Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người bệnh 10 năm làm từ thiện và “Trái tim hồng”

Có nhiều người hỏi chị Nguyễn Thị Thắm rằng bị bệnh sao không nghỉ ngơi mà vẫn đi làm từ thiện. Chị Thắm ngậm ngùi chia sẻ, chị chứng kiến quá nhiều hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh nên chị muốn dành tất cả sức lực vốn của mình để giúp người nghèo mang trọng bệnh.

Chị Thắm (phường Nam Cường, TP. Lào Cai) năm nay bước sang tuổi 48, 11 năm trước chị bị phát hiện mắc bệnh suy tủy xương. Choáng váng, thất vọng và hoảng sợ, chị đã từng nghĩ đến việc buông xuôi, bỏ cuộc. Thế nhưng, bản năng sống vẫn thôi thúc chị phải chiến đấu với căn bệnh quái ác này và cần phải tiếp tục hy vọng.

Chị Nguyễn Thị Thắm và những lần làm thiện nguyện tại bệnh viện

“Nhìn cuộc sống này, tôi thấy quá nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn mình, tôi cảm thấy bản thân hèn hạ biết bao khi có ý định buông xuôi. Rồi còn gia đình, những đứa con, người thân và cuộc sống vốn tươi đẹp vẫn ở ngoài kia. Thế là tôi quyết tâm để bắt đầu một cuộc chiến đấu kiên gan, bền bỉ trên mặt trận không tiếng súng mặc dù nó vô cùng khắc nghiệt. Trong quá trình điều trị, đã nhiều lần không còn hy vọng, bệnh viện đã trả về hai lần vào tháng 8/2011 và tháng 11/2012 nhưng rồi “vạn sự tùy duyên”, sinh mạng vốn mong manh của tôi lại chưa thể tắt lịm, để rồi lại hy vọng, lại tiếp tục cuộc chiến và cuối cùng… trời cũng cho tôi “sở cầu như ý””, chị Thắm chia sẻ.

Và rồi, chị tìm niềm vui trong sự chia sẻ với những người bạn cùng phòng bệnh, những số phận cũng mong manh như chị. Có lần vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cả phòng bệnh toàn nữ tự nhiên nhìn nhau khóc nức nở vì tủi phận. Không chỉ thế, cả phòng đều là những người có hoàn cảnh lại mắc bệnh hiểm nghèo, lúc ấy chẳng ai có nổi một trăm ngàn đồng. Gom góp những đồng bạc lẻ, các chị cũng mua được 10 bắp ngô, 1 cân khoai luộc và 5 lạng bỏng ngmang về rồi tự “chúc mừng” nhau trong niềm hạnh phúc khiến ai nhìn vào cũng không khỏi bật khóc.

11 năm chiến đấu với căn bệnh suy tủy xương nhưng chị vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan

Chị cảm nhận được trái tim ấm nóng từ những cơ thể kiệt quệ của những con người đang cùng chị đi trên một con thuyền lênh đênh nhưng đầy sự đùm bọc. Cứ thế, mỗi ngày chị em cùng phòng lại góp tiền mua mỗi người một gói xôi, chiếc bánh mỳ, rồi lại chia cho cả phòng bên cạnh vì những bệnh nhân “hàng xóm” cũng nhiều người hoàn cảnh. Tuy món quà nhỏ nhoi chỉ là những bữa sáng nhưng điều mà các chị vui nhất chính là sáng nào mọi người cũng ngóng quà. Từ đó, các chị bỗng nảy sinh suy nghĩ sẽ cố gắng quyên góp để mua quà sáng cho những người đồng bệnh cho đến khi nào còn có thể.

Tháng 10/2011, chị bắt đầu từ thiện từ những gói xôi nhỏ và cứ thế đến năm 2012, chị gặp nhóm hảo tâm tại chùa Quán Sứ và các chị đã lập thành nhóm từ thiện, cho đến năm 2014, các nhà hảo tâm đã biết đến nhóm và đồng hành thường xuyên hơn. Cũng từ đây, nhóm hoạt động từ thiện đều đặn theo hàng tuần và cái tên “Trái tim hồng” ra đời.

Ngay cái tên “Trái tim hồng” mà các chị đặt cũng chất chứa mong muốn: Những trái tim yêu thương từ muôn nơi cùng hội tụ để sưởi ấm và hoà nhịp cho người nghèo bệnh trọng hoặc bà con nghèo nơi vùng núi khi mùa đông giá rét, để tất cả đều có màu hồng và sẽ không bị mất nhịp. Và để Trái tim hồng tồn tại được đến ngày hôm nay thì chị Thắm thật sự nghĩ nó cứ như một phép màu vi diệu.

Chị là một trong những phụ nữ có trái tim ấm nóng và mong muốn truyền lại cho những người bệnh khác

“Một trái tim, hai trái tim, ba trái tim… đồng hành và rồi lại cứ thế cùng nhau lan toả để cùng nhau gom nhặt những yêu thương từ muôn phương, cùng đồng hành với bệnh nhân tại Viện Huyết học và đồng hành cùng một số bệnh nhân mồ côi. Chúng tôi sắp lịch hàng tháng để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tiền viện phí, còn khi đông đến thì lại làm thiện nguyện ở vùng cao, mang hơi ấm yêu thương đến với bà con nghèo vùng núi. Hàng năm, nhóm tổ chức hội chợ 0 đồng ở Bệnh viện nhi Trung ương có từ 15 đến 20 gian hàng. Cũng 5 năm nay, nhóm đã nuôi 5 bệnh nhân mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Viện Huyết học. Giờ chỉ mong nếu một ngày tôi không thể hoạt động thì nhóm vẫn tiếp tục mang những trái tim hồng đến cho người đồng bệnh và người nghèo”, chị Thắm tự hào cho biết.

Đến nay, nhóm của chị đã đi qua chặng đường 9 năm, cũng gần bằng năm tháng người “nữ chiến binh” chiến đấu vượt qua bệnh máu hiểm nghèo. Để thực hiện được những điều này, không thể không nhắc tới những người thân yêu của chị đó là chồng, con chị. Họ không chỉ là chỗ dựa vững chắc mà còn là động lực để chị chiến đấu với bệnh tật.

Sau khi ghép tế bào gốc, chị Diệu Thơm được tiếp tục làm những điều có ý nghĩa, sẻ chia giúp đỡ người mắc bệnh về máu

Rơm rớm nước mắt, chị kể, hiện tại ngoài những ngày đi viện thì chị bán quần áo để kiếm tiền chữa bệnh. Vì căn bệnh của chị mà chồng chị quyết định bán căn nhà đề thực hiện ghép tủy (ghép tế bào gốc) cho vợ, hai vợ chồng đang ở nhờ nhà người em chồng. Cũng may, các con chị đã lớn, người thì xây dựng gia đình, người thì đã tốt nghiệp đại học và tự lập. Các con luôn yêu thương và động viên mẹ tiếp tục sống. Trải qua những khó khăn đến vậy, chị vẫn tin rằng, còn sống là còn hạnh phúc.

Và chị luôn cho rằng, cái nhân duyên mà chị có được chính là gặp được những vị “Bồ tát” trong nhóm Trái tim hồng bây giờ, để rồi các chị cùng hòa nhịp, tiếp tục cuộc hành trình trên con đường thiện nguyên cho đến ngày hôm nay, sau 11 năm chị từng mất hy vọng sống. Và thực sự trong quá trình chữa bệnh chị gặp vô vàn khó khăn nhưng chị không thể bỏ cuộc vì còn những đồng bệnh của chị đang cần chị. Nhiều người thân thiết đã ra đi nhưng càng ngày càng có quá nhiều hoàn cảnh bất hạnh đến, vì thế mà chị phải cố gắng sống. Sống để còn đi quyên góp và đồng hành cùng với những người bệnh nghèo.

“Tất cả mọi người đều hoan hỷ tự nguyện gom nhặt yêu thương bằng tất cả tấm lòng của người con Phật. Xã hội này dù có phồn vinh đến bao nhiêu, nhưng xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh. Họ vẫn phải cố gắng chống chọi từng ngày từng giờ để sống cho hết một kiếp người. Với tấm từ bi bao la của Đạo Phật, Trái tim hồng luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu và luôn chấp nhận sự mong muốn giúp đỡ của những hoàn cảnh khó khăn để làm dịu nỗi đau, tăng thêm hạnh phúc”, đó là điều mà mỗi ngày, mỗi giờ khi còn tồn tại trên đời, chị Thắm mãi mãi không ngừng đấu tranh, không ngừng đi tới.

Năm 2007, chị Nguyễn Thị Thắm bị chẩn đoán mắc bệnh suy tủy xương, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt. Có thời điểm, chị chỉ muốn nằm viện một mình vì không muốn người thân phải chứng kiến nỗi đau bệnh tật của mình. 5 năm sau, tại Viện Huyết học – Truyền học TW, chị đã được ghép tế bào gốc thành công và được hồi sinh. Hiện giờ chị đã có sức khỏe ổn định và coi Viện như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Theo https://phunuvietnam.vn/

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan