Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu có làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19?

Các nghiên cứu hiện có chưa cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc hiến máu có thể làm giảm hiệu quả của tiêm bất cứ loại vắc xin nào bao gồm vắc xin phòng chống COVID-19 đối với cơ thể người được tiêm phòng, cũng như việc được truyền máu từ người đã được tiêm vắc xin COVID không nhận thấy có ảnh hưởng bất lợi nào ở người bệnh nhận máu.

Cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Dịch vụ Truyền máu Canada đều đưa ra lý giải cho khẳng định này.

Khi cơ thể bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc được tiêm vắc xin chống vi rút này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra các tế bào bạch cầu lympho T và các kháng thể đặc biệt, có khả năng ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh COVID-19 nếu bị chúng tấn công trong tương lai. Các tế bào có khả năng đáp ứng miễn dịch này được lưu giữ trong máu và một số cơ quan khác như gan, lách, hạch.

Chỉ một lượng rất nhỏ các tế bào bạch cầu được lấy đi trong quá trình hiến máu, không làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, không làm mất đi các kháng thể được hình thành trong quá trình đáp ứng với vắc xin. Việc hiến máu không hề loại bỏ vắc xin khỏi cơ thể.

Nói cách khác, cơ thể người trưởng thành có trung bình khoảng 4 – 6 lít máu (tùy thuộc vào cân nặng) và mỗi lần hiến máu chỉ cho đi 350 – 450 ml máu. Số lượng kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 trong lượng máu hiến là không đáng kể, trong khi cơ thể lại thường xuyên sản sinh ra lượng máu mới, bao gồm cả các tế bào bạch cầu cần cho đáp ứng miễn dịch.

Nói về cơ hội liệu có tăng khả năng miễn dịch nếu được nhận máu từ người đã tiêm vắc xin COVID-19, ông Rob Murphy – chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) cho biết: Khi truyền máu, cơ thể người bệnh có thể được nhận một lượng nhỏ kháng thể chống lại vi rút từ máu của người hiến đã được tiêm vắc xin hoặc đã từng bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể này là quá nhỏ để có thể tạo ra sự khác biệt; do đó không thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2 ở người bệnh được nhận máu.

Một số lưu ý đối với người hiến máu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và Viện Huyết học – Truyền máu TW:

  • Người hiến máu cần đáp ứng các quy định về tuổi (18 – 60 tuổi), cân nặng (42 kg trở lên với nữ, 45 kg trở lên với nam), khoảng cách từ lần hiến máu toàn phần gần nhất là 12 tuần, khoảng cách từ lần hiến tiểu cầu gần nhất là 2 tuần.
  • Chỉ đến điểm hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh và không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm các vi rút qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.
  • Đeo khẩu trang khi đi hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tình nguyện viên tại điểm hiến máu.
  • Trả lời trung thực khai báo y tế và các câu hỏi của nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
  • Thông báo kịp thời cho đơn vị tiếp nhận máu về các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở… mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu hoặc nhớ ra sau khi đã hiến máu.
  • Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.
  • Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người mắc COVID-19, cũng như không có triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, khó thở, tiêu chảy.
  • Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch/ khu vực cách ly.

Thanh Hằng, ảnh: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan