Hà Nội xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho học sinh THPT
Sáng 29/12, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cùng trường THPT Quốc Oai, THPT Minh Khai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) phối hợp thực hiện xét nghiệm tan máu bẩm sinh (thalassemia) cho toàn bộ học sinh từ 16 – 18 tuổi trong trường.
Đây là chương trình thường niên Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội dành nguồn kinh phí để triển khai từ năm 2016 nhằm phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Năm nay, chương trình triển khai sàng lọc cho 5.000 học sinh THPT tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Sàng lọc gen tan máu bẩm sinh cho học sinh trường THPT Quốc Oai
Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền và ứ đọng sắt trong cơ thể. Đây là bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới và bệnh nhân phải điều trị suốt đời.
Hiện nay, ở Việt Nam có trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc.
Tan máu bẩm sinh nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ gây những biến chứng như biến dạng khuôn mặt, thiếu máu, chậm phát triển thể chất, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Do đó, việc sàng lọc tan máu bẩm sinh (thalassemia) cho gần học sinh THPT tại Hà Nội sẽ là tấm bảo hiểm an toàn dành cho các em trong tương lai, cũng là để cải thiện chất lượng dân số chung trong cộng đồng.
Tại huyện Quốc Oai, ngay khi có kế hoạch triển khai sàng lọc, Ban Giám hiệu các trường, bộ phận y tế học đường và giáo viên chủ nhiệm đã kết nối với phụ huynh học sinh, cung cấp thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh (nguyên nhân gây bệnh, các giải pháp điều trị, cách phòng bệnh tan máu bẩm sinh). Trên fanpage của trường cũng thường xuyên đăng tải những thông tin cần thiết, lịch xét nghiệm, lịch đăng ký để kịp thời cập nhật danh sách sàng lọc sớm nhất.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Oai cho biết: “Trong năm đầu tiên sàng lọc trước đây tại khối 12, chúng tôi đã phát hiện gần 100 em học sinh mang gen tan máu bẩm sinh. Nhà trường đã phối hợp với các đơn vị y tế kịp thời tư vấn cho phụ huynh để sau này các cháu không kết hôn với người người cùng mang gen hoặc cần sàng lọc gen trước hôn nhân”.
Tan máu bẩm sinh – Nỗi ám ảnh cả cuộc đời đối với người bệnh
Việc phát hiện sớm người mang gen thalassemia sẽ giúp các em học sinh chăm sóc sức khỏe và tự biết cách chọn một người không mang gen bệnh để kết hôn. Nếu 2 người cùng mang gen kết hôn thì có khả năng sinh ra con bị bệnh. Chị Nguyễn Thị Hoa – Phó trưởng phòng Dân số & KHHGD – Trung tâm y tế huyện Quốc Oai cho rằng: “Hiện nay trên thế giới, bệnh tan máu bẩm sinh vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, các triệu chứng theo đến suốt đời. Do đó, việc xét nghiệm gen tan máu bẩm sinh cho các em học sinh trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ giống nòi và giảm gánh nặng cho gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Hoa – Phó trưởng phòng Dân số & KHHGD – Trung tâm y tế huyện Quốc Oai đang tư vấn những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh.
BS. Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Tư vấn, sàng lọc tiền hôn nhân, tư vấn cho học sinh là một phương pháp được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm giúp thế hệ trẻ biết về tan máu bẩm sinh, biết trước mình mang gen bệnh. Từ đó, các bạn trẻ chủ động yêu và kết hôn với những người không mang gen bệnh, giúp sinh ra những đứa trẻ không bị bệnh”.
Em Tạ Huyền Trang (lớp 12A8) bộc bạch: “Trước đó, em đã biết căn bệnh này trên tivi và nhìn thấy các em nhỏ luôn phải chịu đau đớn, khuôn mặt bị biến dạng. Đây là căn bệnh di truyền, đặc biệt nguy hiểm và tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian để chạy chữa nhưng không khỏi. Được xét nghiệm và phòng bệnh cho bản thân, em thấy thật may mắn”.
Trong thời gian phải nghỉ học vì dịch bệnh, các em học sinh vẫn được các bác sĩ thuộc Trung tâm Thalassemia – Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ các kiến thức liên quan đến căn bệnh tan máu bẩm sinh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ phối hợp với Chi cục dân số – KHHGĐ Hà Nội tổ chức tư vấn về sức khỏe cho học sinh, đặc biệt các trường hợp mang gen bệnh.
Gia Thắng
Bài viết liên quan
Chi phí xét nghiệm gen tan máu bẩm sinh (thalassemia)
05 Tháng Năm, 2021Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) cao trên thế giới với khoảng 12 triệu người mang gen…
Xét nghiệm trước khi kết hôn gồm những gì?
15 Tháng Một, 2021Tại sao cần xét nghiệm trước khi kết hôn? Xét nghiệm tiền hôn nhân rất cần thiết với các cặp đôi khi bước vào cuộc sống gia đình. Tại các…
Phát hiện 85 thai phụ mang gen tan máu bẩm sinh tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang
29 Tháng Mười, 2021Chiêm Hóa là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang với đặc thù có nhiều tộc anh em cùng chung sống với nhau như Tày, Kinh, Dao, Mông,…
Chẩn đoán trước sinh thalassemia (tan máu bẩm sinh) được tiến hành như thế nào?
04 Tháng Năm, 2021Hiện nay, tại Việt Nam, có 2 phương pháp chẩn đoán trước sinh thalassemia (tan máu bẩm sinh) là chẩn đoán trước sinh thai nhi và chẩn đoán trước chuyển…