Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Kỷ niệm 10 năm tổ chức Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam

Trong 2 ngày 01 – 02/11/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 5 và Lễ kỷ niệm 10 năm tổ chức hội nghị.

Phiên báo cáo quốc tế diễn ra sáng nay 01/11 (ảnh: TTX)

Lần thứ 5 tổ chức này thu hút sự tham gia của 1.300 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 44 đại biểu là các chuyên gia huyết học – truyền máu có uy tín trên thế giới đến từ Bỉ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Trung Quốc, Singapore…

Hội nghị là dịp hội ngộ của cán bộ khoa học trong và ngoài nước (ảnh tư liệu).

Số lượng, chất lượng của đại biểu tham dự và các báo cáo khoa học cũng ngày càng được nâng cao. Tổng số có 70 bài báo trong nước, 40 bài báo quốc tế, 20 bài trưng bày poster và hơn 20 gian triển lãm của các công ty giới thiệu các thiết bị hiện đại, các kỹ thuật mới của chuyên ngành.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước tham gia chủ trì và báo cáo trong ngày đầu tiên hội nghị (ảnh: Nguyễn Liên)

Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên báo cáo chuyên đề về lĩnh vực ghép tế bào gốc, huyết học lâm sàng, ngân hàng máu, xét nghiệm, miễn dịch, di truyền – sinh học phân tử, quản lý chất lượng, điều dưỡng và phiên dành cho báo cáo viên trẻ, hội nghị ghi dấu ấn trong nỗ lực hợp tác quốc tế. Số lượng bài báo cáo từ các chuyên gia quốc tế ngày càng nhiều, việc chuyển dịch từ báo cáo tiếng Việt sang song ngữ và các phiên báo cáo hoàn toàn bằng Tiếng Anh cũng tạo cơ hội cho các tác giả trong nước được trình bày nghiên cứu của mình với các chuyên gia nước ngoài.

Song song với các phiên báo cáo khoa học, hội nghị lần này còn có các cuộc họp với các chuyên gia nước ngoài để bàn về vấn đề hợp tác và hỗ trợ Việt Nam.

Hội nghị đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chuyên ngành huyết học – truyền máu khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hiện cả nước có 9 trung tâm ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng ca ghép của cả nước gần 1.000 ca. Lượng máu tiếp nhận của cả nước đã đạt gần 1,6 triệu đơn vị máu mỗi năm.

Riêng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1995 đến nay, bệnh viện đã thực hiện gần 350 ca ghép tế bào gốc tạo máu. Mỗi ngày có khoảng 550 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Năm 2019, bệnh viện đã triển khai đưa vào ứng dụng hệ thống Giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) để xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho ghép tế bào gốc; kỹ thuật Digital PCR để định lượng bệnh tồn dư tối thiểu cho các bệnh nhân ung thư; là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận GMP châu Âu cho ngân hàng máu…

BSCKII. Phù Chí Dũng – Chủ tịch Hội Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong những năm gần đây, ngành huyết học – truyền máu của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu” (ảnh: TTX).

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan