Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nỗi đau của người mẹ 5 lần mang bầu, 3 lần phải bỏ thai vì bệnh tan máu bẩm sinh

Chỉ vì 2 vợ chồng cùng mang gene tan máu bẩm sinh, chị Lý Thị V. (sinh năm 1985, Lai Châu) đã trải qua 5 lần mang thai với hi vọng rằng con chào đời sẽ không mang bệnh và cũng từng ấy lần chị đau đớn khi nhận kết quả chẩn đoán trước sinh.

Những em bé tan máu bẩm sinh gắn cuộc đời với việc truyền máu

Mỗi lần hi vọng, một lần đau

Năm 2013, chị V. sinh con đầu tiên bị căn bệnh di truyền Tan máu bẩm sinh (Thalassemia). 4 lần mang thai tiếp theo, chị đều đi chọc ối, làm xét nghiệm phát hiện bệnh thì lần nào em bé trong bụng mẹ cũng bị bệnh giống như anh mình. Vô cùng đau đớn, chị và gia đình đã 3 lần phải bỏ con.

Đến lần mang thai thứ 4, mặc dù biết con bị bệnh, chị vẫn quyết định sinh vì không thể bỏ con thêm một lần nào nữa. Chị V. ngậm ngùi : “Tôi bị ám ảnh, đêm ngủ toàn gặp ác mộng. Lần mang thai cuối cùng, gia đình không cho đi chọc ối nữa, nhưng tôi không yên tâm nên vẫn quyết định làm, lúc đó thai cũng đã lớn rồi. Nhiều khi bế tắc, tôi hay nghĩ quẩn chỉ muốn ôm các con tìm đến cái chết”.

Con của chị Lý Thị V. phải gắn với việc truyền máu suốt cuộc đời

Sau ba lần mất con, 2 lần sinh con bị bệnh, vợ chồng chị V. chán nản và từ bỏ hy vọng sinh được một đứa con khỏe mạnh.

Các cặp vợ chồng mang gen Tan máu bẩm sinh có tới 75% khả năng sinh con không bị bệnh. Trong khi nhiều cặp vợ chồng khác có thể gặp 75% may mắn ấy ngay ở lần chẩn đoán trước sinh thứ nhất, thứ 2… Còn chị V. có 5 lần mang thai thì cả 5 lần đều rơi vào xác suất 25% con bị bệnh.

Giờ đây, nỗi đau vẫn đeo bám gia đình chị, hàng tháng chị và chồng vẫn đưa 2 con đến Viện điều trị. Mỗi sáng mai thức dậy chị luôn mong sẽ nhìn thấy con không bị đeo đẳng bởi căn bệnh Tan máu bẩm sinh, nhưng hiện thực lại quá tàn khốc.

Sinh con khỏe mạnh nhờ chẩn đoán trước chuyển phôi

Bên cạnh phương pháp chẩn đoán Thalassemia sau khi người mẹ đã mang thai còn phụ thuộc nhiều vào may rủi, trong những năm gần đây, đã có nhiều cặp vợ chồng mang gen Thalassemia sinh con khỏe mạnh nhờ chẩn đoán trước chuyển phôi.

Giống như chị V. , chị Nguyễn Thị H cũng có con đầu bị bệnh Tan máu bẩm sinh. Như một cú đánh chỉ tử, chán nản, sụp đổ, 2 vợ chồng anh chị không muốn chấp nhận việc căn bệnh này sẽ đeo bám đứa con bé bỏng của mình đến suốt cuộc đời.

Khi được tư vấn về phương pháp chẩn đoán trước chuyển phôi, hi vọng về việc có thêm con khỏe mạnh của gia đình chị lại được được nhen nhóm. Hai anh chị tiến hành công cuộc tìm con khỏe mạnh bằng phương pháp sàng lọc phôi. Ngay trong lần đầu tiên kết quả chuyển phôi không mang gen bệnh đã thành công.

Chị H vui mừng chia sẻ: “Phương pháp này đã đem lại nguồn động lực cho cả gia đình tôi, dù chi phí khá tốn kém, nhưng hi vọng mà nó đem lại thật xứng đáng, vợ chồng tôi có thể có thêm con khỏe mạnh, cháu đầu bị bệnh cũng có cơ hội để chữa khỏi, tôi thấy vui lắm”. Kể lại những giây phút chờ đợi kết quả, chị H hồi hộp từng hơi thở, mỗi lần khám sàng lọc là một lần lo. Mới đây, gia đình anh chị đã hạnh phúc chào đón một em bé khỏe mạnh.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Hiện nay, các cặp vợ chồng mang gen Thalassemia có thể thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán Thalassemia trước chuyển phôi, đồng thời còn có thể lựa chọn phôi phù hợp HLA với anh/chị bị bệnh, để sau khi em bé ra đời sẽ có kế hoạch lưu trữ máu dây rốn phục vụ ghép tế bào gốc cho anh/chị”.

Chẩn đoán trước chuyển phôi là một kỹ thuật chuyên sâu và được thực hiện tại các bệnh viện lớn. Phương pháp này thực sự đã giải tỏa nhiều gánh nặng tâm lý, sức khỏe và đem đến niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng mang gen bệnh di truyền, trong đó có Thalassemia. Trước khi mang thai, các cặp vợ chồng mang gen Thalassemia cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lựa chọn phương pháp chẩn đoán trước sinh phù hợp.

Quỳnh Anh – Trương Hằng

Theo Báo Dân trí

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan