Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người nữ đảng viên trẻ hơn 60 lần hiến máu cứu người

Tôi ấn tượng khi tới Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, hỏi bác bảo vệ để gặp chị Nam làm công tác vận động hiến máu. Khá bất ngờ, khi bác nhoẻn cười và hỏi: “Gặp ‘Nam còi’ chuyên hiến máu đấy hử?” Do chưa gặp chị lần nào, tôi chỉ biết trả lời vâng. Bác tủm tỉm cười và bảo: “Lên tầng 6 nhé!”
Chị Lê Thanh Nam đã có 64 lần tham gia hiến máu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chị Lê Thanh Nam (36 tuổi) – một đảng viên trẻ hiện công tác tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương. Cho đến nay, người đảng viên trẻ ấy đã hiến máu đã được 64 lần, cả toàn phần (hiến máu) và từng phần (hiến tiểu cầu) khiến nhiều người khâm phục.
Mỗi năm 4 lần hiến máu
Chị đặt lịch hẹn với tôi vào một chiều thứ Bảy, tôi thắc mắc ngày nghỉ chị vẫn đi làm? Chị nói qua điện thoại với tôi rằng, với chị hầu như không có ngày nghỉ, nhất la vào Thứ Bảy và Chủ Nhật thì chị và nhóm vận động hiến máu càng phải đi làm để tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến máu nhân đạo.
Gặp chị, tôi cứ ngờ ngợ, hỏi có đúng chị là chị Nam không? Bởi, như bác bảo vệ giới thiệu thì chị với biệt danh “còi” mà, còn người đứng trước mặt tôi lại khá đầy đặn với phong thái trẻ trung trong màu áo đỏ đậm đặc trưng của Hội thanh niên vận động hiến máu.
Giải đáp thắc mắc cho tôi, chị bảo: “Bác bảo vệ vui tính, toàn trêu chị đấy. Chị và phòng chị làm vận động hiến máu nên có rất nhiều bạn trẻ đến liên hệ nên bác hay trêu khách của chị như vậy.”
Người nữ Đảng viên 36 tuổi này không chỉ có một thành tích “khủng” về số lần hiến máu mà hàng ngày, hàng tháng, hàng năm chị đang làm công việc vận động để có nguồn máu cứu sống cho nhiều bệnh nhân nguy cấp.
Chị Nam kể, lần đầu tiên chị tham gia hiến máu là vào năm 1999, khi chị 19 tuổi và khi đó chị cảm thấy khá hồi hộp.
“Hai ngày đầu hiến máu xong mình cứ ngẩn ngơ, lắng nghe cơ thể mình xem có gì thay đổi không. Nhưng mình vẫn thấy bình thường không sao cả và sau đó mình cứ khỏe là đi hiến máu, hiến tiểu cầu,” chị Nam hồi tưởng lại những cảm xúc đầu tiên mình đến với công tác hiến máu.
Cho đến nay, chị duy trì đều đặn mỗi năm hiến máu 4 lần, trong đó có ba lần hiến máu và một lần hiến tiểu cầu.
Chị Nam kể, trước kia, cứ gần đủ ngày hiến máu là sẽ có người của Viện nhắc chị đi hiến máu. Còn giờ không cần ai phải nhắc nữa vì mình đã nhớ trong đầu như lịch đi làm.
Đặc biệt, với chị, hiến máu như là một thói quen đầu năm cần phải làm. Năm nào cũng thế, mùng 3 Tết thắp hương ở nhà xong chạy vào viện hiến tiểu cầu.
Mối duyên hiến máu
Chia sẻ về công việc của mình, chị Nam tâm sự, khi về Viện huyết học truyền máu Trung ương làm việc, gặp cảnh nhiều người mắc các bệnh về máu luôn cần máu, điều này càng thôi thúc, khiến chị có thêm động lực để giúp đỡ mọi người hơn.
Chị Nam kể, lần đầu tiên chị tham gia hiến máu là vào năm 1999. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
“Tôi nhớ vào năm 2010, có một đợt dịch sốt xuất huyết kéo dài. Sau sốt xuất huyết, bệnh nhân cần truyền tiểu cầu rất nhiều. Thời điểm đó, cán bộ công nhân viên của viện được vận động để hiến máu hỗ trợ cho bệnh nhân. Hai tháng liên tiếp trong dịch sốt xuất huyết đó, tôi đều tham gia hiến tiểu cầu cho bệnh nhân,” chị Nam trầm ngâm kể lại.
Đặc biệt, khi về viện công tác chị có một may mắn hơn nhiều người khác đó là được làm xét nghiệm thêm nhiều hệ nhóm máu khác và kết quả cho thấy chị thuộc nhóm máu hiếm. Nhóm máu này rất cần thiết cho các bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Viện.
Trước đây nhóm máu của chị chỉ trùng với một bệnh nhân nhưng càng về sau này bệnh nhân ngày càng đông và nhóm máu của chị trùng nhóm máu với ba bệnh nhân khác. Sau đó, cứ định kỳ ba tháng, chị lại tham gia hiến máu cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh.
“Có người hỏi tôi rằng bệnh nhân nhận máu của mình là ai không? Hay bệnh nhân đó già hay trẻ? Với tôi, việc hiến máu là để giúp cho người bệnh có cơ hội được duy trì sự sống, được khoẻ mạnh, còn người đó là ai thì tôi nghĩ tôi không cần phải biết, vì nếu mà mình biết tự dưng mình lại có một chút lăn tăn. Rồi lại tự hỏi nếu người ấy khỏe thì như thế nào? rồi người ấy ốm thì có ảnh hưởng tới mình hay không?,” chị Nam bộc bạch.
Khi về viện công tác, công việc chính của chị là công tác vận động hiến máu. Ý thức được vai trò cử mình một đảng viên, trong công việc chị làm chị chỉ mong sao có những đóng góp nhiều hơn nữa, từ việc hỗ trợ chia sẻ nguồn máu đào của mình cho những người bệnh mắc bệnh máu hiểm nghèo đang cần máu.
Đề cập đến công việc, chị cười bảo: “Nhiều người chúng tôi vẫn nói đùa nhau rằng, mình làm công tác vận động hiến máu như làm kinh doanh bảo hiểm. Đó là vận động trên sự từ chối. Mặc dù mọi người có thể nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều rằng hiến máu không có hại, đôi khi việc làm này còn tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên để vận động được một người tham gia vận động hiến máu khá khó khăn.”
Chị Nam nhớ lại, có gia đình khi chị đến vận động, họ từ chối luôn rằng nếu ủng tiền thì họ sẵn sàng còn việc hiến máu thì họ xin thôi.
“Chúng tôi xác định vận động trên sự từ chối, cứ đến là họ nói không, từ chối với mình. Sau đó chúng tôi mới cố gắng thuyết phục, đưa ra những lý do, phân tích lợi ích của việc tham gia hiến máu đối với chính bản thân những người hiến máu, dần dẫn mới thuyết phục được lãnh đạo các đơn vị và chính những người tham gia hiến máu,” chị Nam cho hay.
Trong gia đình chị Nam, mẹ chị cũng tham gia hiến máu được 12 lần, chị gái hiến máu được 12 lần còn em trai của chị đã hiến máu được 38 lần.
Chia tay người nữ đảng viên trẻ ấy, câu nói chân tình của chị cứ bám riết lấy tâm trí tôi. Một phần là sự ngưỡng mộ, một phần là sự cảm phục ở tấm lòng của chị.
“Tôi không tìm hiểu và cũng không bao giờ hỏi bệnh nhân nhận máu của mình là ai, họ già hay trẻ, họ khỏe hay yếu. Chỉ cần biết ở thời điểm tôi hiến máu thì có một bệnh nhân được chuẩn bị về với gia đình,” chị Nam cởi mở.
Đó là niềm tự hào khi hàng tháng, hàng năm nhờ nguồn máu chị hiến, đã có biết bao con người được hồi phục sức khỏe, về vui vẻ quây quần bên gia đình.
Theo vietnamplus.vn
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan