Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Lớp vẽ gieo mầm “Hy vọng xanh” cho bệnh nhân nhí

Mỗi chiều thứ Năm hàng tuần, căn phòng thư viện tại tầng 6 – Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương dường như lại đông vui hơn và đầy ắp tiếng cười của những “họa sỹ nhí.”
 Chảo Mùi Mán đang chăm chú hoàn thành bức tranh vẽ nhà của mình. (Ảnh: Thu Hà-Hoài Thu)
Không gian thư viện đươc sắp xếp khéo léo, đủ chỗ cho một chiếc bàn lớn phục vụ buổi học vẽ của các em thiếu nhi.
Đây có lẽ là khoảng thời gian mong đợi nhất mỗi tuần mà các em nhỏ yêu thích hội họa được thể hiện niềm đam mê và khả năng của mình.
Chắp cánh những ước mơ
Ngồi trong một góc nhỏ của lớp học vẽ, Chảo Mùi Mán – cô bé 12 tuổi là người con thứ 6 trong một gia đình quê ở Cao Bằng hồn nhiên chia sẻ: “Bố con cho con xuống đây để chữa bệnh, còn mẹ con phải ở nhà với các em. Bây giờ con chỉ ước được về nhà đi học thôi. Con nhớ nhà, nhớ các bạn. Sau này khi lớn lên con thích làm cô giáo.”
Những ước mơ giản dị của em bé vùng cao đã đồng hành cùng em biết bao ngày, dù hành trình đạt được nó có thể sẽ còn rất xa xôi. Đặt từng nét vẽ ngộ nghĩnh, em tạm thời quên đi những cơn đau đớn mà căn bệnh ung thư gây ra.
Cô bé 5 tuổi Bùi Thị Hồng Ngọc (quê ở Nghệ An) – bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối cũng thường xuyên tham gia lớp học vẽ trong những đợt điều trị dài ngày.
Mẹ của bé Ngọc, chị Bùi Thị Chính cho biết: “Ngọc rất thích đi học, nhưng điều trị liên miên khiến em không thể đến trường. May sao lớp học vẽ cho em tiếp xúc với giấy, với màu, làm em vơi đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp, lại cho em thêm niềm vui khi ở trong viện.”
Nguyễn Khánh Linh – cô bé 13 tuổi quê ở Hải Phòng là một thành viên chăm chỉ và quen thuộc của lớp vẽ.
Cầm chiếc bút vẽ trên tay, Linh thổ lộ về ước mơ của mình: “Con rất thích vẽ tranh. Sau này lớn lên con muốn trở thành cô giáo để được dạy các em nhỏ.”
Phần lớn các bé tham gia lớp vẽ, dù ở độ tuổi nào cũng đang bỏ dở việc học. Căn bệnh các em mang trong mình dù khiến cơ thể mệt mỏi nhưng không thể làm vơi đi những hy vọng, mong muốn được cắp sách đến trường như những người bạn cùng trang lứa.
Nhiều phụ huynh cũng thường xuyên cùng con đến lớp học, chăm chú ngắm nhìn những nét vẽ ngộ nghĩnh của con mình mà quên đi phần nào những gánh nặng cuộc sống.
Các em nhỏ đang say sưa trong từng nét vẽ. (Ảnh: Thu Hà-Hoài Thu)
Đi từng phòng để tìm học viên
“Hy vọng xanh” là dự án hội họa hướng tới những bệnh nhi mắc bệnh máu mà người họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn đang từng bước gây dựng và phát triển. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ 9/2017 đến nay vẫn không ngừng được lan tỏa.
Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn cho hay, lớp học không nhằm khai thác tài năng mà điều mong muốn nhất của anh đó là tạo cho các em một bầu không khí, một tinh thần tốt để phần nào quên đi bệnh tật.
Việc tiếp xúc với màu sắc và giấy vẽ thường xuyên là tiền để tạo nên cho những bệnh nhân các thói quen, khơi gợi, phát triển tài năng nghệ thuật, tư duy sáng tạo. Lớp vẽ “Hy vọng xanh” là nơi các bệnh nhi phát huy những tố chất hội họa tiềm ẩn trong bản thân, đặc biệt là khi các em không có điều kiện đến trường vì lý do bệnh tật.
Để phục vụ lớp học, thầy Sơn đã trang bị đầy đủ màu acrylic, giấy, bút lông… đều là những dụng cụ quen thuộc trong xưởng họa Picas Sơn của chính thầy.
Thành viên của lớp vẽ không cố định, có khoảng hơn chục em với độ tuổi dao động từ khoảng 4 -15 tuổi và không cố định vì nhiều lý do. Có những em chỉ tham gia học trong khoảng từ 1 đến 2 tháng do hết đợt điều trị các em lại trở về nhà.
Khoảng từ 15 giờ thứ Năm hằng tuần, các em nhỏ sẽ có mặt tại thư viện. Nếu lớp học  vắng các học sinh thì thầy Sơn hoặc trợ giảng và các tình nguyện viên sẽ đi từng phòng để tập trung các em nhỏ.
Thời gian của mỗi buổi học không kéo dài, thường chỉ khoảng một tiếng, vừa là để tạo tâm lý thoải mái, vừa đảm bảo sức khỏe và thời gian điều trị cho các em.
Họa sỹ Sơn chia sẻ, ban đầu, nhiều bạn nhỏ tuy có lạ lẫm với màu nước nhưng bây giờ các em đã có thể sử dụng thành thạo và bắt đầu hình thành tư duy với môn học này.
Lớp học của hy vọng
Anh Nguyễn Hoàng Long, trợ giảng của lớp học chia sẻ: “Những buổi đầu đến dạy tuy có gặp chút khó khăn nhưng bây giờ thì tôi đã quen. Vì thời gian các bé không tham gia lớp vẽ không thường xuyên do lịch điều trị nên chưa đủ cơ hội để phát hiện được nhiều tài năng, tuy nhiên một số bé tỏ ra nhanh nhạy và nổi bật hơn.”
Ngoài việc dạy vẽ cho các em, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, những buổi tham gia các hoạt động xã hội cho học sinh của lớp học đặc biệt.
 Bé Nguyễn Khánh Linh với đôi mắt say sưa đang hoàn thành bức vẽ chân dung. (Ảnh: Thu Hà-Hoài Thu)
Gần đây nhất, vào tháng 11/2017, gần 30 bức tranh của lớp vẽ “Hy vọng xanh” đã được anh gửi đến ngày hội Hoa hướng dương Vì bệnh nhân ung thư lần thứ 10. Các bức tranh thực sự đã gây được xúc động và ấn tượng đối với người xem.
Hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: “Mục đích của tôi với lớp vẽ này là hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp cho các em nhỏ, tạo cơ hội để các em tiếp xúc với hội họa.”
Mỗi giờ vẽ, các bé sẽ được các thầy hướng dẫn theo các chủ để đa dạng, gắn với cuộc sống hằng ngày. Những nét vẽ ngây ngô, hồn nhiên của các em dưới sự chỉ dẫn một cách tỉ mỉ của các thầy đã toát lên tinh thần sáng tạo, tư duy độc đáo, thể hiện qua sự chấm phá bằng những hình khối, màu sắc.
Sau mỗi buổi học, các bức tranh do các bé tự tay vẽ sẽ được thầy và các anh chị tình nguyện viên ghi họ tên và lưu giữ cẩn thận.
Bằng tài năng và sự tận tâm, những người họa sỹ ấy đang không ngừng truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tình yêu mỹ thuật cho nhiều thế hệ học sinh của mình. Và anh cũng đang truyền, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng đó cho những bệnh nhân nhi tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Cũng theo họa sỹ Sơn, có những nét vẽ rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà người họa sỹ chuyên nghiệp chưa chắc có được, bởi chỉ các em nhỏ mới đủ hồn nhiên, ngây thơ để phác nên những nét mộc mạc ấy.
Đằng sau mỗi bức tranh là những câu chuyện, những kỷ niệm và những mơ ước, hy vọng của các em nhỏ. Đôi khi chỉ là những ước mơ giản dị thôi khi được các em phác thảo ra một cách hồn nhiên cũng đủ làm lay động trái tim của những người chứng kiến.
Có lẽ, với những em bé mắc bệnh về máu hiểm nghèo này, mỗi buổi chiều học vẽ là khoảng thời gian các em tạm quên đi nỗi đau bệnh tật, để bay bổng hơn trong những nét vẽ dù nguệch ngoạc, dù chưa hiểu hết được lời thầy truyền đạt, nhưng được cầm bút, tô nền cũng đủ làm các em thích thú./.

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan