Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Gần 20 năm là ngọn đuốc rực sáng cho hoạt động nhân đạo

Gần 20 năm là những tháng ngày miệt mài, lăn lộn với các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là phong trào vận động hiến máu tình nguyện, như ngọn đuốc rực sáng từ trái tim đầy yêu thương. Đó là tấm gương điển hình của bà Nguyễn Thị Tâm – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Quay về thời gian những năm 2000, từ khi nhận nhiệm vụ tại Hội Chữ thập đỏ Phường, bà Nguyễn Thị Tâm đã đau đáu, trăn trở làm sao để thúc đẩy hoạt động hiến máu tình nguyện của phường… Nhưng giai đoạn này, thông tin còn thiếu thốn, truyền thông chưa sâu rộng nên việc vận động hiến máu chẳng hề đơn giản. Bà Tâm đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người và chỉ nhận lại là những lời từ chối cùng cái lắc đầu thờ ơ.

Khi ấy, bà Tâm tự dặn lòng mình, chỉ có “kiên nhẫn” mới là chìa khóa để thuyết phục đối phương. “Người bệnh đang cần máu mà! Dù khó khăn đến đâu thì tôi vẫn sẵn lòng đối mặt”.

Có lần bà Tâm đến vận động hiến máu tại một đơn vị trên địa bàn, được chỉ dẫn phải gặp đích danh lãnh đạo để xin ý kiến. Đến từ 1 rưỡi chiều nhưng lãnh đạo bận đi họp, nhắn bà Tâm hôm sau quay lại, nhưng bà không chịu và đã đợi tới tận 5 giờ. Cảm kích trước sự kiên nhẫn, nhiệt tình của bà, vị lãnh đạo sẵn lòng đồng ý và đã tổ chức chương trình hiến máu tưng bừng nhất trong năm.

Sau này, mỗi lần đến bất cứ đơn vị nào để vận động người hiến máu, bà Tâm và các thành viên trong Hội Chữ thập đỏ phường Trung Hòa đều chia nhau lặng lẽ đi tuyên truyền với tâm thế kiên nhẫn, hài hòa.“Họ yêu cầu cô đến chỗ này, chỗ kia, cô vẫn cứ đi, bảo đến đâu cô đến đấy, chẳng ngại ngần gì cả!” – Bà Tâm chia sẻ.

Những ngày đầu, bà Tâm chỉ vận động được duy nhất 1 thanh niên đủ sức khỏe tham gia hiến máu. Sau khi hiến về, làng xóm thấy cậu vẫn khỏe mạnh, lại còn được 1 tờ giấy chứng nhận hiến máu kèm theo quà bánh, khiến ai cũng cảm thấy thích thú.

Một số người tò mò còn hỏi bà Tâm hiến máu như thế nào, có đau hay không. Bà Tâm chỉ nhẹ nhàng giải thích hiến máu nhẹ nhàng như đi “truyền nước”, thậm chí phụ nữ hiến máu thì “da mịn màng hơn”… và những lợi ích mình có được sau hiến máu như: giấy chứng nhận, được xét nghiệm kiểm tra sức khỏe… Không ít người gật gù và muốn lần sau bà Tâm đăng ký giúp hiến máu tại phường.

Vận động người dân thôi chưa đủ, bà còn đề xuất lên lãnh đạo phường tổ chức phong trào hiến máu tại các tổ dân phố. Nơi nào làm tốt, cuối năm đều tính thành tích thi đua, tạo động lực cho mỗi tổ vận động theo nhiều cách khác nhau. Riêng bà và các cán bộ Hội CTĐ phường Trung Hòa còn vận động hiến máu tại các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, bà cho rằng: “Những người lính trẻ ở quân ngũ thường có sức khỏe rất tốt, họ sẽ đóng góp được cho người bệnh những đơn vị máu thực sự chất lượng”.

Ngoài ra, bà Tâm cùng tổ dân phố tại phường sáng tạo thêm những mô hình vận động hiến máu với đối tượng sinh viên, người đi làm, công nhân đang ở trọ, tiểu thương, … đều có thể tham gia hiến máu nếu đủ tuổi và sức khỏe.

Nhờ những kết quả tích cực và nỗ lực không ngừng nghỉ của bà và Hội CTĐ phường Trung Hòa, đến nay, địa phương này luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu quận Cầu Giấy về phong trào hiến máu tình nguyện. Đặc biệt năm 2019, phường Trung Hòa còn vận động được hơn 1.100 đơn vị máu kịp thời cấp cứu và điều trị.

Trong gần 2 thập kỷ gắn bó với công tác thiện nguyện, bà Nguyễn Thị Tâm đã tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên trẻ trung, năng động. Đối với ai bà Tâm cũng đều hỏi han ân cần “Các con ơi! Các con học trường nào? Quê các con ở đâu?”. Bà luôn động viên từng cá nhân đang gặp những hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích các em, các cháu mở lòng, hòa đồng với bạn bè xung quanh.

Có lần trời rét dưới 10 độ, mưa tầm tã, đường ngập sâu, bà Tâm phải thuê 1 chuyến xe để đưa người hiến máu cùng tình nguyện viên lên Viện Huyết học – Truyền máu TW hiến máu.

Trời vừa mưa vừa rét như vậy, người hiến máu cũng sốt ruột. Lúc này, bà và các bạn tình nguyện viên luôn phải túc trực bên cạnh để trò chuyện, hỏi han, tiếp nước nóng để người hiến máu cảm thấy an tâm trở lại.

Bà Tâm nhớ lại hình ảnh có những em sinh viên, người gầy gò bé nhỏ, chỉ khoác bên ngoài tấm áo đỏ của Đội Vận động hiến máu để tránh gió. Bàn tay các em run run, đôi má đỏ ửng vì lạnh nhưng vẫn tươi cười trò chuyện với người hiến máu. Hình ảnh này khiến bà Tâm thấy thương vô cùng, không quên dặn dò thủ lĩnh Chi hội Máu mau đi chuẩn bị bữa trưa: “Cháu hãy chọn hộp cơm ngon ngon một chút, nhiều nhiều một chút để tí nữa tan ca, các bạn ăn cho lại sức!”

Bà Tâm kể lại: “Có những hôm hiến máu tôi phải rời nhà từ 6h sáng, nhưng tới 10h đêm mới về ăn cơm, mặc dù mệt, rét nhưng bản thân tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc”. Với một người đã gần 70 tuổi mà công việc thiện nguyện, nhân đạo lúc nào cũng cháy rực nhiệt huyết như vậy, quả thực hiếm có.

Ngoài những công việc vận động hiến máu tình nguyện, bà Tâm còn dành thời gian xây dựng mô hình Nồi cháo tình thương, Bữa cơm tình thương, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp chăn màn, lương thực cho đồng bào miền Trung gặp bão lũ.

Trên hành trình gần 20 năm đóng góp cho công tác nhân đạo, dù chông gai, khó khăn, nhưng bà Tâm luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người nên niềm hạnh phúc cứ thế nhân lên, là động lực giúp bà bền bỉ gắn bó, cống hiến cho cuộc đời.

Gia Thắng, ảnh: NVCC

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan