Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hồi sinh từ dòng máu của những người xa lạ

“Chuyển ngay bệnh nhân lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”, lời bác sĩ trực tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang dứt khoát, thúc giục,… Người mẹ nghèo của bệnh nhân Tô Thị Bình (15 tuổi, Lục Ngạn, Bắc Giang) như không thể quên được khoảnh khắc nguy cấp đó đối với sự sống trong gang tấc của cô con gái bé bỏng.
Khi được chuyển đến Viện huyết học – Truyền máu Trung ương, nồng độ huyết sắc tố trong máu của bệnh nhân chỉ còn dưới 20g/l (người bình thường có chỉ số lớn hơn 120g/l; những người bệnh như em Bình thường vào viện khi huyết sắc tố trên 70g/l), lúc này cô bé đang đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Thalassemia là bệnh di truyền lặn do người bệnh nhận cả 2 gen bệnh của bố và mẹ. Đây là căn bệnh mà hồng cầu của người bệnh bị tan nhanh và nhiều  hơn bình thường làm cho người bệnh bị thiếu máu mạn tính từ nhỏ. Cơ thể người bệnh dần thích nghi với tình trạng thiếu máu kéo dài khiến nhiều người lầm tưởng nếu không điều trị cũng không sao nhưng trên thực tế thì bệnh nhân rất cần được điều trị định kỳ bằng truyền máu khoảng 1- 2 tháng/lần. Càng để tình trạng thiếu máu kéo dài thì bệnh càng nặng, khó chữa và có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Tỉ lệ người dân mắc bệnh thalassemia ở các tỉnh miền núi rất cao, trong khi kiến thức của người dân về các bệnh máu, trong đó có thalassemia còn rất hạn chế. Vì thế, hầu hết những người mắc bệnh này đều chỉ đến bệnh viện khi tình trạng đã nặng. Tô Thị Bình là một trong những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Thời gian điều trị định kỳ bị chậm trễ đến 8 tháng. Càng gay go hơn khi bệnh nhân Bình lại có kiểu hình của một số nhóm máu hệ hồng cầu khá hiếm gặp trong cộng đồng, do vậy để lựa chọn được người hiến máu có cùng nhóm máu với bệnh nhân là rất khó khăn.
Theo Ths. Bs Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâmThalassemia, Viện Huyết học Truyền máu TW cho biết: “ Hiện bệnh nhân Bình vừa là người có nhóm máu hiếm, vừa là người có các kháng thể bất thường được sinh ra do những lần truyền máu trước. Vì vậy để có thể cứu được bệnh nhân thì cần phải chọn những đơn vị máu phù hợp hoàn toàn với nhóm máu bệnh nhân (gọi là truyền máu phenotype). Đây là phương pháp truyền máu hiệu quả nhất đối với bệnh nhân phải truyền máu nhiều lần như bệnh nhân Thalassemia và hiện đang được thực hiện khá thường xuyên tại Viện Huyết học – Truyền máu TW được GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng quan tâm chỉ đạo sát xao vì lợi ích bệnh nhân. Mặc dù Viện Huyết học – Truyền máu TƯ hiện lưu trữ sẵn trên 3.000 đơn vị máu trong kho nhưng không có đơn vị máu nào phù hợp với em Bình cả”.
Nước mắt người mẹ lã chã tuôn, nhìn con yếu ớt trên giường bệnh, rồi nhìn bác sĩ như cầu cứu. Trời tối om như mực, những cơn mưa lạnh buốt khiến người trong cuộc thêm xót xa trong lòng. Ngay khi tiếp nhận tin cấp cứu, PGS.TS Bùi Thị Mai An – Trưởng Khoa Huyết thanh học nhóm máu đã trực tiếp cùng với những nhân viên có kinh nghiệm nhất trong khoa để xác định chính xác nhóm máu, các kháng thể bất thường có trong máu của em Bình, đồng thời PGS. An cũng đã trực tiếp lựa chọn để tìm ngay những người có cùng nhóm máu với bệnh nhân, động viên họ hiến máu để cứu người. Đúng là “Trời chẳng phụ lòng người”, trong số cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại Viện có 3 người có nhóm máu phù hợp với bệnh nhân.
Biết tin cháu bé có nhóm máu hiếm đang vô cùng nguy kịch, ngay lập tức một chuyên viên khoa Vận động và tổ chức hiến máu rời khỏi nhà vào thời điểm gia đình đang quây quần sau bữa ăn tối. Chị đã đến ngay trung tâm truyền máu để hiến máu cứu người. Cùng chung quyết định đầy nhân ái đó là bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật và dược sĩ trung học Trần Thị Thúy – nhân viên Khoa Dược của Viện. Ba tấm lòng không hẹn mà gặp nhau mang lại cơ hội sống quý giá cho bệnh nhân Bình. Một người vừa trải qua ca trực bao mệt mỏi không nề hà, hai người vượt qua mưa rét đường xa chạy xe thật nhanh tới bệnh viện. Chị chuyên viên vận động hiến máu chia sẻ trên trang cá nhân facebook: “Một buổi tối hạnh phúc bên các tình yêu”. Các con của chị cũng được mẹ cho phép đi cùng, với chị đây là một hành động thiết thực, cũng là cách để truyền dạy cho các con biết yêu thương và chia sẻ từ khi các cháu còn nhỏ.
Rất đáng mừng, sau khi được truyền máu, bệnh nhân Bình đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Mẹ của Bình gần như không rời mắt khỏi con mình dù chỉ một giây. Đôi tay gầy guộc và ánh mắt đẫm lệ vẫn chưa hết lo sợ mất con. Nhìn thấy con mình đang có dấu hiệu hồi phục, cô chia sẻ: “Bác sĩ bảo cháu có nhóm máu khó tìm, may mắn có người hiến tặng khi cháu đang gần ngưỡng chết, nghe nói đó là các bác sĩ ở Viện huyết học, mẹ cháu vô cùng biết ơn. Mẹ cháu chỉ mong được gặp ân nhân một lần để được nói một lời cảm ơn bác sĩ !”.
Đây không phải lần đầu tiên chuyện này diễn ra tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương, những cán bộ, công nhân viên của Viện sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân đã trở thành chuyện thường tình. Bác sĩ Nhật vẫn ngày ngày thăm khám bệnh nhân, trong đó có em Bình, hạnh phúc của người thầy thuốc là thấy bệnh nhân mà mình cho máu đang sống lại từng ngày. Không ai ngoài đội ngũ cán bộ y tế biết được người đã cho máu. Người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cứ mong mỏi được gặp ân nhân. Có lẽ với những người như bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, thêm một nhịp sống là thêm một hạnh phúc cho những con người mang trên mình áo trắng blouse.
Trong cuộc chiến với bệnh tật, giữa sự sống và cái chết có nước mắt người thân bệnh nhân, có những đêm thao thức băn khoăn của người thầy thuốc. Để rồi hạnh phúc như vỡ òa mỗi khi có thêm một người qua cơn nguy kịch. Vẫn còn đó những dáng hình khoác áo blouse, những trái tim hồng ấm nóng yêu thương phía sau những tấm thẻ cài trên ngực áo. Thay lời kết, mẹ của bệnh nhân Bình nhắn nhủ từ đáy lòng: “Các bác sĩ ở đây tốt quá, như người mẹ sinh ra cháu lần thứ hai.”
Thùy Linh
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!