang thiếu nhóm máu gì”- TS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo TS Bạch Quốc Khánh, cho đến hiện tại chúng ta vẫn đang thiếu máu chung nên chưa quá tập trung vào câu chuyện mong muốn nhóm nào hiến máu mà cứ để theo tự nhiên. Tuy nhiên khi nhu cầu về truyền máu ngày càng tăng và thực tế hiến máu vẫn theo tự nhiên thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cân bằng giữa các nhóm máu. Khi thiếu như vậy nếu không can thiệp sớm thì sẽ kéo dài tình trạng mất cân bằng và ảnh hưởng đến an toàn truyền máu.

Những ngày vừa qua, Viện đã nỗ lực để có được nền tảng dự trữ ít nhất trong 1 tuần, từ đó sẽ đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, dịp sắp tới dự kiến vẫn thiếu nhóm máu O và A vì nhu cầu sử dụng rất cao. Kế hoạch của Viện sắp tới tổ chức đợt cao điểm tập trung vào nhóm máu A để giải quyết được nhu cầu cấp cứu.

Hiện nay trong cộng đồng, có khoảng 42-43% người dân có nhóm máu O; nhóm máu B chiếm khoảng 30%; nhóm máu A khoảng 20%, còn lại là các nhóm máu khác.

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cũng cho biết thêm, việc tổ chức chương trình “Lễ hội Xuân hồng 2020” hoàn toàn thay đổi so với những năm trước đây. Giai đoạn đầu tiên Viện Huyết học- Truyền máu TW và các đơn vị phối hợp tổ chức trong 1 ngày; 2 năm trở lại đây là 3 ngày và đến năm nay kéo dài hơn, thay đổi hoàn toàn khi kéo dài tới 11 ngày và phân bổ ở 7 điểm khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội.

Cán bộ y tế tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2020 ngày 13/2 tại Viện Huyết học- Truyền máu TW.

“Đây không còn là lễ hội mà gọi là sự kiện hiến máu tình nguyện Xuân hồng 2020 để phù hợp trong giai đoạn chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, so với năm trước đây thì đã có những điểm hiến máu cố định, sắp tới sẽ có thêm những điểm hiến máu cố định tiếp theo. Để đáp ứng được nhu cầu là tổ chức Xuân hồng như mọi năm nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh”- TS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Đồng thời TS Bạch Quốc Khánh cũng khẳng định, việc tổ chức Xuân hồng 2020 khi trong mùa dịch bệnh sẽ cho Viện kinh nghiệm để tổ chức trong những năm tiếp theo. Có thể thấy, các chương trình trước đối tượng hiến máu chủ yếu là sinh viên, mỗi lần Tết và Hè đến lượng sinh viên về quê đông nên bị thiếu máu. Nhưng hiện tại đã khác, vừa qua đã chứng minh cho câu chuyện hiến máu là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không phải là của riêng sinh viên.

Viện Huyết học- Truyền máu TW trân trọng kính mời những người có nhóm máu A trong những ngày tới tại một trong những địa điểm sau:

– Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

– Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội từ 8h đến 17h tất cả các ngày ở địa chỉ:

+ 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm)

+ 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân)

+ Số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa)

+ Nhà Văn hoá phường Thanh Xuân Bắc, số 5 Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân | 17 – 20/2/2020

+ Nhà Văn hoá quận Hai Bà Trưng, 257 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng – 8h đến 17h các ngày 19 – 20/2/2020

+ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, số 9 Phố Viên, quận Bắc Từ Liêm – 8h đến 17h các ngày 19 – 21/2/2020

Theo Báo Sức khỏe & đời sống

 

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan