Định nhóm máu quan trọng như thế nào?
Mỗi nhóm máu mang những đặc trưng riêng biệt, được quy định bởi các các kháng nguyên trên mặt các tế bào hồng cầu. Cùng với xét nghiệm nhằm ngăn ngừa các virus lây qua đường truyền máu, xét nghiệm định nhóm máu cũng rất quan trọng trong thực hành truyền máu. Định nhóm máu giúp thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản về an toàn miễn dịch là không để cho các kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau.
Sự phát triển và hình thành các hệ nhóm máu
Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO. Điều này đã mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Nhờ có truyền máu an toàn mà đã mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Năm 1907, Reuben Ottenberg đã đề xuất sơ đồ truyền máu hòa hợp nhóm máu hệ ABO.
Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như: Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Trong đó, 2 hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong truyền máu.
Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó.
Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau, tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý.
Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên. Kháng nguyên D của hệ Rh là phổ biến nhất.
Xét nghiệm định nhóm máu thực hiện khi nào?
- Thực hiện bắt buộc đối với tất cả đơn vị máu toàn phần, thành phần máu đã hiến.
- Xét nghiệm cho người bệnh khi bác sĩ chỉ định truyền máu, chế phẩm máu.
- Thực hiện với mẫu máu người bệnh và đơn vị máu trước khi cấp phát.
- Xét nghiệm nhóm máu hệ ABO, hệ Rh(D, C, c, E, e) và MNS (Mia) cho sản phụ và chồng. Điều này giúp tránh những hậu quả cho trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ con.
- Bất kỳ ai cũng nên biết nhóm máu của mình. Và hiến máu là cách đơn giản nhất để giúp bạn biết nhóm máu.
Yêu cầu xét nghiệm định nhóm máu với đơn vị máu
– Định nhóm máu hệ ABO với đơn vị máu sau hiến:
- Phải thực hiện bằng 2 phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu.
- Thực hiện với kỹ thuật tối thiểu tương đương hoặc cao hơn kỹ thuật thực hiện trong ống nghiệm.
- Nhóm máu chỉ được kết luận khi có sự phù hợp kết quả của hai phương pháp hoặc được khẳng định bằng các xét nghiệm bổ sung.
– Định nhóm máu hệ Rh(D) với đơn vị máu sau hiến:
- Phải thực hiện bằng phương pháp huyết thanh mẫu.
- Kỹ thuật tối thiểu thực hiện trong ống nghiệm.
- Chỉ được kết luận đơn vị máu có nhóm Rh(D) âm, sau khi đã thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng xét nghiệm tương đương hoặc cao hơn kỹ thuật kháng globulin gián tiếp.
– Định nhóm máu hệ Rh (C, c, E, e) hoặc các hệ MNSs, Kidd, Duffy, P, Lewis với đơn vị máu khi bác sĩ điều trị chỉ định truyền máu lựa chọn phù hợp kháng nguyên hồng cầu.
Yêu cầu xét nghiệm nhóm máu hệ ABO mẫu máu người bệnh
– Thực hiện kỹ thuật trong ống nghiệm hoặc các kỹ thuật khác có độ nhạy cao hơn.
– Thực hiện đồng thời bằng hai phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu.
– Thực hiện 2 lần trên cùng mẫu máu hoặc 2 mẫu máu của cùng một người bệnh.
– Trường hợp các kết quả của hai phương pháp trong cùng một lần hoặc của các lần không phù hợp với nhau, phải thực hiện các xét nghiệm bổ sung để khẳng định kết quả định nhóm máu.
– Định nhóm máu ABO của trẻ sơ sinh và thai nhi: Chỉ thực hiện bằng phương pháp huyết thanh mẫu; không thực hiện bằng phương pháp hồng cầu mẫu. Trong trường hợp kết quả không rõ ràng, có thể sử dụng các xét nghiệm bổ sung khác để khẳng định.
Yêu cầu xét nghiệm nhóm máu hệ Rh(D) mẫu máu người bệnh
– Khi có chỉ định truyền đơn vị máu toàn phần, khối hồng cầu, khối tiểu cầu và khối bạch cầu.
– Thực hiện bằng kỹ thuật trong ống nghiệm hoặc các kỹ thuật khác có độ nhạy cao hơn.
Yêu cầu định nhóm máu hệ ABO đơn vị máu dự kiến truyền
– Thực hiện kỹ thuật trong ống nghiệm hoặc các kỹ thuật khác có độ nhạy cao hơn.
– Đồng thời bằng hai phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu cho đơn vị máu toàn phần và khối bạch cầu hạt.
– Bằng phương pháp huyết thanh mẫu cho các chế phẩm hồng cầu.
– Bằng phương pháp hồng cầu mẫu cho các chế phẩm huyết tương, tủa lạnh và tiểu cầu.
Xét nghiệm định nhóm máu ở đâu?
1. Tham gia hiến máu và được thông báo kết quả nhóm máu sau khi hiến.
2. Viện Huyết học – Truyền máu TW
- Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
- Thời gian: Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu); Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).
3. Các điểm hiến máu cố định và xét nghiệm ngoại Viện: Từ thứ 2 – thứ 7: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.
- Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu
- Bùi Thị Mai An, Vũ Đức Bình (2012), Một số chuyên đề Huyết học – Truyền máu Việt Nam tập IV.
Bài viết liên quan
Xét nghiệm máu bao nhiêu tiền?
22 Tháng Một, 2021“Xét nghiệm máu bao nhiêu tiền?” Đó là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm trước khi đi khám, xét nghiệm để tránh bị động về tài chính. Tuy…
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát
14 Tháng Mười Hai, 2020Lợi ích của việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam…
Những ưu điểm khi xét nghiệm máu tại điểm hiến máu cố định
30 Tháng Sáu, 2021Ai cũng hiểu rằng cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên chúng ta lại rất ngại đến bệnh viện vì sợ mất thời gian. Nếu như…
Khoa Huyết thanh học nhóm máu được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 15189:2012
05 Tháng Chín, 2021Ngày 13/8/2021 vừa qua, Văn phòng Công nhận chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định số 457.2021/QĐ-VPCNCL về việc công nhận khoa Huyết thanh học…