Nghĩa tình từ trái tim: Tết làm điều phúc – Sung túc cả năm
“Thường thì vào những ngày lễ, Tết, mọi người sẽ mong được an nhàn, thảnh thơi. Riêng y bác sĩ khoa Tiếp nhận máu hay khoa Điều chế các thành phần máu (viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) lúc nào cũng muốn được vất vả, bận rộn. Bởi chúng tôi bận nghĩa là người bệnh trên khắp mọi miền Tổ quốc không phải đối diện nỗi lo thiếu máu điều trị, và những hy vọng, nụ cười hạnh phúc cũng sẽ được nhân lên” – Chị Võ Thị Diễm Hà, Trưởng khoa Điều chế các thành phần máu chia sẻ.
Giãn cách nhưng không “giãn lòng”
Những tháng cuối năm 2021, không khí tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn rất nhộn nhịp, hối hả. Vào đợt cao điểm kêu gọi hiến máu, trung bình mỗi ngày có gần 2.000 người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận trao tặng những đơn vị máu quý giá tới người bệnh. Nhiều tình nguyện viên không ít lần thốt lên rằng “làn sóng kêu gọi nhau đi hiến máu đã lớn hơn sự lây lan của dịch bệnh rồi”. Và ngay cả khi phải giãn cách xã hội, làn sóng ấy vẫn rất mạnh mẽ, bởi với họ giãn cách nhưng không “giãn lòng”, việc không có máu cho bệnh nhân còn nguy cấp hơn cả thiếu lương thực, thực phẩm.
Tại Hà Nội và các tỉnh thành, người dân đều phấn khởi đi hiến máu để cứu giúp người bệnh đang rất cần. Ảnh: Công Thắng
Đặc biệt vào dịp giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu về lượng máu dự trữ trong điều trị và khám chữa bệnh tăng cao ở các cơ sở y tế, không ít gia đình, bạn trẻ rủ nhau cùng đi hiến máu và xem đây như một việc làm ý nghĩa đem lại may mắn trong năm mới.
Vì dịch bệnh, năm nay Nguyễn Thu Trang (32 tuổi, trú tại Quảng Bình) ở lại Hà Nội thay vì về quê đón Tết. Cầm trên tay tờ đăng ký hiến máu, Trang cùng những người bạn của mình vui vẻ nhắc nhau điền đầy đủ thông tin và khai báo y tế. “Đây không phải lần đầu tiên mình tham gia hiến máu, nhưng là lần hiến máu ý nghĩa nhất đối với mình và các bạn. Mong rằng những giọt máu tuy ít ỏi của chúng mình có thể giúp người bệnh có đủ máu điều trị”.
Trong khi đó, BS Nguyễn Thành Luân – khoa Hiến máu hồ hởi: Không riêng tôi mà tất cả y bác sĩ, nhân viện bệnh viện đều luôn mang trong mình tâm thế sẵn sàng trở thành “ngân hàng” máu sống, bất kể ngày, đêm, ngày thường hay ngày Tết. “Chỉ cần 1 tuần liên tiếp lượng máu của bệnh viện sụt giảm, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần chỉ cần được thông báo là sẽ đăng ký tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Cá nhân tôi chỉ tiếc mình chưa thuộc diện nhóm máu hiếm để mọi người cần là đi mà thôi”.
Có lẽ chính sự nhiệt huyết của hàng trăm ngàn tình nguyện viên đã truyền lửa và là lý do nhiều năm nay, “Viện Máu” hân hoan chọn khai xuân bằng một màu đỏ đầy nhiệt huyết để mang đến món quà lì xì sức khỏe ý nghĩa tới người bệnh. Với họ “Tết làm điều phúc – Sung túc cả năm” và đơn giản là “khi ta cho đi yêu thương thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến”.
Đáp lại sự nhiệt tình của các tình nguyện viên, vào những dịp cao điểm, nhân viên y tế từ khoa Tiếp nhận máu, khoa Điều chế các thành phần máu cũng cũng luôn âm thầm bắt đầu ca làm việc sớm hơn (từ 6h30 sáng) và kết thúc muộn hơn (có hôm tới 21h30). Thậm chí tăng ca buổi đêm bất kể ngày thường hay dịp nghỉ lễ, để kịp thời sản xuất các chế phẩm máu an toàn, đảm bảo điều chế hết tất cả máu nhận được trong ngày đó. Có thời điểm riêng bên trong khu vực điều chế máu phải huy động khoảng 120 nhân viên và tình nguyện viên làm việc cùng lúc, bữa trưa, bữa tối chỉ tranh thủ chớp nhoáng trong vỏn vẹn 30 phút.
Không khí làm việc tấp nập, khẩn trương tại Khoa Điều chế các thành phần máu để điều chế 2.000 đơn vị máu mỗi ngày. Ảnh: Gia Thắng.
“Bình thường phải tăng ca hẳn mọi người không mấy vui vẻ. Nhưng ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại hơi ngược một chút, nếu rảnh rỗi mọi người còn lo hơn. Ai cũng thấy được bận rộn, vất vả là một điều hạnh phúc. Bởi chúng tôi bận nghĩa là người bệnh trên khắp mọi miền Tổ quốc không phải đối diện nỗi lo thiếu máu điều trị” – chị Võ Thị Diễm Hà, Trưởng khoa Điều chế các thành phần máu chia sẻ.
Cho đi yêu thương, hạnh phúc sẽ tự tìm đến
Một trong những thời kỳ cao điểm của vận động hiến máu phải kể tới khoảng thời gian từ tháng 7 tới cuối tháng 9/2021, khi số ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam trở nặng, tăng cao, hệ thống y tế quá tải. Cùng với thiếu thốn về nhân lực, hàng loạt bệnh viện gặp phải khủng hoảng trầm trọng về máu. Có thời điểm, kho lưu trữ máu của một số đơn vị gần như trống rỗng. Nhưng chính trong lúc khó khăn ấy, người dân cả nước cảm nhận rõ hơn hết tình đồng bào, sự sẻ chia về sức người, sức của và những giọt máu nghĩa tình từ khắp mọi miền đất nước.
Đến giờ, CNCKI. Trần Thiện Nhân, Trưởng khoa Huyết học- Truyền máu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang vẫn nhớ như in ngày 23/9, bệnh viện chỉ còn 100 đơn vị máu dự trữ. Do hầu hết lịch hiến máu bị hủy, từ đầu tháng 9 bệnh viện mới chỉ tiếp nhận được hơn 300 đơn vị máu, nhiều người bệnh tại đây mòn mỏi chờ máu. Trong khi trước đó, trung bình mỗi tháng, bệnh viện thường tiếp nhận và sử dụng khoảng 2.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu điều trị tại 15 bệnh viện trong tỉnh. Và khi ấy, bệnh viện đã kịp thời nhận được chi viện 1.000 đơn vị máu từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Ngày 23/9 cũng ghi nhận con số kỷ lục về số lượng máu cung cấp trong một ngày của Viện với 4.343 đơn vị tới Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước đó, đêm 29, rạng sáng ngày 30/7, 1.000 đơn vị khối hồng cầu lần đầu tiên được chuyển kịp thời qua đường hàng không từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, chi viện cho kho máu bệnh viện Chợ Rẫy để truyền cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch. Đến 12/2021, đã có 646.668 đơn vị chế phẩm máu được chuyển đi khắp cả nước, trong đó riêng khu vực miền Nam là 20.864 đơn vị.
Để có được khối lượng lớn đơn vị máu cấp đi như vậy đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn tình nguyện viên đã tham gia hiến máu. “Khoa Điều chế các thành phần máu vốn chỉ 76 người, thời điểm đó 18 người lại tham gia chi viện cho niềm Nam nên nhân lực thiếu hụt trầm trọng, anh em phải làm việc gấp 2, gấp 3 bình thường để hoàn thành nhiệm vụ, góp sức cùng đồng đội chống dịch. Đến khi thấy những đơn vị máu được chuyển vào Kiên Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh hay lên các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, ai cũng phấn khởi vì thành quả của mình, tình cảm của các tình nguyện viên hiến máu được đến với người cần và cứu sống, chữa trị cho nhiều bệnh nhân” – chị Võ Thị Diễm Hà bày tỏ.
TS. BS. Trần Ngọc Quế – Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng cho biết: “Việc cung cấp máu giữa các khu vực, giữa các Trung tâm, điều phối máu trên phạm vi toàn quốc đã được thực hiện rất hiệu quả nhiều năm nay. Nhưng trước đây, chủ yếu là các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, miền Trung hỗ trợ cung cấp cho phía Bắc. Đây là lần đầu tiên Viện cung cấp lượng máu rất lớn cho các tỉnh phía Nam. Hình ảnh đàn chim bay về phương Nam hay những túi máu biết bay đã tạo ra sợi dây tình cảm kết nối hai miền Nam – Bắc, gieo hy vọng về những nụ cười hạnh phúc của người bệnh, về ngày chiến thắng đại dịch sẽ không còn xa”.
Cảm kích trước tấm lòng của hàng ngàn người hiến máu khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc và sự nỗ lực của Viện Huyết học – Truyền máu TW, TS. BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã bày tỏ: “Sự hỗ trợ quý báu của Viện đã giúp chúng tôi cung cấp đủ máu cho các bệnh viện, giúp các y bác sĩ thêm tự tin đưa ra quyết định điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự sát cánh của tất cả các cấp, các ngành trên cả nước và đặc biệt là ngành y tế đã chi viện nhân lực, vật lực cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Chúng tôi đồng thời tri ân những người dân đã tự nguyện hiến máu với nghĩa cử cao đẹp: “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại. Những nghĩa tình từ “trái tim” ấy luôn được mọi người dân thành phố khắc ghi”.
Lý Thanh
Bài viết liên quan
Lịch làm việc của Viện dịp Tết Nguyên đán 2022
26 Tháng Một, 2022Thực hiện quy định của Nhà nước về lịch nghỉ lễ, Tết đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính sự…
Tuổi trẻ Công an Thủ đô tổ chức Chủ nhật Đỏ, mang mùa xuân bình an đến người bệnh
24 Tháng Một, 2022Cùng với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô tham gia hiến máu tại chương trình Chủ nhật Đỏ diễn ra chiều nay 24/01, Trung úy Lại…
“Ở nhà hay ở viện, cứ 3 mẹ con bên nhau là tốt rồi!”
28 Tháng Một, 2022Đã 2 năm nay, chị Đào Thị Huế (42 tuổi) ở xóm Mã Lửa, thôn Đông Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đón Tết ở bệnh…
Sau 1 tuần kêu gọi, kho máu lớn nhất cả nước có thêm 14.000 đơn vị máu
04 Tháng Mười Hai, 2021Chính thức phát đi lời kêu gọi khẩn thiết vào tối 26/11, chỉ sau 1 tuần, kho máu lớn nhất cả nước tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung…