Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người bệnh chờ từng đơn vị tiểu cầu trong dịp Tết

Khối tiểu cầu là một chế phẩm máu có hạn sử dụng rất ngắn (chỉ từ 3 – 5 ngày). Trong những đợt nghỉ Lễ, Tết kéo dài, làm sao có đủ tiểu cầu điều trị cho người bệnh luôn là một nỗi lo thường trực của các y bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Hiến tiểu cầu và những điều có thể bạn chưa biết?

Viện Huyết học – Truyền máu TW kêu gọi hiến tiểu cầu cứu người bệnh

Điều chế thành công khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu

Hai anh em phải sống nhờ nguồn máu hiến vì căn bệnh rối loạn chảy máu hiếm gặp

 

Ngày 26 Tết, khi người người, nhà nhà đang tất bật đi sắm Tết thì anh Nguyễn Văn Quê (quê ở Bắc Ninh) lại hối hả đưa con đang bị chảy máu mũi vào Viện. Trong lòng anh lại cánh cánh nỗi lo: “Tết nhất rồi mà con lại đi viện. Liệu con có được truyền tiểu cầu để Tết này cả nhà được sum vầy bên mâm cơm không?”

 

Do bị suy nhược chức năng tiểu cầu nên cháu Nguyễn Gia Bảo hầu như tuần nào cũng phải đi viện vì chảy máu khó cầm

Cả hai con trai anh là cháu Nguyễn Gia Bảo (5 tuổi) và Nguyễn Phúc Lâm (2 tuổi) đều bị bệnh suy nhược chức năng tiểu cầu. Những lần chảy máu cam, xuất huyết thường xuyên như cơm bữa. Có nhiều đêm, anh Nguyễn Văn Quê bất chợt tỉnh giấc, nhìn sang thì hoảng hốt thấy máu mũi con chảy đầm đìa, ướt đẫm cả chăn gối.

 

Chuyện nửa đêm ôm con đi viện với anh đã thành quen. Chỉ khi được truyền tiểu cầu con anh mới có thể cầm máu và các cháu rất cần truyền máu những khi mất máu quá nhiều.

 

Mới Tết năm ngoái thôi, hai bố con anh phải ăn Tết ở Viện suốt từ ngày 28 Tết đến ngày mùng 10 Tết. Khi máu con chảy mãi chưa cầm cũng là từng giờ, từng phút anh mong con sớm được truyền tiểu cầu.

 

Những đơn vị khối tiểu cầu, hồng cầu là nguồn sống của rất nhiều người bệnh

Đây là thời điểm thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu khối tiểu cầu vì chế phẩm máu này chỉ có hạn sử dụng từ 3 – 5 ngày trong khi kỳ nghỉ Tết lại kéo dài từ 7 – 9 ngày. Càng đến những ngày sau Tết, việc đáp ứng đủ nhu cầu tiểu cầu phục vụ điều trị sẽ càng khó khăn hơn.

 

Trong khi đó, người bệnh giảm tiểu cầu không chỉ đối mặt với nguy cơ xuất huyết dưới da, chảy máu mũi mà còn tiềm ẩn những nguy cơ chảy máu nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… (Do chức năng cơ bản của tiểu cầu là tham gia quá trình cầm máu, đông máu nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự mất máu).

 

Chỉ cần được truyền tiểu cầu là cậu bé đã có thể vui cười trở lại

Để có được từng đơn vị khối tiểu cầu gạn tách trong những dịp Lễ, Tết và kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu, các y bác sĩ của Viện phải gọi điện trực tiếp kêu gọi người hiến tiểu cầu. Đồng thời, chính các cán bộ, nhân viên của viện sẽ là những người sẵn sàng hiến tiểu cầu trong những thời điểm chế phẩm này khan hiếm nhất.

 

Nhiều cán bộ, nhân viên của Viện đã trở thành “Ngân hàng tiểu cầu sống” với số lần hiến tiểu cầu lên đến gần 100 lần như BS. Hoàng Chí Cương (Phó trưởng Khoa Miễn dịch), CN. Lê Thanh Nam (Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu)… Đặc biệt, trong nhiều năm liền, BS. Hoàng Chí Cương, CN. Lê Thanh Nam đều hiến tiểu cầu ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới.

 

Trong khi chúng ta đang quây quần bên gia đình, rất nhiều người bệnh đang mong chờ từng đơn vị tiểu cầu để vượt qua nguy cơ xuất huyết luôn rình rập, để được về quê đón Tết. Chúng tôi rất mong các anh chị và các bạn đến viện hiến tiểu cầu để mang hy vọng đến với những người bệnh.

Trương Hằng, ảnh: Công Thắng

 

Điều kiện hiến tiểu cầu:

– Người có cân nặng từ 50 kg trở lên;

– Đã từng hiến máu tại các địa điểm do Viện tiếp nhận;

– Đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe: huyết áp, lượng huyết sắc tố, số lượng tiểu cầu… (được khám, xét nghiệm trước khi tham gia hiến tiểu cầu);

– Ven (tĩnh mạch) để lấy máu đủ to;

– Đã hiến máu trước đó 12 tuần hoặc đã hiến tiểu cầu trước đó 3 tuần;

– Có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác hợp lệ.

Người dân đủ điều kiện có thể đến hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu) từ 7h30 đến 17h vào tất cả các ngày trong kỳ nghỉ Tết.

 

Hiến tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ hoàn toàn không có hại, lượng tiểu cầu lấy ra khỏi cơ thể sẽ được tái tạo lại đầy đủ trong vòng 5 – 7 ngày. Mỗi người hiến tiểu cầu sẽ sử dụng một bộ gạn tách riêng và toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng nên rất an toàn.

Trước ngày hiến tiểu cầu, người hiến nên ngủ đủ giấc, không thức khuya; nên ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ). Chuẩn bị tâm lý ổn định, thoải mái. Sau khi hiến tiểu cầu, nên duy trì ăn uống, sinh hoạt bình thường. Hạn chế những hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực như bóng đá, tập thể hình, leo trèo… Hạn chế sử dụng rượu, bia trước và trong ngày đầu sau khi hiến.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan