Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Chúng tôi sẽ dừng sống nếu không có máu”

“Tôi nhận thức cuộc sống của mình phụ thuộc vào những giọt máu, tấm lòng của mọi người. Nếu không có máu, chúng tôi sẽ dừng sống”.

Mỗi giọt máu là giọt sự sống

Anh Nguyễn Trọng Hùng, 36 tuổi, ở Vinh, Nghệ An đã chiến đấu với ung thư máu suốt 2 năm nay. Hơn ai hết, anh trân trọng vô ngần những giọt máu hiến của cộng đồng.

Anh kể, năm 2019 anh phát hiện ung thư máu, được chuyển lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương điều trị. Ngay khi nhập viện, anh được truyền tiểu cầu, chế phẩm máu này dần trở thành nguồn sống với anh.

Trong 7 tháng, anh Hùng trải qua 4 đợt truyền hoá chất khiến hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu xuống rất thấp. Đặc biệt tiểu cầu hạ thấp sẽ khiến máu khó đông, khó cầm, nguy cơ chảy máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não có thể đe doạ tính mạng bất cứ lúc nào.

Anh Hùng chia sẻ về hành trình điều trị của mình và gửi lời tri ân tới tất cả những người tình nguyện hiến tặng máu cho các bệnh nhân (ảnh: Công Thắng).

Sau mỗi đợt truyền hoá chất, những bệnh nhân như anh đều phải bù máu, sống dựa vào nguồn máu tiếp từ bên ngoài. Đợt nhiều nhất anh truyền tới 3 lít tiểu cầu, 2 lít máu. Đó là bệnh nhân khoẻ, trường hợp khác nặng hơn cần bù rất nhiều.

“Là một bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, tôi nhận thức sự sống của mình phụ thuộc vào những giọt máu, tấm lòng của mọi người. Với trải nghiệm của người trong cuộc và đứng trước cảnh cửa sinh tử, mỗi giọt máu với tôi là giọt sự sống. Bởi nếu không có máu, chúng tôi sẽ dừng sống”, anh Hùng nói đầy cảm kích.

Anh chia sẻ, anh chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân ung thư máu đang điều trị tại Viện, có nhiều bệnh nhân thậm chí không còn đủ khả năng để truyền hoá chất nữa, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn máu hiến tặng.

Nếu không có máu, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ chấm dứt vì khả năng phục hồi không còn nữa.

“Thực sự mà nói, cá nhân tôi hay những bệnh nhân khác không có lời nào diễn tả hết sự biết ơn với những người đã tình nguyện cho chúng tôi những giọt máu, giúp chúng tôi có sự sống kéo dài hơn”, anh Hùng xúc động chia sẻ.

Dù vậy, không phải khi nào kho máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng đủ. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đã có lúc, anh Hùng đã phải kêu gọi bạn bè, người thân đi hiến máu.

Sau 7 tháng sức khỏe ổn định, 5 ngày nay, anh Hùng đã phải quay lại bệnh viện do ung thư tái phát. Với anh, chặng đường phía trước có thể còn rất dài…

43 tỉnh cùng tham gia hiến máu

Tại buổi họp báo chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ chiều 7/1, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trong 2 năm gần đây nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về rượu bia, làm tốt công tác phòng chống tai nạn giao thông… tỉ lệ cấp cứu phải truyền máu do tai nạn giảm đi nhiều. Nhu cầu máu không tăng lên so với năm trước.

Hiện Viện phải đảm bảo cung cấp máu và các chế phẩm từ máu cho gần 180 bệnh viện tại 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với lượng khoảng 350.000 đơn vị mỗi năm.

Riêng trong dịp Tết Nguyên Đán cần ít nhất 50.000 – 55.000 đơn vị khối hồng cầu, trong đó trong tháng 1 phải chuẩn bị 36.000 – 41.000 đơn vị, tháng 2 cần ít nhất 16.000 – 18.000 đơn vị.

Bất chấp giá rét, nhiều người vẫn tranh thủ đi hiến máu (ảnh: Vương Tuấn)

TS Khánh thông tin, trung bình có khoảng 1.200 – 1.300 bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện, trong Tết chỉ còn 300 – 400 nhưng đây đều là những bệnh nhân cần truyền máu. Trong khi tháng Tết, lượng máu hiến rất khan hiếm.

Viện trưởng Huyết học –Truyền máu Trung ương chia sẻ thêm, vào mùa hè với chương trình Hành trình Đỏ, lượng máu hiến khá dồi dào song máu là sản phẩm đặc biệt, không thể tích trữ dùng dần (ảnh: Công Thắng).

“Thời hạn bảo quản của hồng cầu có thể được 35 – 40 ngày nhưng với tiểu cầu chỉ 3-5 ngày. Nếu bệnh nhân cần đúng thời điểm thiếu tiểu cầu có thể bị chảy máu não không cầm và tử vong ngay không có cách gì cứu được”, TS Khánh chia sẻ.

Nếu hiến tiểu cầu trực tiếp, một người khoẻ mạnh có thể hiến được 1 đơn vị tiểu cầu và có thể quay vòng hiến sau mỗi 3 tuần. Tuy nhiên nếu điều chế từ máu toàn phần, cần ít nhất 6 – 12 đơn vị mới tạo được 1 đơn vị tiểu cầu.

Xác định thời điểm tháng 1 – 3 thường xuyên bị thiếu máu, đều đặn 12 năm nay, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ đều tổ chức vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán, kéo dài đến sau Tết để bù đắp lượng máu thiếu hụt.

Năm nay, chương trình Chủ nhật Đỏ sẽ có 43 tỉnh tham gia với 80 điểm hiến máu, kéo dài đến hết tháng 3 và dự kiến tiếp nhận hơn 50.000 đơn vị máu.

Tại Hà Nội, chương trình sẽ tổ chức tại ĐH Bách Khoa vào ngày 17/1 tới.

Thúy Hạnh (theo Vietnamnet)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan