Mẹ đơn thân hơn 10 năm “bám viện” mong sự sống cho đứa con hemophilia
Một mình đưa con đi bệnh viện để điều trị bệnh máu khó đông (hemophilia) suốt 10 năm, chị Nguyễn Thị Thoan (Hà Nam) gần như chai sạn với những khó khăn, vất vả pha lẫn đắng cay chồng chất. Trong những ngày này khi dịch bệnh phức tạp, công việc bị ngưng lại khiến cho khó khăn chồng chất. Chị chỉ mong sao có thể cùng con trụ vững để vượt qua thời điểm “trong bệnh, ngoài dịch” để trở lại với cuộc sống thường ngày, kiếm tiền trị bệnh cho con.
Mong có một phép màu
Chị Thoan cho biết, chị có hai con trai, con lớn sinh năm 2002 và con nhỏ sinh năm 2006. Nhưng từ khi cháu thứ 2 được 7 tháng tuổi thì phát hiện mắc bệnh máu khó đông và cũng bắt đầu chuỗi ngày mẹ con chị “bám” vào bệnh viện để cầu mong sự sống.
Khi con bị bệnh, hai vợ chồng chị bỏ ruộng ở quê lên Hà Nội kiếm sống, thuê nhà trọ để có thể đưa con đi điều trị. Nhưng trong lúc mẹ con chị đang cần người đồng cam cộng khổ thì chị lại phải chịu đựng thêm nỗi đau bị phụ tình, khi chồng chị bỏ đi theo người phụ nữ khác lúc đứa bé lên 2 tuổi.
Bao nhiêu khó khăn vất vả cùng nỗi đau của người vợ bị bỏ rơi khiến chị muốn gục ngã. Nhưng rồi vì con, chị kiên cường đứng dậy, dồn hết tình yêu thương cho hai con. Chị nhận làm đủ nghề từ bán hàng xén, làm tạp vụ, bán bóng bay, đi giao hàng… để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con.
“Tiền bán hàng chẳng được bao nhiêu, mỗi lần đi điều trị là lại vay mượn, rồi hết đợt điều trị lại làm lụng trả nợ, dành dụm cho lần điều trị sau. Cuộc sống vất vả bấp bênh cứ bám riết lấy tôi. Bên ngoại thì cũng không khá giả để có thể hỗ trợ, may mắn tôi được mẹ đẻ trông con, để bươn chải”, chị Thoan buồn lòng chia sẻ.
Chị Thoan và cậu con trai út trong thời gian ở Hà Nội chữa bệnh
Chị còn nhớ giai đoạn khủng hoảng nhất là từ năm 2009 đến năm 2013, ngoài việc con bệnh nặng, bố chị cũng bị ốm, chị cũng không trụ nổi nên ốm theo. Người gầy chỉ còn 35kg, đến nỗi bố chị không dám ngồi ăn cơm cùng vì cứ nhìn thấy con, thấy cháu yếu ớt như cái xác không hồn, ông lại ứa nước mắt.
Cũng như nhiều đứa trẻ khác, con chị cũng mong được đến trường. Để con đi học là sự cố gắng của cả hai mẹ con chị, nhưng việc học cũng liên tục bị ngắt quãng do cháu phải đi điều trị theo tháng. Nhiều lúc chị đi buôn bán ở xa, mẹ chị ở nhà không thể trông nom khi cháu trở bệnh, đau đớn. Chị không kịp về. Những lúc như thế, chị cảm thấy như mình mới là người bị bệnh, vì mưu sinh, mà lúc con cần mình nhất, đau đớn nhất thì chị lại không ở bên. Nhưng nếu không đi làm thì không có tiền cho con, chị chỉ hy vọng có phép màu để con chị được sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Không dám nghĩ tới hạnh phúc riêng
Dù mới hơn 40 tuổi, dáng dấp nhỏ nhắn, ưa nhìn, nhiều người đàn ông để mắt và cảm thông với hoàn cảnh của chị, nhưng chị Thoan vẫn quyết định ở vậy một mình làm lụng, tập trung vào chăm sóc, chữa bệnh cho con.
Trong những lúc bi quan, chị thường nghĩ “Chồng mình còn bỏ đi theo người khác nữa là những người không sinh ra con, làm sao họ yêu thương con mình được?”.
Nghĩ là thế, nhưng những lúc cô đơn cùng cực, chị cũng mong có người cùng chia sẻ, nhưng khoảnh khắc đó cũng chóng qua đi. Suốt 10 năm qua, các con đã trở thành động lực để chị vững vàng bước tiếp.
Trong những ngày này khi dịch bệnh phức tạp, công việc bị ngưng lại khiến cho khó khăn chồng chất. Chị chỉ mong sao có thể cùng con trụ vững để vượt qua thời điểm “trong bệnh, ngoài dịch” để trở lại với cuộc sống thường ngày, kiếm tiền trị bệnh cho con.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Bài viết liên quan
Chàng trai hemophilia mất một chân ước mơ có việc làm ở Hà Nội để giữ chiếc chân còn lại
15 Tháng Tư, 2020Dẫu rằng căn bệnh máu khó đông (hemophilia) đã cướp đi của Hồ Huy Bảo một chiếc chân cùng bao ước mơ, hy vọng, nhưng trên gương mặt, trong ánh…
"Cuộc sống của tôi khởi đầu từ Trung tâm Hemophilia"
19 Tháng Tám, 2019Đã từng hai lần được chuẩn bị áo quan, rồi hoàn toàn sụp đổ vì biết mình bị hemophilia, hiện nay anh Lại Huy Quốc là một chuyên gia Marketing,…
Ai có thể bị Hemophilia và bệnh biểu hiện như thế nào?
09 Tháng Hai, 2020Hemophilia là một bệnh di truyền và hầu hết bệnh nhân hemophilia là nam giới. Bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới với tỷ lệ khoảng 1: 5.000 trẻ…