Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đôi điều về thơ Nguyễn Anh Trí qua “Mẹ và những miền quê mẹ” và “ Sống mãi với Thu vàng”

ThS. Nguyễn Thị Thiện

Xưa nay, người làm thơ có rất nhiều vì thơ là tiếng nói của cảm xúc và tâm trạng. Người ta tìm đến thơ như tìm đến một người bạn tin cậy để giãi bày những tình cảm và nỗi niềm chất chứa trong lòng. Song là thầy thuốc, là nhà khoa học lớn đồng thời lại là tác giả của hàng trăm bài thơ thì quả là ít có. Giáo sư, Tiến sỹ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đúng là trường hợp đặc biệt. Chỉ vài ba năm, ông đã gửi đến bạn đọc hai thi phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là “Mẹ và những miền quê mẹ” (năm 2012) và“Sống mãi với thu vàng” (năm 2014).

Đúng như lời tựa trong tập thơ “Mẹ và những miền quê mẹ”, tác giả đã tâm sự: “Những Miền quê Mẹ, trong tôi, đó là đất nước thân yêu này, nơi có một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt, có những người dân chân thật và anh dũng. Càng sống, càng đi, càng tìm hiểu…. càng thấy đất nước mình rất đẹp, nhân dân ta rất anh hùng”. Bởi vậy, tuy bộn bề công việc những ông vẫn cầm bút ghi lại những cảm xúc thăng hoa về Mẹ, về quê hương, đất nước để “Xin kính dâng hương hồn Mẹ; Xin kính tặng Tổ quốc Việt Nam – Nơi có những con người và những miền quê mà tôi yêu quý như một lời tri ân, như một lời cảm tạ”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có lý khi nhận xét :” Nguyễn Anh Trí là một nhà khoa học. Nhà khoa học nhưng làm được thơ… làm cho cánh đồng thi ca chung của chúng ta thêm hương sắc, thêm quyến rũ và tươi trẻ”.
Hội nhà văn Việt Nam giới thiệu hai tập thơ của tác giả Nguyễn Anh Trí
Đến với thơ GS.TS Nguyễn Anh Trí, người đọc được một  dịp du lịch qua ngôn ngữ thơ với nhiều bài, nhiều câu dung dị mà gợi cảm; Được chiêm ngưỡng nhiều miền đất của Tổ quốc với những cảnh đẹp khó quên, sản vật và dấu ấn văn hóa vùng miền đáng nhớ. Trong bài thơ được lấy làm nhan đề cho cả tập thơ, ông viết lên cảm xúc mang tính khái quát:
           “Những Miền Quê mẹ, trong tôi
            Là sông suối, là núi đồi hoang sơ
            Là ngôi nhà của tuổi thơ
            Là mảnh vườn mẹ với bờ mồng tơi
            Là biển rộng, là bầu trời
            Là con phố nhở một thời tôi yêu…”

                            (Những Miền Quê Mẹ)
Đáng chú ý hơn, trong bài Độc thoại về đất nước mình, bằng lối miêu tả giàu hình ảnh cùng với nghệ thuật chơi chữ, tác giả đã bộc lộ chân thành tình yêu đất nước và niềm tin về tương lai phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến:
            “Tôi ngắm nhìn đất nước Việt Nam
            Để đắm mình trong vô vàn cảnh đẹp
            Mềm mại vẹn toàn một hình chữ S
            Tổ quốc mình dìu dặt những đường cong….
            … Đất nước Việt thân yêu đẹp vô cùng
            Nơi trái tim chính thủ đô Hà Nội
            Một thế đứng bền qua ngàn năm tuổi
            Thăng Long rồi sẽ mãi còn thăng”

                        (Độc thoại về đất nước mình)
Là người thầy thuốc say mê nghiên cứu khoa học, tác giả có điều kiện được đi nhiều nơi của đất nước. Dường như mỗi địa phương, mỗi di tích và danh thắng ông đặt chân qua đều khơi nguồn mạch cảm hứng để ông viết nên rất nhiều bài thơ về quê hương, cảnh vật đất nước mình. Đến với Hòa Bình thân yêu, ông được “…ấm lòng rượu nồng Mai Hạ / Điệu khèn sao da diết quá / Khó quên Hòa bình ơi!…”. Đến với đất Ninh Bình, bằng ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm ông giúp người đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của vùng đất cố đô xưa:
           “Ninh Bình đây cảnh vật thật nên thơ
            Nước non, non nước cứ như mơ
            Thung lũng sông xanh qua khe đá
          “Hạ Long trên cạn” đẹp ngẩn ngơ”
                        (Đây đất Ninh Bình)
Là người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo với trên 200 công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành, trong đó công trình khoa học ghép tế bào gốc trở thành niềm tự hào của y học Việt Nam; Người thầy thuốc Nhân dân ấy còn sáng kiến làm nên “Lễ hội Xuân hồng”, lễ hội tình nguyện hiến máu nhân đạo có ý nghĩa thiết thực phục vụ dân sinh. Vì thế Nguyễn Anh Trí đã dồn hầu hết thời gian cho sự nghiệp cao cả: Cứu người! Vậy nhưng ông vẫn dành thời gian để được đến với Một thoáng Sa Pa, với Chí Linh xứ hùng thiêng, để về với Hưng yên, Nơi miền quê ấy Thái Bình, Hà Nam mỗi lần về lại. Bởi tấm lòng yêu đất nước, yêu con người luôn rộng mở nên ông có được Ấn tượng Cát Bà, Cô Tô xinh đẹp, Ba Bể viên ngọc xanh, Tam Đảo trong mây, Bắc Giang tình nghĩa, Lời vọng từ Yên Tử, Tây Bắc mùa hoa ban nở, Đà Nẵng cảm xúc đêm pháo hoa, Khúc hát Khánh Hòa và về Ba Tri viếng mộ cụ Đồ Chiểu… Song ông đặc biệt xúc động khi đến những vùng đất từng phải hứng chịu nhiều bom đạn của chiến tranh, in nhiều dấu tích đau thương mà kiên cường bất khuất của quân và dân ta như: Thánh địa Mỹ Sơn, Côn Đảo, Bến Tre và Phú Quốc. Nguyễn Anh Trí đã dành những tình cảm và sự ngợi ca đặc biệt với Phú Quốc, nơi được mệnh danh là Đảo Ngọc, một vùng biển kiên cường và tươi đẹp:
            “Tôi ngắm mình trong làn nước Bãi Sao
            Gió hồn nhiên mơn man con sóng bạc…
            Chén rượu Sim thơm nồng, dịu ngọt
            Phú Quốc ơi say đắm một mối tình”
                        (Tình yêu Phú Quốc)
Sinh ở miền Trung nhiều nắng gió và bão giông, vùng đất địa danh linh kiệt đã sinh dưỡng bao người con ưu tú, hiền tài cho đất nước, tác giả Nặng tình yêu một thủa với Mái trường xưa, với kỷ niệm xứ Thanh, Tính cách Nghệ Tĩnh, và Giọng nói quê mình. Dù có đi đâu, ở nơi nào làm gì đi nữa, tác giả cũng không quên khúc ruột mến thương ấy:
“… Dù cho sống khắp bốn phương
Vẫn nhớ giọng nói mến thương quê mình”
Uống nước nhớ nguồn là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hơn ai hết, Nguyễn Anh Trí hiểu sâu sắc điều đó và dành không ít lời thơ tri ân những bậc tiền bối có công lớn với đất nước thời trước như: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu… Sống trong thời đại ngày nay, thi sỹ đã dành những vần thơ tha thiết và sâu lắng ngợi ca những lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc là Bác Hồ kính yêu (Đồng bào nghe tôi nói rõ không) và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Mới đây mùa thu năm 2013, khi Đại tướng từ trần, như muôn triệu con tim Việt Nam không kìm nén nổi niềm tiếc thương vô hạn, Nguyễn Anh Trí đã viết những dòng thơ thành kính, khẳng định sự bất tử của vị Đại tướng huyền thoại đã trọn đời cống hiến vì dân, vì nước. Nhan đề của bài thơ này cũng được tác giả trân quý chọn tên chung cho cả tập thơ.

         

 “Hàng triệu người tim thắt lệ rơi
            Tiếc thương lắm!
            Một con người huyền thoại
            Đức, Dũng, Trí, Nhân … Ông thành vĩ đại
            VÕ tướng một đời đậm những chất VĂN!
            … Ông đã thành Tiên
            Không bao giờ mất
            Những vinh quang sống mãi với Thu vàng!”
Văn thơ ở thời nào cũng là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Thời gian vừa qua, sự kiện nhà cầm quyền Trung Quốc đặt giàn khoan 981 lấn chiếm một vùng biển đảo Việt Nam đã khiến biết bao trái tim yêu nước sôi sục. Thơ của GS.TS. Nguyễn Anh Trí cũng canh cánh một nỗi lo về chủ quyền biển đảo của đất nước. Nghe tiếng sóng biển ngày đêm không thôi vỗ vào bờ cát, ông nhận ra được “Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông”:
          
 “Những năm tháng này
            Mỗi người dân Việt
            Đều nghe lời thỉnh cầu tha thiết
            Của mẹ Biển Đông trong tiếng sóng gầm…
            Lời thỉnh cầu chan chứa ước mong
            Để được hòa bình, để ngừng máu chảy”.
Đến với biển, không chỉ như nhiều người khác để ngắm biển đẹp và rộng dài đến ngút tầm mắt, để hòa mình trong nước biển tắm mát thỏa thuê, thi sỹ không chuyên ấy còn trăn trở nhiều suy ngẫm. Bài thơ Nghĩ về biển là sự đúc rút tinh tế và sâu sắc mang tính triết lý của tác giả về cuộc đời và lẽ sống.
GS.TS Nguyễn Anh Trí có không ít bài thơ viết về Mẹ. Trước hết đó là người mẹ Tổ quốc và người mẹ biểu trưng cho cả dân tộc. Khi mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ về với tổ tiên, tác giả vô cùng xúc động kính dâng hương hồn Mẹ những dòng thơ giàu ý nghĩa biểu tượng và khái quát bởi “Người là mẹ Việt Nam”:
            “Mẹ chính là Đất nước mẹ ơi
            Như xóm Rừng cây xanh, chim hót
            Như giống mía Điện Bàn mềm ngọt
            Như dòng Thu Bồn tắm mát đất Quảng Nam”
Đọc cả hai tập thơ, ấn tượng sâu đậm và xúc động nhất là những bài, những câu tác giả viết về người mẹ thân thương. Ông tâm sự rằng: “Dẫu đã sống qua quá nửa đời người, nhưng khi mẹ mất, tôi vẫn cứ quá buồn, quá nhớ, vẫn luôn thấy hụt hẫng và trống vắng. Ơn bậc sinh thành trong mỗi người luôn là rất lớn”. Thơ ông đã nói hộ cảm xúc của dường như tất cả chúng ta:
“Sướng khổ buồn vui đều gọi Mẹ, Mẹ ơi!”. Trong ông tình mẹ lúc nào cũng thường trực nên khi nghe câu hát Xẩm ông tưởng như nghe Tiếng lòng mình da diết nhớ về mẹ. Ăn những món canh đặc sản, ông càng nhớ tới bữa Canh rau tập tàng mẹ nấu. Trong hồi ức và những kỷ niệm lung linh về mẹ, đó là loại canh ngọt lành nhất bởi:
  
         “… Trong gian khó vẫn ngọt lành
            Chắt chiu nên nặng nghĩa tình quê hương”.
Dường như hương vị của bát canh rau từ đồng đất quê nhà từ quá khứ rất lâu rồi nhưng vẫn còn bùi thơm, ngọt lành với tác giả đến tận bây giờ.
Là người con hiếu nghĩa, không luôn ghi nhận: Trong mỗi bước đường thành công trên con đường sự nghiệp của mình, có bóng dáng của cha mẹ, anh chị em, đặc biệt là người vợ hiền. Quê hương Lệ Thủy với dòng Kiến Giang trong mát của đất Quảng Bình cùng với người Mẹ nhẫn nại, hy sinh đã nuôi dưỡng và nâng cánh ước mơ để tác giả có thể toàn tâm, toàn trí cho công việc và có được thành tựu của ngày hôm nay. Nguyễn Anh Trí dành tình yêu thương và biết ơn sâu sắc đối với mẹ, người không chỉ cho tác giả hình hài và cuộc sống mà còn có cách dạy con rất tinh tế. Mẹ đã dùng vốn quý của văn học dân tộc là ca dao, những vần thơ dân gian mộc mạc mà thanh cao để dạy người con ấy sống đúng với đạo lý làm người. Những câu ca dao của mẹ dạy từ thủa thiếu thời nhưng vẫn còn sống mãi, là hành trang theo Giáo sư Tiến sĩ ấy đi hết cuộc đời:
Theo con đi hết cuộc đời
Là điều mẹ dậy bằng lời ca dao
Nhẹ nhàng mà rất thanh cao
Sâu sắc ý nghĩa, dạt dào tình thương…
Thơ ca vẫn được nhiều người coi là cánh đồng bất tận để người làm thơ canh tác và gặt hái. Tuy không phải là người lao động chuyên nghiệp trên cánh đống ấy nhưng GS.TS.AHLĐ. TTND Nguyễn Anh Trí đã có được một bó hoa thơm lớn với nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu thơ vừa đẹp vê sắc, vừa ngát về hương. Tất cả đều hướng con người đến rung cảm thẩm mỹ và những giá trị nhân văn cao đẹp. Điều đó thật đáng trọng và đáng kính biết bao!

    ThS. Nguyễn Thị Thiện, ĐT:0915.224.011
(Nguyên Phó hiệu trưởng, Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội)
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!