Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? – Câu chuyện số 2

“Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?” Đó là câu hỏi, là nỗi hoài nghi mà bạn có thể bắt gặp ở đâu đó. Còn ở Viện Huyết học – Truyền máu TW, nơi phần lớn người bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí là suốt đời, bạn có thể dễ dàng chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện cảm động về những người bệnh ở trong hoàn cảnh rất khó khăn đang giành lại sự sống nhờ nguồn máu hiến của cộng đồng.

Mời các bạn theo dõi những câu chuyện ấy qua loạt bài “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?”

Bạn đừng băn khoăn “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo”, bởi mỗi đơn vị máu hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp sẽ thực hiện đúng sứ mệnh của mình là đem hy vọng đến cho người bệnh.

Câu chuyện số 2:

Cô bé mồ côi cha lớn lên nhờ nguồn máu hiến

Từ khi mới 8 tháng tuổi, cô bé Phạm Y Bình đã xanh xao, thiếu máu và thường xuyên sốt cao không biết vì lý do gì. Bố mẹ đưa Bình đi khám mới biết con mình bị tan máu bẩm sinh. Tại thời điểm đó, bốn chữ “tan máu bẩm sinh” dường như vẫn còn quá xa lạ với những người dân tộc Mường ở vùng quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nơi gia đình con sinh sống.

Bố mẹ Y Bình đau đớn, rụng rời khi biết tin cô con gái bé nhỏ sẽ phải truyền máu suốt đời. Nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai thì một tin dữ khác lại ập đến: bố con, người trụ cột của gia đình ra đi đột ngột sau một tai nạn giao thông. 2 tuổi rưỡi, Y Bình đã mồ côi cha, một năm sau, mẹ con cũng có gia đình riêng và không thể quan tâm, chăm sóc cho con nữa.

Hàng tháng, chỉ có bà nội đưa Bình đi viện. Mỗi lần nhìn Y Bình nằm mê man trong những cơn sốt tan máu, lòng bà lại đau như cắt. Bà còn xót xa hơn khi nghĩ đến những năm tháng sau này khi ông bà già yếu, cuộc sống của cô cháu gái bé nhỏ sẽ ra sao.

Hai ông bà đều đã gần 60 tuổi, quanh năm chỉ biết dựa vào 3 sào ruộng trồng lúa. Cuộc sống gia đình đến bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ nói gì đến tiền đưa cháu đi viện. Nếu không có sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội và các nhà hảo tâm, nếu không có người hiến máu thì bà cũng không dám nghĩ đến việc cho cháu đi điều trị mỗi tháng.

Bà nghẹn ngào kể lại: “Gia đình vất vả lắm, bố cháu mất đi, để lại cháu cho ông bà, chẳng biết ai nuôi bây giờ. Ông bà không làm ra tiền, nhà không có mà ở, có đồng nào là để dành cho cháu đi viện, không thì lại đi vay. Các cô Phòng Công tác xã hội và các nhà hảo tâm hỗ trợ khi thì 2 triệu, 1 triệu…, có suất ăn từ thiện thì cháu mới đi viện được. Khi ra viện, tôi chỉ dám mua một nửa đơn thuốc cho cháu”. Bà chỉ biết dặn cháu cố gắng học, biết chữ để sau này bà không đưa cháu đi viện được nữa thì cháu có thể tự đi một mình.

Tuy số phận chẳng mỉm cười, nhưng những năm qua, con vẫn lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, của cộng đồng và nguồn máu hiến tình nguyện. Nguồn máu ấy đã trở thành nguồn sống của con và bao người bệnh khác ở mọi hoàn cảnh, dù giàu sang hay nghèo khó.

Khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở rất nhiều địa phương trên cả nước cũng là lúc tình trạng thiếu máu ngày càng trầm trọng, cuộc sống của người bệnh vốn đã gặp nhiều khó khăn lại càng thêm lao đao. Hãy hiến máu để san sẻ nỗi khó khăn cho người bệnh!!! 

Xêm thêm: Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?

Câu chuyện số 1: Hành trình giành lại con của người mẹ đơn thân

Mời các bạn theo dõi câu chuyện tiếp theo vào ngày 23/7/2021.

Trương Hằng – Công Thắng – Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan