Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu nhân đạo – quản trị giá trị từ hành động nhân ái

Nếu người lãnh đạo dẫn dắt đội ngũ thông qua các giá trị đích thực ẩn sâu trong mỗi con người thay vì chỉ bằng tư duy lãnh đạo trên công việc và năng suất thì có thể tạo nên giá trị của một văn hoá tương thân tương ái. Từ đó, khơi gợi nhân sự sử dụng chữ “tâm” không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc, tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam tham gia hiến máu nhân đạo

Đại dịch Covid-19 diễn ra ở Việt Nam trùng với thời điểm sau Tết Nguyên Đán cũng khiến tình trạng khan hiếm máu trở nên trầm trọng hơn tại ngân hàng máu của các bệnh viện. Những lời kêu gọi vận động hiến máu liên tục được phát ra, tạo nên một phong trào hiến máu trong cộng đồng, cứu sống rất nhiều người bệnh đang đứng trước cửa tử vì thiếu máu.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình hiến máu tại chính doanh nghiệp, thu hút hàng nghìn nhân viên cũng như người dân làm việc và sinh sống trong khu vực. Sự cởi mở, tham gia sâu của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh vào phong trào hiến máu nhân đạo như thời điểm này quả thực không phải là điều dễ thấy nhiều năm trước đây.

Một biến cố cá nhân xảy ra vào năm 1997 đã khiến bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam phải nằm viện, cần truyền rất nhiều máu. Bà Thanh kể lại, tình hình nguy cấp, lượng máu từ chính người thân trong gia đình không đủ nên bệnh viện đã phải “chạy đôn, chạy đáo” lấy máu ở nhiều nguồn, cứu bà qua khỏi cơn thập tử nhất sinh.

“Chính vì vậy, tôi luôn có một ước nguyện giản dị là phải cố gắng duy trì sức khoẻ để có đủ điều kiện hiện máu, trả lại ân huệ cuộc đời”, bà Thanh nói. Đến nay, bà đã tham gia hiến máu 18 lần, được tôn vinh là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV.

Trước năm 2010, Deloitte Việt Nam tham gia phong trào hiến máu cùng Bộ Tài chính. Từ khi bước sang tuổi 20, doanh nghiệp đã tổ chức chương trình hiến máu riêng và duy trì trong suốt 10 năm qua với thông điệp: mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại. Cuộc đời ở lại đó là cả một sự sống, nhưng bên cạnh sự sống là niềm tin vào sự tử tế của con người và là lòng biết ơn với sự yêu thương của mọi người.

Bà Thanh cho biết, mỗi người Deloitte đều thấu hiểu được điều đó. Số lượng người tham gia hiến máu ở các chương trình của Deloitte cũng tăng lên theo thời gian và sự lớn mạnh về quy mô của doanh nghiệp khi số lượng nhân sự từ 200 người nay đã tăng lên hơn 1.200 người. Các phong trào của Deloitte thu hút hàng nghìn ngườitrong và ngoài doanh nghiệp tham gia.

Theo nữ lãnh đạo Deloitte, tổ chức ra một phong trào thì dễ nhưng để duy trì được phong trào, hơn ai hết, lãnh đạo nên là người trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức, tham gia vận động cũng như hiến máu để là tấm gương và tạo niềm cảm hứng cho các cấp cán bộ nhân viên.

Là lãnh đạo của nhiều tổ chức, hiệp hội cũng như qua tiếp xúc và quan sát nhiều doanh nghiệp, bà Thanh nhận thấy, rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân đang tham gia hưởng hướng công tác hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang dừng ở mức độ phong trào.

“Các nhà lãnh đạo không chỉ nỗ lực phát triển doanh nghiệp để đóng góp cho sự phát triển về mặt kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của xã hội qua việc tạo công ăn việc làm mà còn tạo giá trị yêu thương và nhân ái thông qua các phong trào được tổ chức và duy trì. Điều đó vượt lên giá trị hưởng ứng như một phong trào. Các giá trị được gọi tên thì con người sống sẽ ý nghĩa hơn”, bà Thanh chia sẻ.

Bà Hà Thu Thanh được tôn vinh là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV

Theo bà Thanh, lãnh đạo doanh nghiệp luôn bận rộn, nhưng nếu dừng lại dù chỉ 5 phút để gọi tên giá trị của chương trình hiến máu, để trao truyền tình yêu thương và lòng nhân ái thì sẽ làm nên giá trị rất lớn của người doanh nhân. Đó là một giá trị mạnh mẽ có thể hướng đến dễ dàng, tạo động lực lớn để quản trị đội ngũ từ trái tim.

Trong sâu thẳm mỗi doanh nhân nói riêng và con người nói chung đều có tính nhân văn, nhân đạo và lòng nhân ái. Nếu lãnh đạo dẫn dắt con người bằng cả giá trị đích thực ẩn sâu trong mỗi người thay vì chỉ dẫn dắt đội ngũ bằng tư duy lãnh đạo trên công việc hay năng suất thì sẽ tạo nên một văn hoá tương thân tương ái. Từ đó, khơi gợi con người sử dụng chữ “tâm” không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc, tạo nên sự phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Deloitte, khi đối mặt với muôn vàn bận rộn, lo lắng và thách thức hàng ngày, hiến máu là một hoạt động cho con người được chậm lại, được tự thiền và ngẫm về một giá trị hoàn toàn khác, lấy động lực để vượt qua thách thức nhờ sức mạnh của giá trị bền vững.

“Đó là một giá trị tôi rất thấm thía và tôi thấy nhiều doanh nhân đang làm điều đó. Hiến máu nhân đạo giúp cho giá trị của doanh nhân và giá trị của doanh nghiệp trong sự phát triển bền vững tròn hơn, đẹp hơn thì tại sao không làm? Đó là tư duy quản trị giá trị, quản trị con người”, bà Thanh cho biết.

Là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh sự tự hào, với bà Thanh, đó còn là trách nhiệm để cùng các doanh nhân khác gọi tên giá trị trong các hành động lâu nay họ vẫn làm nhưng chưa được gọi tên. Lâu nay, các lãnh đạo chỉ mới nói đến quản trị tài chính, quản trị nguồn lực…nhưng sau cùng cũng nhằm tạo nên giá trị của niềm tin, uy tín, là những giá trị dễ làm, dễ đi sâu vào lòng người và là giá trị của sự bền vững.

Theo The Leader.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan