Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu là gì?

Khi gặp phải tình trạng thiếu máu, người bệnh thường đặt câu hỏi: tại sao lại xảy ra thiếu máu? Nên ăn uống như thế nào để không bị thiếu máu? Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh thiếu máu không chỉ xuất phát từ việc ăn uống thiếu chất mà còn rất nhiều lý do khác. Để trả lời câu hỏi: nguyên nhân của bệnh thiếu máu là gì, xin mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu - Viện Huyết học

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu là gì?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu máu, về cơ bản có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân như sau:

– Mất máu: Do chảy máu (người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa, bệnh trĩ, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài…).

– Tan máu: Do tăng phá hủy hồng cầu vì nguyên nhân tại hồng cầu hoặc nguyên nhân khác (bệnh tan máu bẩm sinh hoặc miễn dịch, sốt rét…).

– Giảm hoặc rối loạn sinh máu: Do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn sinh các tế bào máu (suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, bệnh máu ác tính, ung thư di căn…) hoặc do thiếu yếu tố tạo máu (erythropoietin, acid amin, acid folic và vitamin B12; thiếu sắt…).

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn về bệnh thiếu máu thiếu sắt

Tìm nguyên nhân của bệnh thiếu máu:

Để tìm ra nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, bác sĩ cần căn cứ trên nhiều yếu tố:

Dựa vào triệu chứng và các yếu tố liên quan:

– Yếu tố dịch tễ (tuổi, giới, nghề nghiệp…); tiền sử bệnh, sử dụng thuốc và gia đình;

– Khám lâm sàng để phát hiện các biểu hiện kèm theo như: Sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn, vàng da, tiểu sẫm. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần khám hệ thống gan, lách và hạch ngoại vi.

– Các xét nghiệm hóa sinh thường quy, test Coombs, định lượng sắt, Ferritin, điện di huyết sắc tố, acid folic, vitamin B12, erythropoietin; Kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng chuỗi kép DNA.

– Xét nghiệm tủy đồ, sinh thiết tủy xương đánh giá bệnh lý của tủy xương như: lơ xê mi cấp (ung thư máu cấp tính), lơ xê mi kinh (ung thư máu mạn tính), rối loạn sinh tủy, suy tủy xương…

– Tìm nguyên nhân mất máu: Soi dạ dày, soi đại-trực tràng, xét nghiệm phân…

Dựa vào chỉ số hồng cầu để định hướng nguyên nhân gây thiếu máu, cụ thể:

+ Dựa vào thể tích trung bình hồng cầu:

Hồng cầu nhỏ

(MCV < 80fl)

Hồng cầu bình thường

(MCV: 80-100fl)

Hồng cầu to

(MCV > 100fl)

–   Thiếu sắt

–   Thalassemia

–   Bệnh huyết sắc tố E

–   Thiếu máu do viêm mạn tính

–   Mất máu

–   Bệnh thận

–   Thiếu máu do viêm mạn tính

–   Bệnh hồng cầu hình liềm

–   Bệnh gan mạn tính

–   Rối loạn sinh tủy

–   Suy tủy xương

–   Thiếu a.folic, B12

–   Bệnh gan, rượu

–   Suy tủy xương

–   Điều trị hóa chất, thuốc kháng virus

–   Tan máu tự miễn

–   Rối loạn sinh tủy

+ Dựa vào các chỉ số hồng cầu lưới để đánh giá đáp ứng bù trừ của tủy xương trước tình trạng thiếu máu:

Nếu chỉ số hồng cầu lưới tăng: Tìm các nguyên nhân ngoài tủy như tan máu hoặc mất máu cấp tính, tan máu bẩm sinh (do huyết sắc tố hoặc do màng hồng cầu…);

Nếu chỉ số hồng cầu lưới giảm: Có thể tủy xương không đáp ứng bù đủ do tổn thương tại tủy hoặc do thiếu hụt các yếu tố cần thiết để tạo máu (erythropoietin, acid folic, vitamin B12…).

Điều trị thiếu máu

Nguyên tắc điều trị thiếu máu

– Xác định và điều trị theo nguyên nhân; phối hợp điều trị nguyên nhân và truyền bù khối hồng cầu.

– Chỉ định truyền chế phẩm khối hồng cầu dựa vào huyết sắc tố và lâm sàng.

– Duy trì lượng huyết sắc tố tối thiểu từ 80 g/L (những trường hợp có bệnh lý tim, phổi mạn tính nên duy trì từ > 90 g/L).

Trương Hằng (tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan