Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người phụ nữ gần 20 năm hiến máu cứu người

Trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp những việc làm thiện nguyện cho xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Với chị Lưu Bạch Yến, có lẽ việc tình nguyện sẻ chia những “giọt máu hồng” là cách làm thiết thực nhất.

  

Chị Yến với những hoạt động chuyên môn thường nhật.

Là điều dưỡng trưởng của khoa khám bệnh, Viện Huyết học – Truyền máu TW, có gần 20 năm hiến máu tình nguyện, chị Yến tâm niệm, mỗi lần được hiến máu là một lần thấy mình thêm ý nghĩa với cuộc sống, nhất là những lần hiến máu đột xuất cứu người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch.

Chị Yến trong một lần tham gia hiến máu cứu người.

Đặc biệt, chị Yến còn là một trong những người có máu phenotype – nhóm máu khó. Đây cũng là nhóm máu mà những người bệnh phải truyền máu nhiều lần như người mắc bệnh thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) cần đến.

Chị Yến tâm sự: “Khi vào Viện, phong trào hiến máu cũng đã nổi rồi, ít nhất 1 năm thì bọn mình cũng có thể được tham gia 1-2 lần. Nhưng vì mình trong nhóm máu phenotype, thế nên có những năm, mình đủ điều kiện 3 tháng là đã đi hiến rồi. Khi bệnh nhân đến, cần đến mình thì có thể đang trong đêm hoặc ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật thì mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian đến hiến cho các bạn”.

Cũng theo chị Yến, mỗi lần hiến máu là một lần thấy bản thân khỏe hơn, bởi chị cảm nhận được niềm vui, một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Hơn nữa, sau mỗi lần hiến máu chị thấy mình như được hồi sinh, cơ thể được thanh lọc, giúp cho tinh thần phấn chấn, tránh nhiều bệnh tật. Chính vì vậy, nhìn chị lúc nào cũng nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, chị lại càng chú trọng đến việc gìn giữ “nguồn máu sống” dành cho người mắc bệnh.

“Ngoài việc mình đi hiến máu đủ 3 tháng, 6 tháng nhưng mình cũng có một trọng trách là giữ cho máu của mình đủ để khi bệnh nhân cần là mình có. Mình cũng sẽ có ý thức hơn về nhóm máu của mình, để lúc nào mình cũng như là một lượng máu dự trữ cho bệnh nhân”.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện Trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhận định, hiến máu không chỉ là hành động nhân văn, đó còn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân thương ái của dân tộc ta. Đặc biệt, đối với những người phụ nữ chân yếu tay mềm, việc hiến máu lại càng thêm phần ý nghĩa:

“Chúng tôi thấy họ cũng không có một chút do dự nào khi đến tham gia hiến máu tình nguyện. Thực ra họ chỉ hơi yếu một chút ở lúc đưa kim lấy máu vào ven, chuyện đấy là bình thường thôi. Mặc dù là như vậy nhưng họ vẫn quay trở lại hiến máu và gần như đã trở thành những người hiến máu thường xuyên”.

Đối với những người nhận máu hiến, đặc biệt là người bệnh thalassemia, mỗi lần được nhận những giọt máu hiến chính là một lần họ được cứu sống. Chính vì vậy, họ luôn đem lòng biết ơn những người đã “tiếp sức nối dài sự sống”: “Những lúc vào đây, em cảm thấy tốt hơn một chút. Em cảm ơn những người đã truyền cho bọn em những giọt máu đào. Em cảm ơn rất nhiều”.

Hiến máu là mang niềm tin, niềm hy vọng về sự sống cho người bệnh và những người kém may mắn. Những giọt máu nghĩa tình của những người vốn chưa một lần gặp mặt không những kịp thời giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch mà còn truyền đi niềm cảm hứng, nhân lên những hạt giống của lòng nhân ái, của tình thương giữa người với người.

(Theo VOV Giao thông)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan