Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”

“Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” là thông điệp mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam trong tuần lễ truyền thông và phòng tránh kháng thuốc năm 2020.

Từ khi phát hiện ra kháng sinh penicilline đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Ngoài vai trò trong y học đối với loài người, kháng sinh còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Kết quả của việc tiếp xúc liên tục với thuốc dẫn đến tỷ lệ vi khuẩn kháng trong phân của các động vật tương đối cao.

Chính vì vậy, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp về phòng, chống kháng thuốc; nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường nói chung.

Từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành y tế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc; tăng cường kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh. Đồng thời, có chế tài xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm.

Mỗi cán bộ y tế cần sử dụng kháng sinh đúng trách nhiệm, chỉ định sử dụng kháng sinh đúng các hướng dẫn chuyên môn và kê đơn khi cần thiết.

Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta. Ảnh: Công Thắng

Hưởng ứng “Kế hoạch triển khai truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2018-2020” Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức các hoạt động truyền thông hướng tới bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhằm nâng cao nhận thức về tình hình đề kháng kháng sinh trên cả nước nói chung và tại bệnh viện nói riêng.

Đối với bệnh nhân tại Viện, khi sử dụng kháng sinh được truyền thông về việc chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong đơn thuốc đang dùng cho người khác. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, góp phần giảm bớt nguy cơ phải dùng đến thuốc kháng sinh.

Đối với nhân viên y tế, Viện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn liên quan đến vi sinh và tình hình sử dụng kháng sinh hàng năm trong giai đoạn 2018-2020. Tổng kết các báo cáo khoa học về tình hình đề kháng kháng sinh tại Viện trong các đề tài cơ sở để thông qua và phổ biến cho các bác sĩ điều trị về thực trạng đề kháng tại Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng đã tổ chức phát động tuần lễ truyền thông và phòng tránh kháng thuốc năm 2020 từ ngày 18 đến 22 tháng 11 năm 2020.

Các hoạt động về “Kế hoạch triển khai truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2018-2020” đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức có quy mô, bài bản và lồng ghép vào các sinh hoạt khoa học liên quan tới vấn đề kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh ở quy mô toàn Viện hoặc tại các khoa phòng. Chính vì vậy, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngày càng nhận thức rõ hơn về tình hình đề kháng cũng như cách thức giảm thiểu sự đề kháng của vi khuẩn góp phần thành công trong điều trị.

Duy Tân – Vương Tuấn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan