Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Một người – để nhớ

Tôi có hai lần được đến Nhà hát Chèo Việt Nam, cả hai lần đều là kỷ niệm khó quên, về một người bạn đặc biệt – Trần Đình Văn. Anh là Phó trưởng phòng Nghệ thuật – Nhà hát Chèo Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường trực Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, một trong 20 gương mặt trẻ tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện Thủ đô 20 năm (1994 – 2014). Năm 2010, tôi được anh mời đến Nhà hát xem công diễn tác phẩm đã đạt giải của anh – “Nghề nuôi vẹt” và hơn 5 năm sau, tôi được trở lại Nhà hát trong buổi giao lưu nghệ thuật để tưởng nhớ Anh – một tháng sau khi Anh rời xa chúng tôi.

Một thời để nhớ

Đó là thời tuổi trẻ, lứa U20 chúng tôi gặp và đến với nhau như một cái duyên với phong trào hiến máu tình nguyện. Còn nhớ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi hoạt động hiến máu tình nguyện đang tìm cách tiếp cận gần nhất và nhẹ nhàng nhất với thanh niên, sinh viên Thủ đô, chúng tôi – những thành viên hoạt động trong Chi hội thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo TP Hà Nội gặp được nhóm của Trần Đình Văn, Tuấn Anh, Quang Minh, Thái Tài, Trọng Thủy… trong một hoạt động giao lưu tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương. Nhóm của anh có khoảng gần chục sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với mong ước phổ biến những nét hay, đặc trưng và hấp dẫn của nghệ thuật dân gian tới giới trẻ Thủ đô. Các anh say sưa hát, nói chuyện và truyền cảm hứng về văn nghệ dân gian, xen kẽ những bài hát tiếng Việt, tiếng Anh để hấp dẫn sinh viên các trường đại học.

Nhóm của anh gia nhập Chi hội hiến máu và từ đó, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian nhanh chóng được thành lập và tạo sức hút kỳ lạ với sinh viên, tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Thời đó, lịch sinh hoạt của Chi hội là các buổi trưa thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần tại tầng 3, Viện Huyết học – Truyền máu trong Bệnh viện Bạch Mai. Không khí của các buổi sinh hoạt như rôm rả, hấp dẫn hẳn lên khi chủ đề học hát, tìm hiểu về văn nghệ dân gian được đưa chính thức vào lịch. Buổi nào cũng vậy, căn phòng gần 20m2 cũng cũng kín chỗ, hành lang cũng không còn chỗ trống. Từ căn phòng đó, không khí yên lặng buổi trưa trong bệnh viện đươc pha trộn thêm tiếng đàn ghi ta, tiếng hát, tiếng cười…; tất cả đã trở thành kỷ niệm khó quên với cán bộ, hội viên của Chi hội. Và một nhân vật đã “thổi hồn” vào các buổi sinh hoạt không ai khác – chính là Văn. Với tài nói chuyện rất dí dỏm, hài hước, đầy tri thức, với khả năng đàn, hát không mệt mỏi, những làn điệu dân ca, làn điệu chèo không chỉ còn là cảm hứng, nó đã được anh và nhóm của anh truyền tới hàng ngàn bạn trẻ và trở thành nét sinh hoạt đặc trưng của Chi hội thời kỳ đó.

Anh Trần Đình Văn (thứ 2 từ phải sang) được hiệp thương là Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo TP Hà Nội – 1997

 

Đó là tiền đề cơ bản để Chi hội tham mưu với Viện, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ tại một số trường đại học, cao đẳng và nhiều phường, xã điểm (trong phong trào HMTN) của Thủ đô. Chính chúng tôi cũng đã rất ngạc nhiên về sức hấp dẫn của văn nghệ dân gian đối với giới trẻ, nhất là khi các hoạt động tuyên truyền hiến máu được sân khấu hóa. Anh Nguyễn Đức Thuận – Nguyên Chủ tịch Hội nhớ lại: “Chính những sự tiếp cận đơn giản, bằng niềm say mê và tâm huyết của Văn và câu lạc bộ văn nghệ dân gian, không chỉ các tiểu phẩm mà những làn điệu, câu hát của chèo, tuồng, quan họ… đã đến với sinh viên rất nhẹ nhàng”. Hoạt động đó đã mang hình ảnh của Chi hội, của phong trào HMTN đến với thanh niên, sinh viên, với công chúng. Và đã để lại dấu ấn một thời của Trần Đình Văn với hoạt động hiến máu tình nguyện Thủ đô. Thời đó, không chỉ với chúng tôi, có lẽ với Văn, gần ¼ cuộc đời gắn bó với hiến máu – cũng là thời kỳ không thể nào quên. Văn đã khép lại một thời đầy ắp kỷ niệm với những đêm không ngủ, với những chuyến dã ngoại, những chuyến lưu diễn và giao lưu khắp Hà Nội, những giọt mồ hôi, những cái ôm của tình cảm anh em… với một tâm nguyện giản dị “Đến một ngày nào đó, việc hiến máu trở thành hành động tự giác của mỗi người và tình trạng khan hiếm máu sẽ không còn”.

Mãi nhớ một người

Văn để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng về một chàng trai đa tài. Trước khi được biết đến với vai trò là nhà biên kịch, nhà viết chèo nổi tiếng và đầy tiềm năng, rất nhiều người đã biết và nhớ đến anh với hình ảnh của một nghệ sĩ. Khi xuất hiện với cây đàn ghi ta, từ những bài hát tiếng Anh, tiếng Việt như: More than I can say, Yêu nhau ghét nhau, Kỷ niệm mối tình đầu, Nhớ đêm giã bạn…, người ta tưởng anh là ca sĩ. Khi xuất hiện và giao lưu với vai trò là người sáng tác ca khúc, người ta tưởng anh là nhạc sĩ trẻ, với các ca khúc quen thuộc như: Dưới ánh mai hồng, Khúc ca lên đường, Vọng lời mẹ ru, Đêm chia tay, Nhớ mãi một thời…. Khi xuất hiện với vai trò là người sáng tác kịch bản cho các tiểu phẩm của Chi hội, của nhiều đơn vị tổ chức hiến máu, người ta biết đến anh với vai trò của đạo diễn sân khấu. Và khi xuất hiện với vai trò là giảng viên ở các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện về hiến máu, nhiều người tưởng anh là cán bộ y tế đi tuyên truyền về hiến máu tình nguyện.

Anh Trần Đình Văn (thứ 3 từ trái sang) tham gia Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội

 

Văn có sức hấp dẫn đặc biệt với anh em cán bộ, hội viên và người hiến máu. Với cách chiêm nghiệm rất đa chiều và sâu sắc về cuộc sống, với những suy nghĩ giản dị mà luôn lạc quan, trong sáng, ngược với bề ngoài rất đạo mạo, câu chuyện với anh luôn hấp dẫn và gần gũi với các bạn trẻ. Anh có thể nói chuyện say sưa hàng giờ về hiến máu, về tổ chức Hội, về văn nghệ hay đơn giản là lắng nghe tâm sự của anh em tình nguyện viên. Đó là nét đặc biệt để dù ở cương vị Chi hội trưởng hay cán bộ chủ chốt của Hội, anh vẫn luôn gần gũi và được anh em quý mến, ngưỡng mộ. Những ý kiến của anh về mặt tổ chức luôn rất giản dị, thẳng thắn, sâu sát với thực tế và đầy tính nhân văn. Đó cũng là nét đặc trưng ở các đơn vị, các chi hội do anh phụ trách, mang đậm dấu ấn Trần Đình Văn.

Nay anh không còn nữa, 41 xuân xanh thì gần chục mùa Xuân tươi màu áo đỏ. Hàng ngàn hội viên, tình nguyện viên đã và đang say sưa hát các bài hát của anh đầy say mê, ngưỡng mộ. Quá nhiều người nghe đến Trần Đình Văn và mong được một lần gặp mặt Anh. Tất cả những dịp kỷ niệm của Chi hội 6.1, 15.10 hay của Hội đều muốn mời anh tham dự. Nhưng như là duyên phận, chúng tôi và các em không bao giờ còn có cơ hội đó. Cao xanh đã mang anh đi, một cách quá nhanh, quá vội vã và đầy bất ngờ. Ai đó – bạn chúng tôi thầm trách “sao Văn viết lên những lời ca, bài hát như vô tình tự… trói mình”. Đường trường duyên phận, Đêm chia tay, Nhớ mãi một thời… lời thơ, câu hát ấy, mỗi khi nghe lại tôi thấy gai lòng. Anh đã trở thành cố nhân, ở cái độ Xuân đang phơi phới. Thôi thì số phận, biết làm sao. Lứa chúng tôi và hàng nghìn tình nguyện viên khác, chắc không bao giờ quên ngọn lửa do anh nhóm lên và luôn thúc giục trong các ca khúc của anh: “Nào cùng thắp lên trong lòng mình ngọn lửa”, để rồi “tuổi hai mươi dâng đời nhựa sống”, để “ngày mai tươi sáng những nụ cười”, và “Đoàn ta đi âm vang tiếng ca” giữa “non sông lung linh gấm hoa”. Vâng, “còn mãi trong ta niềm tin trong sáng, dẫu dòng đời miệt mài trôi mau, ta vẫn nhớ về, những ngày bên nhau”. Những tâm nguyện đó còn mãi nơi đây bên chúng tôi dù không còn anh bên cạnh, nhưng đủ để chúng tôi nhớ mãi và không thể quên anh.

Ngô Mạnh Quân

Buổi giao lưu nghệ thuật tưởng nhớ Trần Đình Văn do Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Hội Cựu cán bộ hội viên Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo TP Hà Nội, Hội cựu học sinh nội trú trường năng khiếu Hải Dương, Hội Cựu học sinh trường THTP chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội. Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về buổi giao lưu đầy ý nghĩa này qua bộ ảnh của Đặng Thanh Hải.

Khán phòng chật kín người thân, bạn bè và những người đã gắn bó với anh Trần Đình Văn

GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, GS.TS Nguyễn Anh Trí và nhiều cán bộ, nhân viên của Viện cũng tới tham dự đêm giao lưu

Họ đến để tưởng nhớ anh, để được cảm nhận lần nữa những tâm nguyện của anh và thưởng thức những tác phẩm của anh. Như một người bạn của anh chia sẻ: “Được hát lại những bài hát do anh sáng tác là một cách để chúng em bày tỏ tình cảm với yêu mến, thương nhớ với anh…”

Bài hát “Cô giáo về bản”

Bài hát “Nhớ mãi một thời”

Bài hát “Vọng lời mẹ ru”

Tiểu phẩm “Chuyện tình người lính trẻ”

Tiểu phẩm “Giàu giả – Nghèo thật”

Tiểu phẩm “Hành là chính”

Liên khúc “Khúc ca lên đường – Dưới ánh mai hồng” 

(“Dưới ánh mai hồng” hiện là bài ca chính thức của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội)

Bài hát “Đêm chia tay” phải chăng là lời tạm biệt của anh với chúng ta

Nhớ về Trần Đình Văn – Giọt nước mắt của những người bạn, người đồng nghiệp đã rơi

 

Chị Nguyễn Thanh Huyền và gia đình đón nhận món quà của các tập thể, cá nhân cho hai cháu Trần Huyền Thanh, Trần Huyền Thư – con của anh Văn và chị Huyền

Gia đình của anh Văn chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!