Những điều cần biết về vi rút viêm gan B
Vi rút viêm gan B khá phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ nhiễm trong dân số là khoảng 15 – 20%. Xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B cũng là xét nghiệm vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo an toàn truyền máu.
THÔNG TIN TỔNG QUAN VỀ VI RÚT VIÊM GAN B
Vi rút viêm gan B (siêu vi B) là một loại vi rút hướng gan, gây ra bệnh viêm gan. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút này khoảng 15 – 20% dân số.
Vi rút viêm gan B lưu hành trong máu, do đó lây truyền chủ yếu qua đường máu.
Một số đường lây nhiễm quan trọng đó là:
-
- Mẹ truyền sang con: Ðây là đường lây quan trọng nhất.
- Ðường tình dục: Lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới.
- Truyền máu hoặc chế phẩm máu có nhiễm vi rút, tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B.
- Dùng chung kim tiêm có nhiễm vi rút viêm gan B.
- Các nguyên nhân khác: Xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai với vật dụng không được tẩy trùng tốt có thể lây truyền vi rút viêm gan B…
CHẨN ĐOÁN VI RÚT VIÊM GAN B
Xét nghiệm vi rút viêm gan B cho người hiến máu
HBsAg là kháng nguyên bề mặt của vi rút viêm gan B. Sự có mặt HBsAg trong máu của được coi là bằng chứng có nhiễm vi rút này.
Hiện tại, Viện Huyết học – Truyền máu TW đang thực hiện xét nghiệm HBsAg cho tất cả người hiến máu lần đầu. Tuy nhiên, xét nghiệm này tại điểm hiến máu chỉ có thể làm được bằng kít nhanh nên không khẳng định có nhiễm vi rút viêm gan B hay không.
Lấy máu xét nghiệm trước hiến máu cho người hiến máu.
Còn đối với các đơn vị máu được tiếp nhận sau hiến, Viện Huyết học – Truyền máu TW đang thực hiện kiểm tra tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B bằng 2 kỹ thuật song song.
Kỹ thuật thứ nhất giúp phát hiện kháng nguyên HbsAg bằng công nghệ thuật hóa phát quang của hãng Roche và Abbott. Đây là hai hãng xét nghiệm hàng đầu trên thế giới có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.
Thứ hai là kỹ thuật sinh học phân tử NAT giúp phát hiện trực tiếp ADN-HBV ở những đơn vị máu có kháng nguyên HbsAg âm tính. Kỹ thuật này nhằm phát hiện những trường hợp nhiễm vi rút ở giai đoạn cửa sổ huyết thanh học, vi rút bị đột biến hoặc nhiễm vi rút mạn tính.
Nếu xét nghiệm đơn vị máu cho kết quả đã bị nhiễm vi rút này, người hiến máu cần liên hệ 0976 99 00 66 (Tổng đài Chăm sóc người HM) hoặc 024.37821898 (Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu) để được tư vấn và hỗ trợ.
Xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút viêm gan B
Để xác định chính xác có bị nhiễm vi rút viêm gan B, các bạn nên kiểm tra xét nghiệm ở những cơ sở y tế có xét nghiệm bằng kỹ thuật cao như: kỹ thuật ELISA hoặc kỹ thuật hóa phát quang,…
Xét nghiệm này tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có chi phí dao động từ 74.700 – 126.000.
Khi xác định chính xác nhiễm vi rút viêm gan B, các bạn có thể ở một trong các trường hợp sau:
1. Nhiễm vi rút mạn tính tiến triển
Vi rút đang nhân lên (đang tăng sinh), gây ra phản ứng viêm kéo dài trong gan.
2. Nhiễm trùng đã qua
Hiện tại không có vi rút, nhưng đã tiếp xúc với vi rút trong quá khứ, tạo ra đáp ứng miễn dịch và thải trừ hoàn toàn siêu vi B.
3. Người lành mang bệnh
Ðó là những trường hợp không có bằng chứng nhiễm vi rút nhưng cũng không đào thải hết vi rút ra khỏi cơ thể. Họ mang siêu vi B trong người và có thể truyền sang người khác, mặc dù bản thân họ không có biểu hiện bệnh.
Khám chuyên khoa Gan
Người được xác định là có nhiễm vi rút viêm gan B nên đi khám chuyên khoa Gan. Những xét nghiệm chính cần thực hiện là:
-
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan.
- Siêu âm gan: Phân tích cấu trúc của gan và các bộ phận xung quanh, tìm dấu hiệu xơ gan hoặc biểu hiện bất thường khác.
- Nên làm thêm xét nghiệm sinh thiết gan, đồng thời tìm HBV DNA trong máu.
DIỄN BIẾN TỰ NHIÊN KHI NHIỄM VI RÚT VIÊM GAN B
Nhiễm trùng cấp tính
Người nhiễm vi rút viêm gan B cấp tính có biểu hiện giống cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa.
Ðôi khi, nhiễm trùng cấp có thể nặng hơn với các triệu chứng: vàng da, vàng mắt, đau bụng, nước tiểu sẫm màu.
Nhiễm trùng mạn tính
Hơn 90% trường hợp nhiễm vi rút này ở tuổi trưởng thành sẽ hồi phục hoàn toàn. Chỉ có 10% chuyển thành “người mang vi rút viêm gan B mạn tính”.
Ở trẻ nhiễm vi rút từ lúc mới sinh, bệnh diễn biến khác hẳn. Khoảng 90% số trẻ này sẽ trở thành người mang vi rút mạn tính.
Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, có thể không có biểu hiện lâm sàng. Cuối cùng có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như: xơ gan, cổ trướng, chảy máu đường tiêu hóa do vỡ mạch máu bị giãn, ung thư gan…
LỜI KHUYÊN VỀ CHẾ ĐỘ ĂN VÀ LỐI SỐNG
Chế độ ăn
- Nếu là người lành mang mầm bệnh, không nên uống rượu, bia.
- Người nghiện rượu/bia mắc bệnh viêm gan B thường hay bị xơ gan hơn.
- Chế độ ăn bình thường là thích hợp với hầu hết trường hợp nhiễm vi rút B.
- Khi có xơ gan, bác sĩ sẽ khuyên nên giảm muối trong chế độ ăn.
Lối sống
Người bị nhiễm vi rút thường lo lắng về nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Lo lắng này hoàn toàn hợp lý vì vi rút lây nhiễm qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân hoặc do quan hệ tình dục.
Hiện nay, đã có vắc-xin chủng ngừa cho những người tiếp xúc với người mang mầm bệnh. Những người tiếp xúc bao gồm: bạn tình, trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc…
Nhưng dù sao người mang mầm bệnh cần có biện pháp đề phòng thích hợp. Ví dụ: nếu bị đứt tay, hãy lau sạch máu bằng thuốc sát trùng; sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Ðiều trị
Tùy theo quyết định của bác sĩ, một số trường hợp cần điều trị sớm và tích cực. Mục đích điều trị nhằm:
- Loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan.
- Ðào thải toàn bộ hoặc một phần lượng siêu vi B trong cơ thể, đặc biệt ở trong gan.
Bài viết liên quan
Quy trình hiến máu
11 Tháng Một, 2020Bước 1: Đăng ký tham gia hiến máu Người hiến máu dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về hiến máu qua tài liệu tại điểm hiến máu hoặc…
Lưu ý trước và sau hiến máu
13 Tháng Bảy, 2021Hiến máu là hành động cao đẹp, giúp mang đến món quà sức khỏe vô giá cho người bệnh. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn giữ sức khỏe…
Các dịch vụ, các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tại Viện
22 Tháng Năm, 2020Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế quy định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc một số tác nhân lây truyền bệnh (xét nghiệm…
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát
14 Tháng Mười Hai, 2020Lợi ích của việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam…