Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Những thông tin bạn cần biết về Ghép Tế bào gốc tạo máu (phần 2)

Những tác dụng của ghép tế bào gốc trong điều trị các bệnh về máu

Ghép tế bào gốc đem lại nhiều hiệu quả trên nhiều nhóm bệnh, nhờ đóng góp của nhiều yếu tố sau Hóa chất/tia xạ liều cao trong phác đồ “điều kiện hóa”: mỗi bệnh nhân ghép tế bào gốc đều phải trải qua một bước rất quan trọng là điều trị hóa chất/tia xạ liều cao, gọi là phác đồ “điều kiện hóa”. Bước điều trị này không phải là những phác đồ điều trị hóa chất tiêu chuẩn thông thường của bệnh nhân mà sử dụng các loại hóa chất khác, liều cao hơn, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo “điều kiện” tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Ngay sau khi truyền hóa chất/tia xạ điều kiện hóa, bệnh nhân sẽ được truyền tế bào gốc trong vòng 1-2 ngày.
Tế bào gốc giúp phục hồi tạo máu: sau khi dùng hóa chất/tia xạ liều cao, khối tế bào gốc được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch và lan tỏa đến các khoang sinh máu ở tất cả các xương trong cơ thể. Tại đây, chúng sẽ tăng sinh, phát triển thành các tế bào tạo máu mới, thay thế cho các tế bào vừa bị tiêu diệt bởi hóa chất/tia xạ, giúp cho bệnh nhân hết thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết do bệnh cũ hoặc do biến chứng của phác đồ “điều kiện hóa”.
Tế bào gốc diệt tế bào ung thư: điều này chỉ thấy trong những trường hợp ghép tế bào gốc đồng loài điều trị các bệnh ác tính. Tế bào gốc vào cơ thể sẽ sinh ra các tế bào miễn dịch. Các tế bào này coi những tế bào ung thư như những “kẻ thù” và sinh ra các hiệu ứng miễn dịch để tiêu diệt chúng, giống như tiêu diệt các vi khuẩn/virus lạ thông thường trong cơ thể. Nhờ đó, tế bào ung thư không có cơ hội trỗi dậy gây tái phát.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ghép tế bào gốc

Loại ghép:

Trong ghép tế bào gốc tự thân, tế bào tạo máu của người bệnh không bị thay thế mà vẫn là tế bào gốc cũ của bản thân bệnh nhân. Việc sử dụng tế bào gốc chỉ có tính chất hỗ trợ cho điều trị hóa chất/tia xạ liều cao. Vì vậy quá trình ghép không giúp khỏi bệnh hoàn toàn mà chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian lui bệnh hơn so với điều trị hóa chất thông thường.
Trong ghép tế bào gốc đồng loài, tế bào gốc tạo máu bị bệnh được thay thế hoàn toàn bằng tế bào gốc khỏe mạnh của người hiến. Vì vậy bệnh nhân không những có thể kéo dài thời gian lui bệnh mà còn có khả năng khỏi bệnh hoàn toàn nếu như duy trì được mảnh ghép ổn định mãi mãi. Điều này thấy được rõ ràng hơn ở những nhóm bệnh lành tính.
Tình trạng và giai đoạn bệnh lúc ghép là một trong những yếu tố tiên lượng quan trọng cho đáp ứng sau ghép tủy. Nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị trước ghép tốt và ở giai đoạn ổn định thì nguy cơ tái phát thấp hơn. Các biến chứng do điều trị trước ghép cũng ảnh hưởng đến kết quả ghép như: mức độ tổn thương gan, thận, tim mạch, nhiễm trùng, quá tải sắt, kháng thể bất thường…

Nguồn tế bào gốc để ghép: Nguồn tế bào gốc từ người hiến cùng huyết thống hòa hợp hoàn toàn có hiệu quả ghép tốt nhất. Nếu không có nguồn này thì còn có thể lựa chọn các nguồn thay thế từ người hiến không cùng huyết thống, từ máu dây rốn cộng đồng hay người hiến nửa hòa hợp (haplotype) kỹ thuật khó hơn, mỗi nguồn có ưu nhược điểm riêng khi so sánh với nhau.

Mức độ hòa hợp về HLA: quan trọng trong ghép tế bào gốc đồng loài, người hiến có mức hòa hợp với bệnh nhân càng cao thì hiệu quả ghép càng tốt.
Liều tế bào gốc: liều tế bào gốc càng cao thì khả năng mọc mảnh ghép càng tốt, các nguồn tế bào gốc từ người hiến trưởng thành như máu ngoại vi, dịch tủy xương cho liều ghép tốt hơn. Nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn thường cho liều tế bào thấp hơn và thời gian mọc ghép chậm hơn, nguy cơ thải ghép cao hơn.
Bệnh nhân: tuổi là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến kết quả điều trị. Tuổi càng cao, tiên lượng càng xấu, nhất là ở tuổi sau 50 tuổi.
Xử lý, điều chỉnh tế bào gốc: nếu đơn vị tế bào gốc được loại bỏ bớt những tế bào một số tế bào miễn dịch trước khi ghép thì có thể làm giảm nguy cơ gây biến chứng ghép chống chủ cho bệnh nhưng nguy cơ cao tái phát.

Các biến chứng có thể gặp khi ghép tế bào gốc

Mặc dù đây là một kỹ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân nhưng không phải mọi ca ghép đều thành công. Theo kết quả chung của thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ ghép thành công của nhóm bệnh ác tính khoảng 40-60%, tỷ lệ ghép thành công của nhóm bệnh lành tính khoảng 70-80%. Những ca chưa thành công có thể do những yếu tố sau:
Biến chứng trong quá trình ghép: bệnh nhân thường phải trải qua điều trị hóa chất/tia xạ liều cao để loại trừ tế bào tạo máu cũ trước khi đưa tế bào tạo máu mới vào. Trong thời gian chờ mọc ghép, bệnh nhân ở trạng thái suy tủy xương tạm thời, làm giảm các dòng tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu dẫn đến thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết. Ngoài ra bệnh nhân còn có các tổn thương do tác dụng của hóa chất như viêm loét niêm mạc, suy gan, suy thận, suy tim… Các biến chứng này hoàn toàn có thể gây tử vong cho bệnh nhân trước khi mảnh ghép mọc thành công.
Không mọc ghép: do liều tế bào không đủ, ghép bất đồng HLA, ghép giảm cường độ liều, bất đồng nhóm máu… dẫn đến tế bào máu của mảnh ghép không mọc được trong cơ thể bệnh nhân. Những trường hợp này được coi là thất bại ghép.
Biến chứng sau quá trình ghép: thường gặp trong ghép tế bào gốc đồng loài, mặc dù mảnh ghép đã mọc tốt nhưng đôi khi mảnh ghép mọc quá mạnh sẽ có thể gây nên hiệu ứng miễn dịch gọi là bệnh ghép chống chủ (Graft vs Host disease), trong đó các tế bào của mảnh ghép tấn công các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân như da, gan, niêm mạc đường tiêu hóa, phổi,… Các biến chứng này nếu ở mức độ nặng khó kiểm soát cũng có thể gây tử vong cho bệnh nhân.
Tái phát/thải ghép: là những trường hợp mảnh ghép đã mọc ổn định trong cơ thể nhưng sau đó do tế bào ác tính tồn dư hoặc do sự kém hòa hợp về miễn dịch của mảnh ghép và cơ thể dẫn đến việc bệnh cũ tái phát hoặc mảnh ghép bị đào thải khỏi cơ thể.
(Còn nữa…)
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan