Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? – Câu chuyện số 1

 “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?” – Đó là câu hỏi, là nỗi hoài nghi mà bạn có thể bắt gặp ở đâu đó. Còn ở Viện Huyết học – Truyền máu TW, nơi phần lớn người bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí là suốt đời, bạn có thể dễ dàng chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện cảm động về những người bệnh ở trong hoàn cảnh rất khó khăn đang giành lại sự sống nhờ nguồn máu hiến của cộng đồng.

Mời các bạn theo dõi những câu chuyện ấy qua loạt bài “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?”. Bạn đừng băn khoăn “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo”, bởi mỗi đơn vị máu hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp sẽ thực hiện đúng sứ mệnh thiêng liêng của mình là đem hy vọng đến cho người bệnh.

Câu chuyện số 1:

Hành trình giành lại con của người mẹ đơn thân

Suốt 8 năm qua, chị Bùi Thị Khuyên một mình đằng đẵng đưa con đi viện. Lòng chị quặn đau mỗi khi nhìn cô con gái nhỏ chảy máu không ngừng, khuôn mặt tái nhợt đi vì mất máu. Chị chỉ yên lòng khi cô điều dưỡng mang những bịch chế phẩm máu vào buồng bệnh. Nhìn từng giọt, từng giọt tiểu cầu và máu nhỏ xuống, truyền vào cơ thể con, chị Khuyên cảm thấy như sức sống cũng dần trở lại với con.

Cháu Bùi Thúy Văn là lẽ sống, là niềm hy vọng duy nhất của chị Khuyên. Vợ chồng chị chia tay từ khi cô bé Thúy Văn mới được 2 tuổi. Đến nay đã bước sang tuổi 13, Thúy Văn vẫn chưa từng được gặp cha. Chị Khuyên đưa cô con gái nhỏ về nhà ngoại, nhưng bố mẹ chị cũng đã già yếu rồi lần lượt qua đời. Là người dân tộc Mường, sinh sống ở một xã miền núi (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình) hai mẹ con chị chỉ biết trông chờ vào mảnh ruộng trồng ngô, khoai, sắn.

Tuy thiếu vắng tình yêu thương, chăm sóc của cha nhưng cô bé Thúy Văn vẫn lớn lên với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, luôn đem đến niềm vui, nguồn động viên cho mẹ. Cuộc sống đơn sơ mà ấm áp của 2 mẹ con tưởng như cứ thế trôi đi. Nhưng đến một ngày, cô con gái nhỏ liên tục bị những vết thâm tím, chảy máu chân răng mãi không cầm. Chị lại tất tả ngược xuôi, hết lên nhà bác, lại xuống nhà cậu vay tiền đưa con đi khám.

Vào bệnh viện huyện, bác sĩ tiêm truyền cho con, nhưng được vài ngày, toàn thân con phù nề, nằm li bì, mê man suốt cả ngày. Chị Khuyên cảm thấy trời đất như sụp xuống, chị theo xe cấp cứu đưa con lên Hà Nội mới biết con bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Chị luôn hy vọng con nằm viện vài tuần rồi sẽ khỏi, nào ngờ từ đó cuộc sống của con gần như gắn liền với bệnh viện. Chị Khuyên đã từng suy sụp, đã từng nghĩ không còn hy vọng gì nữa vì hoàn cảnh nông thôn “một năm đi làm không bằng một tháng đi viện”, làm sao chị có đủ tiền chạy chữa cho con. Nhưng từ khi điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, với sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội và các nhà hảo tâm, con thường xuyên được nhận suất ăn từ thiện và kinh phí đi viện để được điều trị đều đặn.

Và đặc biệt là nhờ có các bác sĩ, nhờ tấm lòng của những người hiến máu mà con đã vượt qua những đợt nằm viện suốt 1 tháng trời, ngày nào cũng phải truyền tiểu cầu, khi mất máu quá nhiều lại phải truyền máu; Vượt qua cả những lần tiểu cầu chỉ còn có 4-5 g/l, mẹ chỉ biết ngồi bên con, nắm chặt tay con chờ đợi từng bịch tiểu cầu và cầu trời, khấn Phật để nỗi ám ảnh “xuất huyết não” đừng xảy ra với con của chị.

  • Mời các bạn theo dõi câu chuyện tiếp theo vào ngày 16/7/2021.

Trương Hằng, Công Thắng, Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan