Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người bác sĩ 50 lần hạnh phúc vì được hiến máu cứu bệnh nhân

Với những nỗ lực không mệt mỏi, từ lúc còn là chàng sinh viên trường Đại học Y Hà Nội cho đến khi có những thành công nhất định trong nghề, TS.BS. Trần Ngọc Quế – một trong 13 tình nguyện viên đầu tiên đại diện cho thế hệ trẻ tiên phong trong phong trào hiến máu nhân đạo, đã góp công sức không nhỏ để mang lại “trái ngọt” ngày hôm nay cho hoạt động hiến máu tình nguyện.

Đạp xe đi vận động hiến máu

Gặp TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đúng dịp anh hiến máu tròn 50 lần, đấy là chưa kể anh thuộc nhóm máu hiếm chỉ “để dành” hiến vào những lúc bệnh nhân cần. Sự hóm hỉnh, sôi nổi, tính cách vui vẻ của TS.BS Trần Ngọc Quế khiến chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện về những tháng ngày đầy khó khăn nhưng cũng rất thú vị của anh khi tham gia đi “mở đường” cho phong trào hiến máu tình nguyện. Thế mới biết, để có được phong trào hiến máu mạnh mẽ như ngày hôm nay, là cả một hành trình dài đầy khó khăn.

Từ cuối năm 1993, khi đang học năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội, dù là một sinh viên nghèo, phải lăn lộn kiếm tiền học tập; nhưng chàng sinh viên Trần Ngọc Quế đã có những hoạt động đầy ý nghĩa. Anh là một trong 13 sinh viên đầu tiên tập hợp thành nhóm chuyên đi vận động thanh niên tham gia hiến máu cứu bệnh nhân. Từ chỗ tự mình hiến máu, chàng sinh viên đã hiểu được giá trị của những giọt máu, cho đi là cứu mạng sống của người khác. Từ suy nghĩ ấy, anh không quản ngại dành hết thời gian ngoài giờ học để đạp xe đến khắp mọi nơi tuyên truyền cho bạn bè, người dân tham gia hiến máu cứu người.

Năm 1994, Trần Ngọc Quế đã cùng với bạn bè thành lập Câu lạc bộ Sinh viên hoạt động nhân đạo, tập hợp sinh viên của các trường đại học tham gia sinh hoạt, qua đó vận động hiến máu tình nguyện.

TS. BS Trần Ngọc Quế nhớ lại: “Thời kỳ đó, việc vận động người dân tham gia hiến máu vô cùng khó khăn, nhiều người cho rằng hiến máu gây hại cho sức khỏe với quan niệm “một giọt máu sáu bát cơm”, thậm chí còn đánh đồng với việc bán máu là xấu. Vì thế, để thu hút các bạn sinh viên, thanh niên tham gia vào phong trào, câu lạc bộ phải tranh thủ mọi cơ hội để tiếp cận và tuyên truyền. Từ các buổi nói chuyện với sinh viên về HIV/AIDS, các buổi sinh hoạt tập thể của sinh viên các trường đến các ngày lễ 8/3, sinh nhật bạn bè… chúng tôi đều “lân la” giới thiệu cho mọi người biết về hoạt động của Câu lạc bộ Sinh viên hoạt động nhân đạo và rủ nhau tham gia; sau đó mới “dám” vận động hiến máu. Thậm chí phải thực hiện hiến máu trước mặt các bạn để được họ tin tưởng sau đó mới làm theo”.

Với TS. BS Quế, thời gian đầu đi vận động hiến máu, không ít những gian nan, thậm chí nguy hiểm nhưng cũng đầy kỷ niệm vui. Anh vẫn còn nhớ mãi một lần đến vận động hiến máu tại trường cơ khí Việt Xô, sau khi thực hiện hoạt động hiến máu xong cả nhóm đã bị phụ huynh của một bạn sinh viên mắng mỏ và cầm que đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu. Hay những lần đi sinh hoạt câu lạc bộ, không có tiền ăn nên ai có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu để mua chung bánh mì rồi bẻ ra mỗi người một miếng, đói nhưng mà vẫn thấy vui. Rồi những khi vận động được ai đồng ý hiến máu là mừng rỡ vô cùng và không quản ngại công sức tự mình đạp xe chở họ đến thẳng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để hiến máu ngay.

Những năm tháng sinh viên lăn lóc, xả thân để tham xây dựng phong trào hiến máu nhân đạo không những đã khiến chàng sinh viên trường y Trần Ngọc Quế ngày càng trưởng thành hơn, mà còn mở ra cơ hội để anh được nhận ngay vào Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương làm việc sau khi ra trường.

“Không chỉ tôi trưởng thành, mà các bạn sinh viên và phong trào hiến máu theo thời gian cũng ngày càng vững vàng hơn. Sự lăn xả của tuổi trẻ đã mang lại những điều thật sự giá trị đối với cuộc đời tôi”, anh chia sẻ.

Trăn trở với nhóm máu hiếm

Những ngày làm việc tại Khoa Thu gom máu, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, BS. Quế đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân cần máu nhưng lại thuộc nhóm máu hiếm, phải vô cùng vất vả mới có được máu để truyền hoặc đôi khi bác sĩ đành phải bó tay vì không thể tìm được nguồn máu cho bệnh nhân. Những lần như vậy đã khiến anh rất trăn trở tìm cách để có nguồn máu hiếm.

“Năm 2006, tôi gặp ca bệnh đặc biệt, đó là một sản phụ thuộc nhóm máu hiếm tại Việt Nam, không tìm được nguồn hiến. Tuy nhiên, đây lại là nhóm máu có tỷ lệ cao tại nhiều nước. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã gửi công văn đi tất cả các đại sứ quán để tìm được người hiến phù hợp. Nhận được công văn, đại sứ quán Australia đã cử người sang Viện để xác minh thông tin, sau đó mới thực hiện lấy máu từ người hiến để kịp thời cứu bệnh nhân. Từ những khó khăn đó, tôi liền nảy ra ý tưởng tập hợp danh sách những người có nhóm máu hiếm từ thông tin những người đã hiến máu tại Viện để có thể kêu gọi họ nhanh chóng hỗ trợ khi có bệnh nhân cần”, BS. Quế chia sẻ.

Cũng xuất phát từ ý tưởng đó, tháng 1/2007, BS. Quế đã xin lãnh đạo Viện Huyết học – Truyền máu tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên của những người có nhóm máu hiếm. Tự tay anh đã gửi thư mời tới từng người và ngay buổi đầu tiên đã có 23/40 người tới dự.

“Bước thành công đầu tiên đó khiến tôi vô cùng sung sướng, càng mừng hơn khi được GS. Nguyễn Anh Trí (lúc đó là Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đồng ý cho thành lập Câu lạc bộ máu hiếm. Sau đó số lượng thành viên ngày càng tăng nhờ mở rộng ra cả người nhà của họ và số lượng người đăng ký hiến máu ngày càng cao”, BS. Quế cho biết

Với những trải nghiệm từ xây dựng câu lạc bộ máu hiếm, sau này BS Trần Ngọc Quế đã chọn luôn đề tài luận án tiến sĩ là “Xây dựng ngân hàng máu hiếm” do GS. Nguyễn Anh Trí trực tiếp hướng dẫn. Cứ thế tiếp nối những thành công, sau 11 năm hoạt động, Câu lạc bộ máu hiếm đã có tới khoảng 3.000 người, sẵn sàng cho máu bệnh nhân khi được kêu gọi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, từ lúc còn là chàng sinh viên trường Đại học Y Hà Nội cho đến khi có những thành công nhất định trong nghề, TS.BS. Trần Ngọc Quế đã góp công sức không nhỏ để mang lại “trái ngọt” ngày hôm nay cho hoạt động hiến máu tình nguyện.

“Sau 25 năm gầy dựng, phong trào hiến máu có được như ngày hôm nay là một sự tiến triển rất nhanh. Từ chỗ người dân không có kiến thức về hiến máu đã hoàn toàn thay đổi nhận thức; từ một nhóm nhỏ tham gia phong trào đến nay không chỉ học sinh, sinh viên mà đủ mọi tầng lớp nhân dân đã tham gia hiến máu; từ chỗ chỉ hiến theo kỳ cuộc, nay hoạt động hiến máu đã diễn ra quanh năm, không có ngày nghỉ; từ 95% số máu bệnh nhân được tiếp nhận là do người nhà cho nhau thì đến nay trên 98% là từ nguồn hiến máu tình nguyện… Những con số đó khiến chúng tôi, những người tham gia từ những ngày đầu cảm thấy vô cùng tự hào và đáng trân trọng”, TS. BS. Trần Ngọc Quế chia sẻ.

TS.BS. Trần Ngọc Quế cho rằng, y đức của người thầy thuốc là xuất phát từ những tình cảm chân thành, sự nhiệt huyết, yêu nghề và từ những trăn trở với mỗi ca bệnh. Có lẽ bởi thế mà anh đã dành trọn cả tuổi trẻ của mình với phong trào hiến máu cứu người và nỗ lực đóng góp để phong trào có được thành công như ngày hôm nay.

Theo Báo Tin tức

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan