Máu dây rốn và những ứng dụng trong điều trị
Máu dây rốn và những ứng dụng trong điều trị các bệnh lý
Tại Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ V đang diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 23 – 24/4/2019, TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị nhấn mạnh: “Nghiên cứu về tế bào gốc và các ứng dụng của tế bào gốc được đề cập, giới thiệu và chia sẻ tại hội nghị lần này không chỉ trong điều trị các bệnh máu lành tính và ác tính, mà ở cả các bệnh lý khác như bệnh lý về cột sống, bệnh lý về thần kinh, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…”
TS. Bạch Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị
Nhiều báo cáo đã cho thấy những ứng dụng của tế bào gốc từ máu dây rốn.
Hiệu quả của ngân hàng máu dây rốn cộng đồng tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Tại hội nghị, nhóm nghiên cứu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã trình bày báo cáo “Nghiên cứu khả năng tìm kiếm nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân lơ xê mi cấp có chỉ định ghép tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong các năm 2015 – 2018”.
Lơxêmi cấp là nhóm bệnh lý huyết học ác tính với nhiều biến chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao. Nguồn tế bào gốc từ người hiến cùng huyết thống hòa hợp hoàn toàn vẫn là nguồn tế bào gốc hiệu quả nhất, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 30% số trường hợp cần ghép. Trong số các nguồn tế bào gốc thay thế, nguồn tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn đã và đang được ứng dụng phổ biến trên thế giới với hiệu quả tương đương và thậm chí có nhiều ưu điểm hơn so với một số nguồn tế bào gốc khác.
Tại Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, các đơn vị máu dây rốn đã được thu thập, xử lý, lưu trữ và xét nghiệm để sẵn sàng ứng dụng khi cần. Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học nói chung và bệnh nhân lơxêmi cấp nói riêng có chỉ định ghép, không tìm được người hiến cùng huyết thống phù hợp, đã tìm kiếm nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng tại Ngân hàng Tế bào gốc.
Tế bào gốc máu dây rốn được lưu trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Với 3.844 mẫu máu dây rốn cộng đồng lưu trữ, Viện đã thực hiện tìm kiếm mẫu dây rốn phù hợp để ghép cho 45 bệnh nhân được chẩn đoán lơxêmi cấp. Kết quả cho thấy trong số 45 bệnh nhân đã tìm kiếm, 100% số ca đều tìm được ít nhất một đơn vị máu dây rốn cộng đồng đạt tiêu chuẩn tìm kiếm tối thiểu; trong đó 12 bệnh nhân đã lựa chọn được đơn vị tế bào gốc tốt nhất để ứng dụng ghép.
Những đơn vị tế bào gốc máu dây rốn sử dụng ghép cho 12 bệnh nhân đều là những mẫu tốt nhất về hòa hợp HLA, liều tế bào cao nhất, không bị ảnh hưởng bởi kháng thể kháng HLA.
Tiến hành ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân.
Như vậy, các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại Viện cho thấy khả năng tìm kiếm cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng làm nguồn thay thế cho những trường hợp không tìm được người hiến cùng huyết thống.
Ứng dụng của tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn
Tế bào gốc trung mô được coi là một trong những loại tế bào gốc hàng đầu trong y học tái tạo hiện nay nhờ đặc tính tự đổi mới và biệt hóa đa dòng.
Tế bào gốc trung mô có thể lấy từ nhiều nguồn như: tủy xương, mô mỡ… – là những nguồn chính trong ứng dụng lâm sàng nhưng cũng có nhiều hạn chế do quy trình thu thập xâm nhập, đòi hỏi tiêu chuẩn chặt chẽ về người hiến. Do đó, nguồn tế bào gốc trung mô thay thế khác đã và đang được tìm kiếm, phát triển như các mô/tổ chức của bánh rau, dây rốn,…
Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã bước đầu nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phân lập và nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn
Việc thu thập máu dây rốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức, không ảnh hưởng đến người cho. Máu dây rốn cũng có tỷ lệ khá cao tế bào gốc trung mô, có khả năng điều hòa miễn dịch nên chúng rất hữu ích trong việc ứng dụng cho người nhận đồng loài. Chính vì vậy, tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn là nguồn điều trị rất tiềm năng với nhiều ưu điểm so với các nguồn tế bào gốc trung mô phổ biến từ mô mỡ hoặc dịch tủy xương như khả năng tăng sinh nhiều và lâu dài hơn, tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm…; có thể áp dụng khá rộng rãi trong điều trị nhiều loại bệnh lý của nhiều cơ quan khác nhau như bệnh lý về miễn dịch (bệnh ghép chống chủ, bệnh tự miễn), đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch…
TS. Trần Ngọc Quế trình bày báo cáo về Ứng dụng của tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn
Bên cạnh những ứng dụng từ máu dây rốn, các báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy những kết quả bước đầu trong ghép tế bào gốc đồng loài điều trị bệnh suy tủy xương và đái huyết sắc tố niệu (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương), điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và từ tủy xương (Bệnh viện Bạch Mai), điều trị chấn thương sọ não cấp tính bằng ghép tế bào gốc tự thân (Bệnh viện Trung ương Huế), báo cáo trường hợp ghép tế bào gốc máu ngoại vi tự thân ở bệnh lý lymphoma nguyên phát hệ thần kinh trung ương (Bệnh viện Chợ Rẫy), báo cáo trường hợp ghép tế bào gốc đồng loài cho bệnh nhân Hội chứng thực bào máu nguyên phát (Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh), hiệu quả của ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân lên biến đổi siêu cấu trúc mô tại chỗ vết thương mạn tính (Viện Bỏng quốc gia)…
Tin: Thanh Hằng – Ảnh: Công Thắng
Bài viết liên quan
Cháu bé trong gia đình có 3 người bị ung thư máu bước đầu ghép tế bào gốc thành công
10 Tháng Ba, 2020Gia đình cậu bé Trường có 4 người thì 3 bố con bị ung thư máu, một bé đã qua đời. Trường là người duy nhất trong gia đình có…
Khoa Ghép tế bào gốc
10 Tháng Ba, 2020Giới thiệu chung Địa chỉ: Tầng 8 tòa nhà H, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Điện thoại: 024 3782 1895, số máy lẻ 645 Lãnh đạo: Trưởng…
Ghép tế bào gốc – “Cuộc cách mạng” trong điều trị bệnh
20 Tháng Năm, 2020Ghép tế bào gốc hiện nay thực sự trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh lý về máu cũng như chăm sóc sức khỏe con người.…
Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng: “Tài sản chung của toàn xã hội”
07 Tháng Một, 2020Từ tháng 5/2014, tại Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, “Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng” đồng đầu tiên ở Việt…