Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người bệnh máu khó đông bị cưa chân được hồi sinh nhờ truyền 7 đơn vị máu

Sau ca phẫu thuật bỏ chân, anh Bùi Văn Thuận, một người bệnh máu khó đông và bị kháng thuốc đã mất rất nhiều máu. Khi sự sống còn rất mong manh, anh chỉ có thể vượt qua được thời khắc sinh tử nhờ truyền máu.

Người bệnh được cứu sống nhờ truyền máu

Gần 20 năm qua, anh Bùi Văn Thuận (sinh năm 1995, quê ở Hà Nam) đều đặn đi viện, truyền chế phẩm máu và tiêm yếu tố đông máu để vượt qua những cơn đau do bị chảy máu khó cầm.

Vài tháng trước, anh không may bị gãy xương đùi. Tại vị trí xương gãy bị tụ máu, hình thành khối u giả làm tiêu xương không thể nối liền được. Anh Thuận phải chấp nhận vĩnh viễn mất đi một bên chân của mình.

Anh còn bị kháng thuốc nên sau ca phẫu thuật bỏ chân, máu từ vết thương chảy không ngừng. Mất máu quá nhiều, các chỉ số sinh tồn ở mức báo động, anh Thuận thực sự đã ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết.

Anh được truyền liên tục 7 đơn vị máu 350 ml (tương đương 2,25 lít)

Các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Hemophilia đã chạy đua với thời gian, tìm mọi phương án để cầm máu cho anh. Anh được truyền liên tục 7 đơn vị máu 350 ml (tương đương 2,25 lít) và trong thời điểm nguy cấp nhất, các bác sĩ phải truyền cùng một lúc 2 đơn vị máu cho anh.

Nhờ nỗ lực của các cán bộ y tế và những đơn vị máu hiến tình nguyện, anh đã vượt qua được thời khắc sinh tử ấy.

Túc trực bên con suốt quá trình cấp cứu, từ lúc con không biết gì hết, khuôn mặt tái nhợt đến lúc hồi tỉnh, môi hồng trở lại, ông Bùi Văn Thi (bố anh Thuận) cảm động bày tỏ: “Cháu nhờ có máu của người hiến máu mới sống được đến giờ, gia đình không biết gặp ai để nói lời cảm ơn nhưng trong lòng chúng tôi luôn thầm biết ơn người hiến máu”.

Đến nay, sức khỏe anh Thuận đã hồi phục, anh được hỗ trợ một phần kinh phí lắp chân giả và đang tập đi những bước đầu tiên

Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu máu điều trị

TS. Nguyễn Thị Mai, giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW, người trực tiếp cấp cứu cho anh Thuận sau ca phẫu thuật cho biết: “Đối với những người bệnh mất nhiều máu, dù thuốc có tốt đến đâu, dù có những kỹ thuật tiên tiến nhất, nhưng nếu không có máu để truyền thì rất khó có thể cứu sống được người bệnh”.

Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu. Tuy vậy, lượng máu tiếp nhận được vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu máu phục vụ hoạt động điều trị.

Vào những thời điểm khan hiếm máu, máu điều trị buộc phải ưu tiên cho những ca cấp cứu, những người thiếu máu mãn tính (như bệnh nhân tan máu bẩm sinh) phải chờ đợi nhiều ngày mới được truyền máu trong khi sức khỏe ngày một yếu dần, nhiều ca phẫu thuật phải lùi lịch hẹn vì chưa đảm bảo đủ máu.

Trương Hằng
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan