Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 với người bị bệnh máu

Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chương trình tiêm vắc xin đang được triển khai rộng rãi, người bệnh máu nói chung và ung thư máu nói riêng có rất nhiều băn khoăn, lo lắng như:

  • Người bệnh có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?
  • Vắc xin Covid-19 có hiệu quả, có an toàn với người bệnh không?
  • Nên tiêm vắc xin khi nào?…

Để giải đáp những câu hỏi trên, mời quý vị và các bạn theo dõi bài viết Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 với người bị bệnh máu với sự tư vấn chuyên môn của BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học- Truyền máu TW.

Người bị bệnh máu có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?

Câu trả lời chắc chắn là CÓ. Bởi vì người bị bệnh máu có nguy cơ gặp phải những diến biến nặng khi mắc Covid-19 do đặc điểm của bệnh là ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào sinh máu. Hơn nữa, trong quá trình điều trị ung thư máu phải sử dụng các loại thuốc, hóa chất và các phương pháp điều trị như ghép tế bào gốc có ảnh hưởng rất lớn, làm suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân.

Chính vì thế, người bị bệnh máu, đặc biệt bệnh nhân ung thư máu là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vắc xin, tuy nhiên sẽ phải có những lưu ý. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, vắc xin Covid-19 an toàn với người bệnh ung thư máu.

Vắc xin Covid-19 có hiệu quả với người bị bệnh máu không?

Việc tiêm vắc xin cho bệnh nhân đã ghép tế bào gốc hoặc điều trị thuốc gây giảm tế bào, giảm miễn dịch thông thường sẽ không đạt được hiệu quả như người bình thường.

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng so người bình thường, việc tiêm vắc xin ở người bệnh máu ác tính sẽ tạo ra lượng kháng thể thấp hơn.

Tại Mỹ, các chuyên gia đã nghiên cứu việc sử dụng 3 loại vắc xin là Pfizer, Moderna và Jonhson and Jonhson ở hầu hết các nhóm bệnh nhân bệnh máu ác tính ở các lứa tuổi, sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau (từ ghép tế bào gốc, điều trị Car-T…), nhóm đã dừng điều trị và nhóm bệnh nhân mới. Nghiên cứu trên cho thấy việc tiêm vắc xin vẫn giúp cho bệnh nhân có lượng kháng thể nhất định chống lại virus SARS-CoV-2 mặc dù hiệu quả có giảm.

Theo nghiên cứu mới được đưa ra bởi tạp chí ASCO, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho bệnh nhân bệnh máu ác tính có tính an toàn, chỉ có 25% bệnh nhân không sinh kháng thể. Như vậy là vẫn có 75% bệnh nhân có tạo ra kháng thể để chống lại Covid.

vắc xin Covid

Người bị bệnh máu nên tiêm vắc xin Covid khi nào?

Vấn đề cần lưu ý khi tiêm vắc xin cho người bị bệnh máu là thời điểm tiêm vắc xin. Việc trì hoãn tiêm vắc xin đã có sự thay đổi: Trước kia, theo các khuyến cáo không chỉ vắc xin Covid mà cả các vắc xin thông thường cần trì hoãn ít nhất 6 tháng với bệnh nhân ghép tế bào gốc hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Tuy nhiên hiện nay, Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, người bệnh có thể tiêm vắc xin Covid 3 tháng sau khi ghép tế bào gốc tự thân/đồng loài, điều trị liệu pháp tế bào hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Với mỗi người bệnh, khả năng sinh kháng thể sau tiêm vắc xin sẽ khác nhau. Vì vậy, tốt nhất người bệnh ghép tế bào gốc đồng loài vẫn nên tiêm vắc xin 6 tháng sau khi ghép. Việc lựa chọn thời điểm tiêm vắc xin còn cần cân nhắc dựa trên yếu tố dịch tễ, khả năng giữ gìn, hạn chế tiếp xúc của người bệnh…

Bệnh nhân bệnh máu ác tính không điều trị các phương pháp trên: 

Người bệnh có thể tiêm vắc xin sau khi điều trị hóa chất nếu các chỉ số xét nghiệm ổn định. Với bệnh nhân Lơxêmi cấp dòng tủy nên tiêm sau khi bạch cầu trung tính hồi phục.

Với bệnh nhân Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, bệnh nhân tăng sinh tủy, đa u tuỷ xương, U lympho ác tính không điều trị Rituximab: khuyến cáo tiêm sớm hơn, bất kể khi nào có thể tiếp cận với vắc xin nếu bệnh nhân không có các yếu tố chống chỉ định khác về mặt dị ứng và các xét nghiệm ổn định. Điều này cho thấy tính cấp thiết trong việc tiêm vắc xin với bệnh nhân ung thư nói chung cũng như bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính nói riêng.

Tuy nhiên, với một số nhóm bệnh rối loạn dòng lympho như CLL, U lympho không hodgkin tế bào B… phải điều trị Rituximab, để tiêm vắc xin có hiệu quả sẽ phải có kế hoạch tiêm sau khi dừng điều trị Rituximab ít nhất 4-5 tháng và sau tiêm mũi 2 ít nhất 2 tuần mới điều trị Rituximab.

Với bệnh nhân mới chẩn đoán và bệnh nhân có kế hoạch ghép tế bào gốc nên hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin trước khi điều trị/ghép tế bào gốc 2 tuần (nếu có thể).

Với bệnh nhân bệnh máu lành tính:

Với các bệnh máu lành tính như: tan máu bẩm sinh, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy xương…, người bệnh nên có một số lưu ý khi tiêm vắc xin theo tư vấn của bác sĩ trong clip dưới đây:

Một số lưu ý khác

Có một số trường hợp sau khi tiêm vắc xin có biểu hiện tăng sinh lympho. Vì vậy, các bác sĩ cần xem xét kỹ để tránh nhầm lẫn giữa phản ứng phụ sau khi tiêm với biểu hiện bệnh tái phát (ở nhóm bệnh nhân tăng sinh lympho).

Thông thường khi tiêm vắc xin ở tay nào thì hệ thống phản ứng hạch của phần cơ thể phía bên tay đó sẽ có phản ứng mạnh hơn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo với ung thư tạng đặc như ung thư vú nên tiêm vắc xin ở tay đối diện; Cần xem xét các xét nghiệm để đánh giá hạch đó là hạch tái phát hay hạch phản ứng sau tiêm vắc xin.

Mời xem thêm: Lưu ý khi tiêm vắc xin COVID-19 với người bệnh hemophilia và rối loạn chảy máu

Trương Hằng (ghi)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan