Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Những thông tin bạn cần biết về Ghép Tế bào gốc tạo máu (phần 3)

Tình hình Ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Mặc dù xuất phát điểm muộn hơn (sau 10 năm) so với toàn quốc (ca ghép TBG đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào năm 1995), tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được Viện thực hiện và thành công tốt đẹp. Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học tại Viện. Tính đến hết tháng 10/2018, Viện đã triển khai ghép được trên 339 ca, trong đó có 25 ca được ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng.
Qua các hoạt động trọng tâm đó, việc nghiên cứu, ứng dụng TBG tại Viện không ngừng phát triển, bệnh nhân có nhu cầu ghép ngày càng tăng. Hướng đến sự phục vụ tốt nhất, đạt chất lượng cao trong điều trị, tháng 01/2016, Viện đã chủ động đầu tư từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp để cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện khu vực phòng ghép gần tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Không tự hài lòng về những bước đột phá về mặt y học táo bạo mà Viện đã làm được, tới đây, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển hơn trong lĩnh vực ghép tế bào gốc. Từ kết quả đạt được từ người hiến cùng huyết thống, Việt Nam tích cực triển khai ghép MDR, nửa hoà hợp hay phối hợp cả hai nguồn tế bào gốc. Bên cạnh đó, Viện đã và đang tiến hành ghép đồng loài giảm cường độ liều cho bệnh nhân trên 55 tuổi. Cố gắng hoàn thiện quy trình để ghép cho nhóm bệnh đang là nỗi trăn trở của xã hội – bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
Về kết quả ghép tự thân, tỷ lệ PFS và OS thời điểm 5 năm sau ghép cho đa u tuỷ xương lần lượt là 34,3% và 69%, còn sau ghép tự thân nhóm U lympho ác tính, tỷ lệ PFS và OS thời điểm 3 năm lần lượt là 63% và 78,3%.
Kết quả của ghép đồng loài cho thấy: thời gian sống toàn bộ (OS) 5 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là 78,8% và 41,7%; và thời gian sống không bệnh (DFS) 5 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là 68,5% và 37,4%.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã trở thành một trong những trung tâm về ghép Tế bào gốc hiệu quả, uy tín trên cả nước, được đông đảo đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay, giúp bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính có cơ hội khỏi bệnh và quay lại cuộc sống bình thường.
BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép Tế bào gốc – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: “Nhìn những bệnh nhân đang hồi phục từng ngày và họ không cần phải dùng thuốc hỗ trợ sau ghép, chúng tôi mới thấy phép màu của việc ghép tế bào gốc. Sẽ còn nhiều lắm những việc cần phải làm, nhưng nụ cười và những cái nắm tay của họ sau những ca ghép, chính là nguồn động lực rất lớn, khích lệ chúng tôi bước tiếp trên hành trình còn nhiều gian nan này”.
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan