Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người phụ nữ mang đến những câu chuyện kỳ diệu về ghép tế bào gốc

Với BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thì bước vào ngành y là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị như thế. Nhân duyên trở thành bác sĩ về ghép tế bào gốc cứ thế cuốn chị đi với tất cả nhiệt huyết và sự sung sức của tuổi trẻ.

10 năm nín thở trước các bệnh lý về máu

Nhớ lại ngày đầu tiên của 10 năm trước khi được ban lãnh đạo Viện cử sang Viện sức khỏe Hoa Kỳ để học kỹ thuật ghép tế bào gốc. Trong khi nước bạn phải cần tới vài năm, chị chỉ có một khoảng thời gian ngắn ba tháng để học với sự hạn chế về ngoại ngữ và kiến thức. Sau ba tháng đó, khi trở về Việt Nam, Ban lãnh đạo Viện đề xuất bắt tay ngay vào công việc triển khai phương pháp ghép mới – ghép tế bào gốc đồng loài vào tháng 5-2008. Lúc đó, để bệnh nhân thật sự tin tưởng vào phương pháp ghép quá hiếm hoi. Ngoài vấn đề trình độ dân trí, kinh phí tốn kém thì vấn đề cơ sở vật chất để triển khai phương pháp điều trị này đòi hỏi yêu cầu rất cao. Vì thế, phải đến tháng 9 – 2010 khi chuyển ra cơ sở mới, Viện mới thực sự một trang mới của việc ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu, tiến hành ghép ngay một ca tự thân và đồng thời ghép hai ca đồng loài vào tháng 11.

Đến năm 2012, Viện tiến hành ghép đồng loài cho nhóm ác tính, mở cơ hội cho nhiều người bệnh khỏi bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ ghép anh chị em ruột phù hợp HLA cũng chỉ đạt tới 30%. Viện lúc đó đã định hướng tìm nguồn tế bào gốc từ người không cùng huyết thống qua tủy xương và máu ngoại vi. Nhưng việc đó, còn khó gấp trăm lần kêu gọi hiến máu tình nguyện, vì để lấy tế bào này, nhiều khi phải sử dụng thuốc kích thích đối với người hiến tự nguyện.

Bác sĩ Bình kiểm tra sức khỏe bệnh nhân ghép tế bào gốc.

Ngay lúc ấy, với một sự quyết tâm cao độ, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương triển khai xây dựng Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng vào năm 2014, kết quả là ngay tháng 12-2014 đã tiến hành tìm được đơn vị máu dây rốn từ ngân hàng máu cộng đồng và ghép thành công cho một bệnh nhân ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu, kết quả bệnh nhân hiện tại khoẻ mạnh trở về cuộc sống bình thường.

Sự ra đời của Trung tâm tế bào gốc với kế hoạch xây dựng Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đã cho phép áp dụng nhiều hơn nữa ghép tế bào gốc đồng loài cho các bệnh nhân cần ghép nhưng không có người cho là anh chị em ruột phù hợp HLA. Tính từ khi thành lập là tháng 5-2014 cho đến tháng 12-2016, Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đã thu thập và lưu trữ được gần 3.000 đơn vị máu dây rốn.

Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình cho biết, Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng tạo cơ hội tìm được nguồn tế bào gốc để các ghép cho các bệnh nhân mắc một số bệnh máu nhưng không có nguồn tế bào gốc cùng huyết thống nếu không được ghép sẽ không có cơ hội sống, đặc biệt nhóm bệnh máu ác tính. Đến nay, số bệnh nhân ghép máu dây rốn ở viện là 14 ca và khoảng 50% bệnh nhân được cứu sống bằng ghép máu dây rốn.

Sau 10 năm, từ ghép tế bào gốc tự thân đến ghép tế bào gốc đồng loài, Viện đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều bệnh máu ác tính và lành tính. Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình chia sẻ, theo các nghiên cứu trên thế giới và thực tế tại Viện Huyết học, kết quả ghép thành công ở nhóm bệnh ác tính khoảng 60-70%, nhưng nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương, đa huyết sắc tố đã đạt thành công trên 80%.

Đến với lĩnh vực tế bào gốc như một sự vô tình, bác sĩ Bình tâm sự “Đó cũng là cái duyên và cũng là may mắn vì ban lãnh đạo Viện luôn tin tưởng, tạo cơ hội cho tôi được học tập ở những trung tâm ghép có uy tín trên thế giới. Bằng những gì học được ngắn ngủi trong ba tháng, cùng với sự động viên của lãnh đạo Viện, cùng với sự sát cánh của các đồng nghiệp trong Viện quyết tâm ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc, chúng tôi đã triển khai nhiều ca ghép thành công. Dù vậy , đến giờ, mỗi ca bệnh sẽ vẫn là bài học cho cho chính tôi và cả đội ngũ y bác sĩ tại Viện để hoàn thiện phương pháp điều trị này”.

Những câu chuyện dài đeo bám

Đắn đo mãi, rồi chị cũng nghẹn ngào chia sẻ với tôi về một trường hợp, mà đến giờ, nhắc tới chị vẫn xúc động. Đó là một bé gái – con của hai người bạn đồng nghiệp chị, bị mắc căn bệnh suy tủy xương bẩm sinh, sống phụ thuộc vào truyền máu và tiểu cầu. Bố của cháu bé, cũng sớm từ biệt ba mẹ con vì căn bệnh ung thư gan. “Trước khi bố cháu mất, bố có nói với mẹ tâm nguyện muốn được ghép tủy để cứu sống con gái”.

Lúc đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã giúp lấy và lưu trữ đơn vị máu dây rốn phù hợp để giúp cháu tiến hành ghép tế bào gốc. Nhưng mẹ cháu bé cũng thấy khó khăn khi quyết định, nên đã tìm đến các bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để gửi gắm niềm tin vào hành trình tìm lại sự sống cho con gái mình.

“Chúng tôi rất quyết tâm nhưng cũng thấy rất áp lực. Tỷ lệ tử vong liên quan ghép có thể lên đến 20-30% tuỳ phương pháp ghép. Thêm nữa, liều tế bào gốc đơn vị máu dây rốn đã có chưa đủ cho cháu bé. Ê kíp bác sĩ hai Viện đã quyết tâm cùng hợp tác để tiến hành ca ghép này nên đã hội chẩn và quyết định lấy thêm tế bào gốc ở tủy xương của em trai lúc đó mới gần 4 tuổi. Với bé này, trong quá trình ghép cũng không thuận lợi hoàn toàn, vì liều tế bào gốc ở tủy xương và máu dây rốn có được thấp hơn máu ngoại vi nên mảnh ghép chỉ đạt 70-80% trong những tháng đầu sau ghép. Nhưng dần đến tháng thứ 6, mảnh ghép của cháu ổn định và xét nghiệm máu hoàn toàn bình thường” – Bác sĩ Bình xúc động nói thêm “Chúng tôi cũng bất ngờ là dịp Tết vừa qua, sau hơn 1 năm tiến hành ghép, mẹ cháu bé tâm sự là bé vẫn khỏe mạnh và rất hạnh phúc vì có thể tự đạp xe đến trường”.

Một trường hợp khác, cũng làm bác sĩ Bình ấn tượng nhiều là trường hợp một thanh niên đến viện khi mắc bệnh suy tủy và vì lý do đó, gia đình nhà bạn gái cậu phản đối đến cùng cuộc hôn nhân của hai người. Sau khi được ghép tế bào gốc thành công vào tháng 11-2010 đã trở thành người khoẻ mạnh, hai năm sau ghép đã lấy vợ và sinh được hai em bé liên tiếp.

Kỹ thuật ghép tế bào gốc đã cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý về máu.

Bác sĩ Bình xúc động hồi tưởng, năm 2013, khi sang Nhật để học về ghép đồng loài máu dây rốn và ghép cho nhi khoa, đã được gặp một bệnh nhân sống khỏe mạnh sau ghép đồng loài 33 năm. Mang theo một ao ước, liệu có phép màu nào đến với những bệnh nhân mắc bệnh lý về máu của Việt Nam sẽ khỏe mạnh dài lâu như thế, chị Bình hồ hởi chia sẻ với tôi, tại Viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, ca ghép đồng loài đầu tiên đến giờ đã duy trì được sự sống hơn 20 năm. Còn tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh nhân ung thư máu được ghép từ tháng 11-2008 đến giờ vẫn khỏe mạnh. Điều đó cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính hoàn toàn có cơ hội được cứu sống lâu dài.

Ghép tế bào gốc và cơ hội tái sinh cho nhiều bệnh về máu

Ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có khả năng chữa khỏi cho một số bệnh máu. Tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, trong 10 năm (2006 – 2016) đã ghép tế bào gốc cho 244 bệnh nhân (132 trường hợp ghép tự thân và 112 trường hợp ghép đồng loài).

Bác sĩ Bình cho biết, về kết quả ghép tự thân, tỷ lệ đáp ứng của nhóm U lympho là 70,2%; Tỷ lệ đáp ứng điều trị của nhóm ĐUTX ghép tự thân là 86,1%. Kết quả của ghép đồng loài cho thấy: thời gian sống toàn bộ (OS) 3 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là 83,3% và 47,2%; thời gian sống không bệnh (DFS) 3 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là 73,5% và 56,3%.

Ghép đồng loài từ anh, chị, em ruột phù hợp HLA vẫn là lựa chọn đầu tiên nếu có người hiến. Nhưng Viện là cơ sở đầu tiên thành lập ngân hàng máu dây rốn cộng đồng, bước đầu có hiệu quả nên đã ghép được 14 ca MDR trong hai năm qua. Thêm vào đó Viện cũng đã bước đầu ứng dụng ghép nửa hoà hợp – là một hướng mới có hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam, do đó đã đem lại nhiều hy vọng được cứu chữa cho bệnh nhân.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình và tập thể Khoa Ghép tế bào gốc chụp ảnh cùng người bệnh

Không tự hài lòng về những bước đột phá về mặt y học táo bạo mà Viện đã làm được, bác sĩ Bình cho biết, tới đây, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển hơn trong lĩnh vực ghép tế bào gốc. Từ kết quả đạt được từ người hiến cùng huyết thống, Việt Nam sẽ tích cực triển khai ghép MDR, nửa hoà hợp hay phối hợp cả hai nguồn tế bào gốc. Bên cạnh đó, Viện sẽ tiến hành ghép đồng loài giảm cường độ liều cho bệnh nhân trên 55 tuổi. Cố gắng hoàn thiện quy trình để ghép cho nhớm bệnh đang là nỗi trăn trở của xã hội – bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.

Với nhóm bệnh lành tính như suy tuỷ xương, đái huyết sắc tố, Viện đã ghép khá thành công với tỷ lệ trên 80% từ người hiến cùng huyết thống. Vì thế, tới đây, Viện sẽ có kế hoạch ghép từ những nguồn tế bào gốc khác.

“Nhìn những bệnh nhân đang hồi phục từng ngày và họ không cần phải dùng thuốc hỗ trợ sau ghép, chúng tôi mới thấy phép màu của việc ghép tế bào gốc. Sẽ còn nhiều lắm những việc cần phải làm, nhưng nụ cười và những cái nắm tay của họ sau những ca ghép, chính là nguồn động lực rất lớn, khích lệ chúng tôi bước tiếp trên hành trình còn nhiều gian nan này” – bác sĩ Bình xúc động chia sẻ.

Theo Báo Nhân dân

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan