Người nhóm máu hiếm và những cuộc chạy đua thần tốc hiến máu cứu người
Chỉ cần một cuộc điện thoại kêu gọi, các thành viên của Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm sẵn sàng gạt hết mọi công việc, lên đường hiến máu cứu người. Hơn ai hết, họ là người hiểu nhất giá trị của những đơn vị máu quý giá ấy.
Điểm chung giữa các thành viên là cùng mang nhóm máu hiếm.
Hồi hộp với từng phút giây sinh tử của người bệnh
Tại buổi gặp mặt Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc tổ chức tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương ngày 27/12, anh Nguyễn Thanh Tuấn ((38 tuổi, ở thành phố Yên Bái) dẫn theo hai con gái nhỏ. Ở buổi gặp mặt này, rất nhiều thành viên của Câu lạc bộ cũng đưa người thân, vợ chồng, con cái đến; có lẽ bởi lâu nay họ đã thân thiết như người trong cùng gia đình. Với những người có nhóm máu hiếm, tình cảm với Câu lạc bộ gắn bó một cách đặc biệt, bởi họ cùng mang sứ mệnh cho tặng những đơn vị máu hiếm quý giá.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn kể: “Tôi biết mình mang nhóm máu nhóm máu O, Rh(D) âm là nhóm máu hiếm từ năm 2006 khi đang là sinh viên học tập tại Hà Nội, trong lần tham gia hiến máu nhân đạo và được phát hiện ra qua xét nghiệm. Biết mình thuộc nhóm máu đặc biệt và có khả năng giúp được những người cùng nhóm máu, tôi tham gia Câu lạc bộ người nhóm máu hiếm ngay từ những ngày đầu tiên thành lập (tháng 1/2007). Thời điểm đó câu lạc bộ mới có 19 thành viên, trong đó có tôi. Từ đó đến nay, tôi đã hiến máu hơn 10 lần, đều là những lần rất cần kíp để cấp cứu cho bệnh nhân cùng nhóm máu đang nguy kịch”.
Nhớ lại những lần gạt hết công việc để chạy đi hiến máu cứu người, anh Tuấn vẫn còn hồi hộp như vừa cùng trải qua những giờ phút sinh tử của người bệnh.
“Có lần, trời đang mưa, tôi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ Câu lạc bộ người nhóm máu hiếm báo có một sản phụ người Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng là một người nhóm máu O, RH(D) âm giống tôi, đang cấp cứu ở bệnh viện huyện Ba Khe (Yên Bái) trong tình trạng băng huyết, thiếu máu trầm trọng và không có máu truyền, rất nguy kịch. Nghe xong, tôi lập tức lấy xe máy phóng từ thành phố Yên Bái về bệnh viện Ba Khe cách đó gần 40 km để truyền máu trực tiếp cho người bệnh. Lúc ấy tôi chỉ liên lạc với người nhà sản phụ qua điện thoại mà chưa biết họ là ai. Khi đến nơi người nhà sản phụ cứ bấu víu lấy tôi, ánh mắt như cầu cứu vì lúc đó sản phụ đang gặp nguy hiểm, trường hợp này hiếm nên gia đình rất lo sợ. Tôi nhanh chóng theo sự sắp xếp của nhân viên y tế vào luôn để hiến và truyền máu trực tiếp cho sản phụ. Tôi đã hiến hơn 300 ml máu. Nhờ có nguồn máu thích hợp, kịp thời, cả sản phụ và con đều được an toàn. Xong việc tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, cảm giác mình giúp đỡ được chính người thân. Khi gặp những hoàn cảnh như vậy, tôi cũng như nhiều người có nhóm máu hiếm đều có động lực phải đến thật nhanh vì có người đang cần mình, đến càng sớm, cơ hội cứu sống người bệnh càng cao”, anh Tuấn nhớ lại.
Và từ chỗ là ân nhân cứu mạng người bệnh, sau đó, anh Tuấn đã trở nên thân thiết với sản phụ và gia đình họ. Sản phụ được cứu sống cũng đã tham gia ngay vào Câu lạc bộ với mong muốn cứu sống những người cùng nhóm máu với mình.
Còn với anh Trần Sách Minh (ở Hà Đông, Hà Nội), là nhóm trưởng nhóm của những người nhóm máu B, RH(D) âm của Câu lạc bộ người nhóm máu hiếm, mỗi lần tham gia hiến máu cứu người là như trải qua một cuộc chạy đua.
Trần Sách Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm.
Từ năm 2013, khi đang là sinh viện năm thứ 2 đại học, anh Minh đã tham gia hiến máu tình nguyện ở trường và được phát hiện thuộc nhóm máu B, RH(D) âm. Vượt qua chút lo ngại ban đầu khi biết mình thuộc nhóm máu hiếm, anh lên mạng tìm hiểu về nhóm máu của mình, và quyết định tham gia Câu lạc bộ từ lúc đó. Đến nay đã 13 lần anh tham gia hiến đều là những lần rất khẩn cấp.
Anh kể: “Một lần, khi tôi đang đi công tác tại Bắc Ninh thì nhận được cuộc gọi có một bệnh nhân cùng nhóm máu hiếm với tôi, đang rất cần máu cấp cứu tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Ngay lập tức tôi xin phép và được tạo điều kiện nghỉ làm để khẩn trương lên đường đi cứu bệnh nhân. Đến nơi, chưa kịp biết bệnh nhân là ai, tôi vào hiến 350 ml máu. Sau chặng đường dài chạy đến kịp thời, hiến máu xong tôi mới có thời gian để “thở”. Rồi khi biết bệnh nhân đã ổn vì có máu, tôi lại lập tức lấy xe máy chạy về Bắc Ninh để tiếp tục công việc của mình”.
Với anh Minh và các thành viên Câu lạc bộ, lúc hiến máu cứu người là lúc không có thời gian suy nghĩ, đắn đo. Chỉ biết nếu có người cần máu, những người cùng nhóm máu hiếm sẽ sẵn sàng lên đường, tạm gác công việc riêng sang một bên. Hơn ai hết, họ hiểu được nguồn máu phù hợp với người thuộc máu máu hiếm là cực kỳ quý giá, nếu không có, bệnh nhân dễ rơi vào tay tử thần. Vì vậy, thường sau khi hiến máu cứu người xong, người bệnh khỏi bệnh, họ lại cũng chính là những sứ giả mang tới thông điệp ý nghĩa, vận động người bệnh cùng tham gia Câu lạc bộ để trao đổi, chia sẻ, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.
Nhiều hoạt động tích cực, ý nghĩa
TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: “Máu là một loại thuốc đặc biệt mà chưa có phương thuốc nào có thể thay thế. Máu đã quan trọng, máu hiếm lại càng quan trọng hơn. Theo Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu được gọi là hiếm khi tần suất xuất hiện hoặc không xuất hiện kháng nguyên là dưới 0,1% và rất hiếm khi dưới 0,01%. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Bên cạnh đó cũng nhiều nhóm máu hiếm khác như Rh-null, Rh (C) âm, Rh (E) âm, … Đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế trong việc cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm”.
Hiện nay, trên cả nước, đã có nhiều câu lạc bộ nhóm máu hiếm đang hoạt động tích cực như các câu lạc bộ tại các khu vực: miền Bắc, TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, miền Trung… Riêng Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, trong thời gian qua, đã phát triển với hơn 500 thành viên có nhóm máu hiếm Rh âm. Câu lạc bộ đã trở thành cầu nối tổ chức nhiều hoạt động, rất nhiều lần hiến máu khẩn cấp cứu sống bệnh nhân. Thậm chí có nhiều trường hợp còn vượt đường xá xa xôi đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để hiến máu cứu người bệnh. Đây là nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng.
“Ngoài những khi được kêu gọi đột xuất khi có ca bệnh cần, chúng tôi thường tổ chức gặp gỡ, giao lưu để tăng cường kết nối, đẩy mạnh phong trào của Câu lạc bộ, động viên tinh thần mọi người sẵn sàng cứu người khi cần. Thường những người nhóm máu hiếm rất ít được đi hiến máu vì chỉ khi nào có người trùng khớp mới được kêu gọi. Vì vậy, nhiều khi có ca bệnh cần máu trùng khớp, anh em trong Câu lạc bộ còn “tranh nhau” đi hiến, chỉ mong cứu giúp được bệnh nhân. Những lúc này những người kết nối sẽ phải có trách nhiệm điều phối người đi hiến hợp lý, tránh tình trạng nhiều người đến cùng lúc nhưng bệnh nhân đã có đủ máu sẽ làm lãng phí thời gian của mọi người”.
Cũng theo TS. BS Trần Ngọc Quế, trong thời gian qua, việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm cũng gặp phải một số vấn đề như: Ở nhiều nơi, khi có ca cấp cứu nhóm máu hiếm thì người nhà chủ động đăng tải kêu gọi lên mạng xã hội hoặc gọi điện trực tiếp cho người có nhóm máu hiếm mà không thông qua Câu lạc bộ hoặc Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Khi gặp các trường hợp đó, nhiều cá nhân đã chủ động chia sẻ khi chưa có sự kiểm chứng, xác thực thông tin. Điều đó dẫn đến tình trạng bị nhiễu thông tin chính thống và thậm chí để một số cá nhân xấu lợi dụng để trục lợi. Vì vậy người dân khi thấy các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội nên thông tin trực tiếp cho Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ hoặc Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương để kiểm chứng thông tin trước khi huy động.
Với tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng, hoạt động của Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm thời gian qua đã làm nên nhiều kỳ tích, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh cần máu. Chính nghĩa cử cao đẹp này đã tiếp thêm niềm tin, hy vọng sống cho người bệnh, và nhân lên những hành động cao đẹp trong cộng đồng.
Theo báo Tin tức
Bài viết liên quan
Hai đại úy công an nhóm máu hiếm, hễ được gọi là thần tốc đến… bệnh viện
30 Tháng Một, 2020Từ khi biết mình thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), Đại úy Lê Hoàng Phong và Đại úy Nguyễn Việt Khởi (công tác tại Công an TP Cần Thơ) luôn sẵn…
Chàng trai trở thành ngân hàng máu sống vì mang nhóm máu hiếm
08 Tháng Sáu, 2018“Bác sĩ nói tiểu cầu của tôi rất tốt. Nên trung bình mỗi năm, tôi đi hiến máu 7 lần”, anh Long chia sẻ. Tại Viện Huyết học – Truyền…