Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Kêu gọi được 1.370 đơn vị máu, nữ sinh đạt Giải thưởng Tình nguyện quốc gia

Sau hai đợt xuất quân hỗ trợ chống dịch và vận động mang về 1.370 đơn vị máu, Nguyễn Thị Khánh Huyền (2001, Thái Nguyên) là cá nhân trẻ tuổi nhất nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021.

Nguyễn Thị Khánh Huyền và giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021.

1.370 đơn vị máu

Khánh Huyền hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Điều dưỡng tại Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên. Sau 2 năm hoạt động năng nổ với các hoạt động tình nguyện, nữ sinh Thái Nguyên đã trở thành một trong 10 cá nhân đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021.

“Yêu tình nguyện” là cụm từ mình lựa chọn để khái quát về bản thân vì mình yêu những công việc tình nguyện, mình coi tình nguyện là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Nó giúp mình trưởng thành từng ngày, tiếp thêm niềm tin, tình yêu cuộc đời. Cống hiến sức trẻ cho những hành động vì cộng đồng đã khiến thanh xuân của mình ý nghĩa hơn rất nhiều”, Huyền chia sẻ.

Hết mình trong màu “áo đỏ” qua các chương trình năm nay như “Chủ nhật đỏ”, “Hiến máu cứu người – Đẩy lùi dịch bệnh Covid 19”,… Khánh Huyền đã mang về 1370 đơn vị máu, khắc phục kịp thời tình trạng khan hiếm máu ở các bệnh viện.

Tham gia tổ chức nhiều chương trình tình nguyện hiến máu nhân đạo cùng số lượng người tham gia đông đảo, nữ sinh Thái Nguyên đã phát huy sức trẻ của mình với mô hình quản lý thông tin người hiến máu. Từ những thông tin cơ bản đến nhóm máu, người dùng mô hình này có thể kịp thời liên hệ, vận động người tham gia hiến máu phục vụ cấp cứu tại bệnh viện.

Là một tình nguyện viên không thể tham gia hiến máu, Khánh Huyền vẫn luôn nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đến mọi người, nhất là các bạn trẻ. Không tiếp xúc trực tiếp nhưng được chứng kiến những bệnh nhân cần máu đang từng giây phút chiến đấu với bệnh tật , cô gái 20 tuổi hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt máu nhân ái, chúng có thể cứu sống rất nhiều mạng người.

2 năm làm tình nguyện viên vận động hiến máu nhân đạo, Huyền nhận thức được tầm quan trọng của nghĩa cử cao đẹp này.

Bên cạnh đó, để nhân rộng những giọt máu hồng trong tình trạng khan hiếm máu hiện nay, Khánh Huyền và những tình nguyện viên khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Trường hợp từ chối tham gia chúng mình hay gặp nhất đó là vì mọi người chưa hiểu rõ, hiểu đúng về hiến máu nhân đạo, họ e ngại vấn đề sức khỏe như cân nặng sau hiến máu.

Ngoài ra, khó khăn lớn khác mà chúng mình gặp phải khi xoa dịu tình trạng khan hiếm máu hiện nay là dịch bệnh, đặc biệt máu đã trở nên thiếu hụt trầm trọng ở những vùng dịch diễn biến phức tạp. Làm sao để vận động được nhiều người tham gia mà vẫn đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên và người hiến máu là vấn đề cân não chúng mình gặp phải.

Như đợt vừa rồi, có một trường hợp bệnh nhân ở viện không đủ máu để điều trị, sau khi nhận được thông báo, mình cũng đã trực tiếp liên lạc để vận động người tham gia hiến máu. Nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng, mọi người đều rất sợ đến bệnh viện, nơi đông người và nguy cơ lây nhiễm khá cao khiến công tác tuyên truyền và vận động khó khăn hơn rất nhiều. Mình phải mất nhiều thời gian hơn để giải đáp những thắc mắc, động viên, hướng dẫn họ cách đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia hiến máu và họ cũng mất một thời gian mới quyết định giúp đỡ mình.

Nó dao động từ nửa ngày đến một ngày nhưng với những bệnh nhân đang cấp cứu hoặc cần máu gấp thì thực sự là khoảng thời gian rất dài”, Huyền chia sẻ.

Huyền mong mọi người sẽ tìm hiểu và nhân rộng những giọt máu nhân đạo.

Cân bằng giữa học tập và tình nguyện

Không chỉ năng nổ trong hoạt động hiến máu nhân đạo, Khánh Huyền đã tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 đợt xuất quân hỗ trợ công tác chống dịch ở Bắc Ninh và Đồng Nai.

“Mình vẫn nhớ những ngày đầu tham gia chống dịch, mình bỡ ngỡ và bất ngờ như thế nào trước tình hình thực tế với thời tiết khắc nghiệt, cường độ làm việc cao cùng sự nguy hiểm.

Khi đó, trong đoàn chỉ có 2 sinh viên Y tham gia hỗ trợ trạm y tế quản lý 3 khu cách ly F1 và một khu F0 cùng với dân quân, quân đội. Từ chăm sóc, tư vấn sức khỏe đến lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân, hỗ trợ tiêm chủng, đều là việc mình đã làm.

Đặc biệt, khi biết mình tiếp xúc với nhiều F0 và người đồng đội cùng làm cũng đã nhiễm bệnh, mình thật sự rất lo sợ. Sợ bản thân nhiễm bệnh, sợ ảnh hưởng đến lịch trình của cả đoàn. Thời điểm đó, mình cũng không dám báo với bố mẹ mà chỉ chia sẻ với thầy cô bạn bè rồi tự vực dậy tinh thần để tiếp tục làm nhiệm vụ tốt nhất”, Huyền chia sẻ.

Tích cực tham gia tình nguyện nhưng Khánh Huyền luôn đảm bảo nhiệm vụ học tập.

Cuộc sống của nữ sinh Thái Nguyên xoay quanh công việc hoạt động ở câu lạc bộ tình nguyện và học tập. Dù tham gia chống dịch nhưng cô vẫn đảm bảo việc học tập của bản thân.

“Vì mình tham gia chống dịch một thời gian khá dài nên mình cũng đã bỏ lỡ nhiều bài học và bài kiểm tra. Tuy nhiên, mình cùng các bạn tham gia được nhà trường tạo điều kiện, tổ chức các lớp học, kiểm tra, thi bù sau khi kết thúc đợt tình nguyện nên vẫn có thể đảm bảo được chất lượng học tập.

Ngoài ra, sau khi hoạt động trong câu lạc bộ tình nguyện, vận động hiến máu nhân đạo ở trường từ vị trí một cộng tác viên đến ủy viên ban chấp hành, nhận được sự giúp đỡ của các anh chị, bạn bè, mình đã biết cách cân bằng giữa học tập và hoạt động tình nguyện hơn so với hồi năm nhất”, Huyền chia sẻ.

Với nữ sinh 20 tuổi, khi hết mình trao đi tấm lòng nhân ái giúp đỡ mọi người cô cũng mong muốn nhận lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân. Món quà lớn nhất một tình nguyện viên như Huyền đó chính là món quà tinh thần, là những lời cảm ơn giản đơn nhưng tràn đầy yêu thương.

Cuối cùng, thông điệp Khánh Huyền muốn gửi đến mọi người, nhất là các bạn trẻ đó là “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, sự cho đi của các bạn hôm nay chính là sự sống đối với mỗi bệnh nhân đang hàng ngày hàng giờ đang thiếu máu cấp cứu.

Theo dantri.com.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan