Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người phụ nữ mắc tan máu bẩm sinh khởi nghiệp táo bạo để giúp người đồng cảnh

Chị Phạm Thị Thoan (34 tuổi, Nam Định) là một bệnh nhân tan máu bẩm sinh, từng trải qua vô số các công việc mưu sinh đầy vất vả. Ở tuổi 33, chị đã quyết định “khởi nghiệp” chỉ với 30 triệu đồng đi vay: Mở cửa hàng giặt là cho chính bệnh nhân, gia đình bệnh nhân ở Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Chị Phạm Thị Thoan (34 tuổi, ở Nam Định) phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ năm lên 11 tuổi và đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. 

Mang “gương mặt điển hình” của người mắc bệnh tan máu bẩm sinh: Luôn xanh xao, vàng vọt do thiếu máu, thừa sắt, chị Thoan cũng như những người đồng cảnh ngộ khác không chỉ lớn lên trong ánh mắt kỳ thị, những lời nói gây tổn thương của người đời mà cơ hội để có việc làm ổn định, hạnh phúc riêng còn khó khăn hơn.

Mỗi tháng, chị Thoan đều đặn 2 lần đi viện. Để thuận tiện cho việc điều trị, chị Phạm Thị Thoan đành xa quê. Chị bắt đầu cuộc sống ở nhà trọ và làm đủ công việc, từ đi rửa bát thuê, dọn vệ sinh, bán bánh khoai, bánh chuối, đến đi bán bảo hiểm…

Chật vật mưu sinh giữa Thủ đô đắt đỏ, chị Thoan vẫn không ngừng cố gắng bởi chị chỉ muốn không trở thành gánh nặng cho gia đình.

 Chị Thoan đã cho thấy, người mắc bệnh tan máu bẩm sinh hoàn toàn có thể sống và làm việc như người bình thường

Chị Thoan giặt là phục vụ người bệnh ở Viện Huyết học – Truyền máu TW

Năm 2017, chị đã có một quyết định liều lĩnh: Mở một cửa hàng giặt là để phục vụ chính những người bệnh ở Viện Huyết học – Truyền máu TW. Nhớ lại những ngày “manh nha” khởi nghiệp trong sự phản đối của gia đình, chị Thoan kể:

Từ năm 13 tuổi, tôi đã đi viện một mình. Khi nằm viện mệt lắm, đau lắm, những việc chăm sóc bản thân có thể cố làm nhưng rất mong có ai đó giặt quần áo cho mình”.

Nghĩ vậy, chị đã “khởi nghiệp” chỉ với 30 triệu đồng đi vay mượn. Những ngày đầu thật gian nan, chị nhận được rất ít quần áo. Có lúc cũng muốn dừng, muốn đóng cửa hàng. Áp lực, vất vả… khiến chị sút một lúc 5 cân! Nhưng vốn kiên cường, tự lập, chị cắn răng không chia sẻ với ai, càng không dám về quê vì sợ cha mẹ thêm lo phiền.

 Chỉ nặng vẻn vẹn 38kg, hàng ngày, chị Thoan phải chở tới hơn 50kg quần áo đi giặt là.

Chỉ nặng vẻn vẹn 38kg, hàng ngày, chị Thoan phải chở tới hơn 50kg quần áo đi giặt là

Rồi dần dần cửa hàng của chị cũng đông khách hơn. Khách hàng của chị chủ yếu là gia đình các bệnh nhi vì bố mẹ các cháu phải chăm con nhỏ không thể giặt quần áo được và những người bệnh ở viện một mình không có người thân chăm sóc như chị trước đây.

Một ngày, “bà chủ nhỏ” nặng vẻn vẹn 38kg này phải chở tới hơn 50kg quần áo đi giặt. Mỗi buổi tối, sau khi người bệnh và người nhà người bệnh tắm gội xong, chị mới đến từng phòng nhận hàng về và đính tên, giặt sấy, gấp đến tận 2 giờ đêm mới kịp ngày mai trả đồ.

Thể trạng yếu, thiếu máu, nhẹ cân, lại thức khuya liên tục, người phụ nữ ấy đã có khi kiệt sức, ngã xe vì chở khối đồ nặng gấp rưỡi cân nặng của mình.

Nhưng chỉ cần có thể tự trang trải cuộc sống và chi phí đi viện cho mình, chỉ cần bố mẹ bớt phải lo nghĩ cho con gái, chị lại thêm động lực lao động.

Không chỉ tự “khởi nghiệp”, chị Thoan còn kêu gọi ủng hộ một số người bệnh gặp khó khăn khác tại Viện, hay giúp một vài bệnh nhân khác có việc làm. Đơn cử như anh Trần Thái Dương, người nhà một nữ bệnh nhân ung thư máu trong Viện. Vừa chăm sóc người nhà, anh Dương vừa tranh thủ chở quần áo, giặt là phụ giúp chị Thoan để có thêm thu nhập.

Dù còn bao khó khăn, trở ngại, nhưng chị Thoan vẫn luôn có niềm tin rằng, người bệnh tan máu bẩm sinh hoàn toàn có thể sống như người bình thường.

“Nếu mình cứ nghĩ mình là một người bệnh, là một người phụ thuộc vào gia đình và xã hội thì mình không bao giờ có thể thoát ra khỏi ý nghĩ mình là một người bệnh”, chị Thoan chia sẻ.

Ngày 8/5 hàng năm được Liên đoàn Thalassemia thế giới chọn làm Ngày Thalassemia thế giới. Từ ngày 6 – 8/5/2018, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới như: Hội thảo dành cho bệnh nhân, người mang gen bệnh và từ thiện, biểu diễn nghệ thuật phục vụ người bệnh; Hội nghị chuyên đề và mít tinh nhân ngày Thalassemia thế giới; Hội thảo “Thalassemia – Nguy cơ của chất lượng dân số Việt Nam”.

Đây là cơ hội nhằm kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng tới căn bệnh Thalassemia (hay gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh), góp phần nâng cao nhận thức, phòng tránh bệnh. Trong dịp này, nhiều hoạt động thiết thực hướng đến người bệnh tan máu bẩm sinh cũng sẽ được tổ chức tại các địa phương trên cả nước với sự phối hợp của các đơn vị, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm.

 Trương Hằng

Theo Gia đình & Xã hội

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan