Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Ghép tế bào gốc – “Cuộc cách mạng” trong điều trị bệnh

Ghép tế bào gốc hiện nay thực sự trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh lý về máu cũng như chăm sóc sức khỏe con người. Nhờ những tiến bộ của y học nước nhà trong việc ghép tế bào gốc mà hàng trăm người tưởng tuyệt vọng, đã tìm được cơ hội sống.

Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học – Truyền máu TW (ảnh: Công Thắng)

Từ sự phục hồi kỳ diệu...

Nhìn nụ cười tươi rói và rạng rỡ của Hoàng Thị Thùy Linh ở tỉnh Quảng Bình, ít ai biết được rằng chị từng bị ung thư máu và từng được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương.

Tháng 9-2014, chị Hoàng Thị Thùy Linh được phát hiện mắc bệnh máu trắng. Bệnh của Linh thuộc nhóm tiên lượng xấu, khó có cơ hội cứu sống. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phương án tối ưu nhất để cứu chị Linh là phải ghép tế bào gốc và nguồn tế bào gốc sẽ được lấy từ người em trai ruột của Linh.

Thế nhưng, khi tiến hành xét nghiệm tủy, thì em của Linh lại không phù hợp. Vào thời điểm cuối năm 2014, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương mới thực hiện 2 phương pháp ghép tế bào gốc, đó là ghép tự thân (lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ) và ghép đồng loại cùng huyết thống (lấy tế bào gốc của người hiến cùng huyết thống để ghép cho bệnh nhân). Tuy nhiên, đối với trường hợp của Linh, các bác sĩ phải quyết định ghép bằng một phương pháp mới: Ghép đồng loại không cùng huyết thống, tức là chọn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện để ghép cho chị

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết, trước khi thực hiện ca ghép cho chị Linh, các bác sĩ đã lường trước những khó khăn có thể xảy ra, như: Bệnh nhân bất đồng nhóm máu, dễ gây chậm mọc mảnh ghép, thời gian mọc mảnh ghép kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao… Song, với niềm tin và nỗ lực hết mình, ca ghép của chị Linh đã thành công, đánh dấu bước đột phá lớn trong lĩnh vực y học nước nhà.

Chị Linh chia sẻ, trong những tháng ngày nằm viện, chị đã đọc những trang sách vượt lên số phận của Hoàng Thị Diệu Thuần – một cô gái cũng bị ung thư máu và đã hồi sinh nhờ được ghép tế bào gốc tại Viện vào năm 2012. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho chị. Đối với Linh, chị còn được may mắn hơn, nếu không có Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, thì cơ hội được ghép tế bào gốc của Linh gần như không có.

Đến nay, sức khỏe của Thuần và Linh đã hồi phục hoàn toàn. Cả hai chị đều đã trở lại Viện để sát cánh với các bé bị bệnh ung thư ở Khoa Nhi, mang đến những động lực tinh thần giúp các em vơi đi nỗi đau trong quá trình chiến đấu với bệnh tật.

… đến những đột phá của khoa học

Việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học được coi là một bước đi đột phá, tạo cơ hội phát triển mới cho nền y học thế giới. Nhận thức về vai trò của tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đã sớm triển khai nghiên cứu.

Chia sẻ về phương pháp ghép tế bào gốc, Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết: Ở Việt Nam, các nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô cũng như các sản phẩm từ tế bào gốc đã có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao. Hoạt động tế bào gốc tại nước ta đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Tế bào gốc đã được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau mà trước đây chưa làm được, như: Các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh…

“Việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, giúp bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường”, Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh cho biết thêm.

Chính vì vậy, tháng 5-2014, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đã thành lập Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Đây là nơi cung cấp nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống. Đến nay, Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã tiếp nhận, xử lý và lưu trữ được hơn 4.000 mẫu máu dây rốn, mẫu tế bào gốc bảo đảm chất lượng.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, hiện ngân hàng này là đơn vị sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để ghép cho người bệnh nhiều nhất trên cả nước. Đặc biệt, chất lượng các mẫu tế bào gốc đang lưu trữ tại đây đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Kể từ năm 2006 – khi ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên thành công, đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đã thực hiện được 400 ca ghép. Chỉ riêng năm 2019, Viện ghép được 51 ca, trong đó có 7 ca ghép từ tế bào gốc máu dây rốn. Ngoài ra, Viện cũng đã triển khai thêm các ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại, kết hợp 2 nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi nửa hòa hợp và từ máu dây rốn cho bệnh nhân mắc bệnh máu không có nguồn tế bào gốc để ghép. Thời gian tới, Viện tiếp tục nghiên cứu để phát triển hơn trong lĩnh vực này.

Đánh giá về phương pháp này, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng, ghép tế bào gốc là một trong những thành tựu khoa học của ngành Y tế, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng điều trị bằng các biện pháp thông thường. Đây là một sự đột phá về khoa học, công nghệ và y học.

Theo Báo Hà Nội Mới

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan

      Khoa Ghép tế bào gốc

      10 Tháng Ba, 2020

      Giới thiệu chung Địa chỉ: Tầng 8 tòa nhà H, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Điện thoại: 024 3782 1895, số máy lẻ 645 Lãnh đạo:  Trưởng…