Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân ghép tế bào gốc

Ngày 29/12/2020, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ bệnh nhân ghép tế bào gốc. Việc thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân ghép là nguyện vọng tha thiết của người bệnh, đồng thời cũng là trăn trở của các cán bộ y tế. Đã từ lâu, các y bác sĩ và cán bộ công tác xã hội của Viện đã ấp ủ mong muốn thành lập CLB và hy vọng CLB sẽ trở thành điểm tựa tinh thần của người bệnh, là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép.

TS. Vũ Đức Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Huyết học – Truyền máu TW phát biểu khai mạc Lễ ra mắt CLB Bệnh nhân ghép tế bào gốc

Đông đảo người bệnh đã ghép tế bào gốc thành công và cả những người bệnh đang có nguyện vọng ghép tế bào gốc tới tham dự chương trình

Trải qua 14 năm từ khi ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện (vào năm 2006), Viện Huyết học – Truyền máu TƯ đã trở thành một trong những trung tâm về ghép tế bào gốc hiệu quả, uy tín trên cả nước.Tính đến tháng 11/2020, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 234 ca ghép tự thân, 211 ca ghép đồng loài.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc báo cáo những kết quả trong hoạt động ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu TW 14 năm qua 

Riêng về ghép đồng loài, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…

Năm 2014, Viện Huyết học – Truyền máu TW là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống), đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Hình ảnh những người bệnh ghép tế bào gốc thành công và trở về với gia đình như bao người bình thường khác

Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua một khoảng thời gian dài (từ 1 đến 3 tháng) trong phòng cách ly. Người bệnh phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo “điều kiện” tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét…

Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến “sinh tử”, “như được sinh ra lần thứ 2”.

Anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn), người bệnh đầu tiên ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện vào năm 2008 tới tham dự chương trình và tiếp thêm hy vọng cho những người bệnh khác

Người bệnh thực sự rất cần có thêm kiến thức từ các chuyên gia/bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, cần được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam với go bệnh tật.

Trong nhiều năm qua, các y bác sĩ và cán bộ công tác xã hội của Viện đã trăn trở, ấp ủ mong muốn có một nơi kết nối dành cho người bệnh. Chính vì vậy, Viện Huyết học – Truyền máu TW thành lập Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc nhằm hỗ trợ người bệnh nói chung và người bệnh có nhu cầu/cơ hội ghép TBG thêm thông tin, kiến thức về ghép tế bào gốc; Đồng thời, hỗ trợ người bệnh ghép được cập nhật kiến thức chăm sóc trước, trong và sau quá trình ghép, và tập hợp những người bệnh ghép thành công để tạo thêm động lực và minh chứng cho hiệu quả của việc ghép TBG trong điều trị bệnh máu…

Ban chủ nhiệm lâm thời của CLB Bệnh nhân Ghép tế bào gốc gồm các y bác sĩ, cán bộ công tác xã hội và đại diện người bệnh, người nhà người bệnh

Các thành viên của CLB Bệnh nhân Ghép tế bào gốc

Hy vọng, câu lạc bộ sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, giúp vơi bớt những gánh nặng của người bệnh, là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép.

 

Trương Hằng, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan