Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đau thương và hy vọng nơi tuyến đầu chống dịch

Trong những ngày tháng xa gia đình hỗ trợ miền Nam chống dịch Covid-19, các bác sĩ, điều dưỡng của Viện Huyết học – Truyền máu TW đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: buồn vui, lo lắng, sợ hãi, nhớ thương và cả những lúc tưởng chừng như gục ngã nhưng cuối cùng đã vượt qua tất cả.

Trước khi lên đường, mỗi y bác sĩ đều đã chuẩn bị tinh thần về một cuộc chiến khốc liệt nhưng những ngày đầu, các anh chị thực sự sốc với những gì đang diễn ra.

“Khi vào tới tâm dịch, khung cảnh trước mắt khiến tôi đau lòng. Đó là một Sài Gòn hoa lệ đang ngủ, rào chắn, thép gai giăng khắp các con hẻm, không một bóng người, giống như một người bệnh đang phải gồng mình để thở khó khăn từng nhịp…” BSCKII. Hà Thị Sen, Phó trưởng Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú nhớ lại.

Không khí bên ngoài hoang mang, lo lắng như vậy, nhưng bên trong những buồng bệnh của Bệnh viện Hồi sức Covid đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 còn tang thương hơn gấp nhiều lần.

Vừa bước chân vào Khoa ICU 2A – khoa điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch nhất, điều đầu tiên ĐD. Đỗ Thị Thu Ngân (Khoa Bệnh máu trẻ em) nhìn thấy là 2 bệnh nhân tử vong chuẩn bị được đưa đi. Điều dưỡng Đỗ Thị Thu Ngân chia sẻ: Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được cuộc chiến này lại tàn khốc như thế. Những tiếng tít tít của máy thở, tiếng chuông của máy monitor. Cứ một lát tiếng bác sĩ lại vang lên: “Bệnh nhân ngừng tim rồi!… Bóp bóng!… Adrenalin!…

Rồi có bệnh nhân thoát qua cửa tử, nhưng cũng có người trái tim sẽ không còn đập nữa. Điều buồn nhất là bệnh nhân ra đi mà không có người thân bên cạnh và chúng tôi là người cuối cùng ở bên cạnh bệnh nhân đến lúc họ rời khỏi cõi đời”.

Ám ảnh nhất với ĐD. Đỗ Thị Thu Ngân là ca bệnh một sản phụ mới chưa đầy 30 tuổi, đang mang thai ở tuần 37 thì bị nhiễm Covid chuyển nặng nên phải mổ bắt con. Sản phụ vào viện đã phải thở HFNC (thở oxy liều cao), cũng không kịp mang theo điện thoại.

“Bệnh nhân nói rất nhớ con và gia đình. Bệnh nhân còn có mẹ nằm ở khoa 9B chưa được ra viện. Chúng tôi động viên người bệnh chịu khó ăn uống, tập thở… và cho người bệnh mượn điện thoại để liên lạc với người thân. Từ đó, cô ấy hợp tác điều trị hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn và được chuyển lên khoa 7A là khoa nhẹ hơn. Chúng tôi mừng lắm, cũng có thêm hy vọng. Người bệnh còn hẹn với chúng tôi: “Khi nào em khỏe lại em sẽ tìm các chị, nhà em có nhà hàng bít tết ngon lắm, em sẽ đãi các chị ăn hàng ngày”.

Nhưng rồi 1 ngày, tôi đang nghỉ thì nhận tin bệnh nhân đó đã trở nặng, phải đặt nội khí quản và quay trở lại Khoa ICU. Ít giờ sau đó, bệnh nhân tử vong. Chúng tôi rất sốc và rất buồn. Chúng tôi lặng đi khi biết rằng, trước lúc đặt nội khí quản, bệnh nhân đã liên lạc với người nhà chỉ nói được một câu với chồng mình rằng: “Ở nhà chờ đón em, chuẩn bị lo hậu sự cho em” – ĐD. Đỗ Thị Thu Ngân nhớ lại mà những giọt nước mắt đang sắp trào ra.

Với các y bác sĩ điều trị Covid, không có khái niệm hôm nay thứ mấy, cũng không có cuối tuần hay ngày Lễ. BS. Lê Thị Thanh Tâm (Khoa Bệnh máu lành tính) đã viết những dòng chia sẻ: “Ở đây, chúng ta chỉ nhớ hôm nay ngày mấy, chúng ta làm ca nào? Khi ở Hà Nội, tôi không thể hình dung nổi cuộc chiến của các đồng nghiệp trong này khó khăn đến thế. Bởi Hà Nội chưa có đợt dịch nào quá mạnh mẽ và Viện Máu của tôi vẫn luôn an toàn.

Ngày đầu vào đây, tôi thực sự đã có lúc sợ hãi, sợ hãi cảnh chúng ta phải bất lực trước sự ra đi của bệnh nhân. Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi đã cố gắng nỗ lực, học hỏi từ các đồng nghiệp nơi đây đang căng mình từ những ngày đầu dịch bùng phát. Chẳng ai sợ phơi nhiễm, lao vào giành giật từng giây phút để cứu sống bệnh nhân. Ai cũng làm việc không có thời gian nghỉ trong điều kiện bảo hộ khó khăn”.

Cho đến giờ phút này, khi đã về Hà Nội, BS. Lê Thị Thanh Tâm vẫn còn nguyên nỗi xót xa về câu chuyện của một bệnh nhân: “Chú khoảng gần 60 tuổi, chưa tiêm mũi vắc xin nào nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở HFNC ngay lập tức. Bệnh nhân còn kèm theo nhiễm khuẩn huyết đa kháng nên điều trị rất khó khăn.

Trong ca trực đêm dài, 5 giờ sáng tình trạng của chú diễn biến xấu dần. Chúng tôi chỉ định đặt nội khí quản, chuyển ICU. Chú vừa được tiêm an thần, giãn cơ thì người nhà gọi điện. Mọi người vội vàng ngắt máy để thực hiện thủ thuật một cách khẩn trương. Tôi lặng đi, tôi biết bên đầu dây bên kia, người nhà sẽ rất lo lắng, sẽ có người oà khóc khi thời gian sau đó không thể liên lạc với bố mình.

Đã rất nhiều lần chúng tôi tưởng mất chú, chú rất cố gắng, vì trong viện, ở tầng khác vợ chú cũng đang nỗ lực chiến đấu với Covid. Rồi chú cũng được ra viện nhưng nỗi đau để lại sẽ chẳng thể nguôi ngoai. Ngày chú sắp được ra viện thì vợ mất, chúng tôi cố gắng giấu chú cho đến ngày xuất viện”.

Những tháng ngày vào Nam trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ở nơi dịch bùng phát dữ dội nhất đã trở thành chuyến đi đặc biệt nhất, trở thành những ngày tháng không thể nào quên với các y bác sĩ.

Tuy vất vả, áp lực, tuy phải chứng kiến những đau thương, mất mát đôi khi vượt quá sức chịu đựng, nhưng chuyến đi ấy đã để lại trong họ nhiều kỷ niệm ấm áp yêu thương.

BS. Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Những ngày vào Nam, tôi thật sự yêu thương con người nơi đây. Là các bệnh nhân dù rất mệt nhưng vẫn rất thương mình phải xa gia đình và 2 em bé; Là những người dân sẵn sàng nhường mình thanh toán trong siêu thị khi biết mình là nhân viên y tế đi chi viện; Là những đồng nghiệp nơi đây yêu chiều mình hết sức. Có lẽ điều may mắn nhất là được làm việc cùng những đồng nghiệp phương Nam tuyệt vời, được hướng dẫn một cách nhiệt tình nhất, nhẹ nhàng và đáng yêu nhất.

Trong những ngày chống chọi với dịch bệnh tàn khốc, điều hạnh phúc nhất với các y bác sĩ xa gia đình vào Nam chống dịch là được tiễn bệnh nhân ra viện. Điều mong chờ nhất là qua đau thương Sài Gòn sẽ hồi sinh mạnh mẽ.

ĐD. Đỗ Thị Thu Ngân có những tâm sự trước khi trở về Hà Nội: “Cũng rất may mắn là Sài Gòn đã khỏe hơn, ca bệnh cũng đã giảm và chúng tôi cũng phần nào yên tâm hơn khi quay lại Thủ đô. Qua trận chiến lần này tôi thấy rằng không có gì quý hơn sức khỏe. Hãy yêu thương và dành tình cảm cho nhau khi còn có thể. Cùng nhau cố gắng đẩy lùi dịch bệnh tàn khốc này”.

Còn với bác sĩ Hà Thị Sen, thời gian chống dịch tuy căng thẳng nhưng “được nhiều hơn mất”: “Tuy phải xa gia đình, bạn bè đồng nghiệp nhưng tôi lại có thêm nhiều đồng nghiệp, nhiều người bạn mới. Khi phải chia tay trở về Hà Nội, chúng tôi có những tiếc nuối, hụt hẫng vì phải chia xa. Hy vọng lời hẹn gặp nhau khi hết dịch sẽ sớm thành hiện thực!”

Hà Nội đang đầu đông, se lạnh, man mác và bình yên. Lại nhớ miền Nam, nơi ấy có những yêu thương, hy vọng và niềm tin chiến thắng!

Trương Hằng, thiết kế: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan