Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chọc tủy được tiến hành như thế nào?

Thủ thuật chọc hút dịch tủy xương (thường gọi là chọc tủy) là thủ thuật đặc thù của chuyên khoa huyết học và thường hay được sử dụng.

Tủy xương là cơ quan tạo máu quan trọng, là nơi sinh sản và phát triển của các dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Người bệnh cần chọc hút dịch tủy xương để làm xét nghiệm tủy đồ. Đây là xét nghiệm thăm dò chức năng tạo máu cũng như gợi ý các nguyên nhân gây rối loạn chức năng này ở tủy qua phân tích số lượng và hình thái các tế bào tủy xương.

Xét nghiệm được sử dụng với mục đích chẩn đoán bệnh, theo dõi điều trị với các bệnh về máu và cơ quan tạo máu như: lơ-xê-mi (ung thư máu), rối loạn sinh tủy, ghép tế bào gốc…; đánh giá tình trạng sinh máu của tủy trong các bệnh lý khác: nhiễm trùng, bệnh hệ thống, ung thư di căn…

Chọc hút dịch tủy xương là một thủ thuật thăm dò nên khi làm thủ thuật cần chú ý các trường hợp: Người bệnh có rối loạn đông máu hoặc dùng các thuốc tăng nguy cơ chảy máu; không làm thủ thuật tại vị trí đang có nhiễm trùng.

Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người bệnh khi chọc tủy, xin mời quý vị theo dõi những tư vấn chi tiết của TS. BS. Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng khoa Tế bào – Tổ chức học, Viện Huyết học – Truyền máu TW về vấn đề này.

 

Khi nào cần chọc tủy?

Người bệnh cần chọc tủy trong các trường hợp:

  • Chẩn đoán bệnh lý có: Tăng hoặc giảm bạch cầu máu ngoại vi; Thiếu máu không tìm thấy nguyên nhân ngoại vi; Tăng số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố và hematocrit; Tăng hoặc giảm tiểu cầu; Bất thường trong thành phần bạch cầu: có tế bào bất thường trong máu ngoại vi.
  • Chẩn đoán bệnh, theo dõi điều trị với các bệnh lý máu và cơ quan tạo máu như: lơ-xê-mi, rối loạn sinh tủy, ghép tế bào gốc…
  • Đánh giá tình trạng sinh máu của tủy trong các bệnh lý khác: nhiễm trùng, bệnh hệ thống, ung thư di căn…

Thủ thuật chọc tủy được tiến hành như thế nào?

  • Thủ thuật chọc hút dịch tủy xương được thực hiện trong phòng thủ thuật vô khuẩn bởi ekíp gồm: bác sỹ chuyên khoa huyết học truyền máu và 2 kỹ thuật viên.

    chọc tủy

  • Vị trí chọc tủy:

+ Vị trí gai chậu sau trên: là vị trí chọc thường xuyên nhất. Người bệnh nằm sấp khi thực hiện thủ thuật.   

+ Vị trí xương ức: Là vị trí ít được sử dụng hơn.

+ Vị trí xương gót hoặc đầu trên xương chầy: thường áp dụng với trẻ nhỏ.

  •   Vị trí chọc tủy sẽ được sát trùng và gây tê theo lớp (da, cơ, màng xương). Bác sĩ sẽ sử dụng kim hoặc kim khoan (kèm bộ máy khoan cầm tay), chọc vuông góc với mặt da, qua da, cơ, màng xương, đến ổ tủy, hút lấy 0,5ml -1ml dịch tủy.

Chọc tủy có đau không? Có được giảm đau không?

Đây là một thủ thuật can thiệp, có gây đau nhất là khi qua màng xương. Vì vậy, quá trình thực hiện tủy đồ luôn được gây tê, thông thường gây tê tại chỗ bằng 2ml dung dịch Lindocain 2%. Gây tê ở da, cơ, màng xương. Việc gây tê tại chỗ sẽ làm giảm cảm giác đau ở người bệnh khi thực hiện thủ thuật.

Ngoài việc giải thích rõ để người bệnh yên tâm, gây mê có thể được sử dụng cho trẻ nhỏ và thường dùng tiền mê, an thần nhẹ để tránh gây hoảng sợ.

chọc tủy

Sau khi chọc tủy người bệnh cần chú ý những gì?

  • Khi hút dịch tủy, người bệnh có cảm giác hơi đau tức.
  • Ấn vị trí chọc và theo dõi vết chọc tối thiểu 15 phút sau khi chọc.
  • Tránh bóc băng vết chọc sớm (trong vòng 24 giờ).
  • Nếu nước thấm vào băng vết chọc, thì nên bóc băng, sát khuẩn lại bằng betadin và băng lại vết chọc. Ít nhất 24 h sau khi làm thủ thuật.
  • Nếu vết chọc tiếp tục chảy máu thì báo bác sỹ tại khoa lâm sàng hoặc phòng khám để kiểm tra lại vết chọc, băng ép cầm máu. Có thể dùng thuốc cầm máu nếu cần.

Thời gian trả kết quả xét nghiệm?

  • Sau khi chọc tủy, kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong vòng 24 giờ (trừ ngày nghỉ và ngày lễ). Với các trường hợp khó, cần hội chẩn thì thời gian trả kết quả sẽ lâu hơn. Người bệnh sẽ được thông báo về việc trì hoãn trả kết quả đến bác sỹ lâm sàng và/hoặc bệnh nhân.

Thủ thuật có gây tai biến không?

Thông thường thực hiện thủ thuật chọc tủy rất hiếm khi dẫn đến tai biến. Chỉ một số ít trường hợp có thể gặp tai biến như:

  • Sốc dị ứng thuốc gây tê: Do cơ địa dị ứng của người bệnh. Vì vậy, trước khi làm thủ thuật đều phải thử test trước.
  • Nhiễm trùng nơi chọc: Rất hiếm gặp do vị trí chọc tủy được sát khuẩn rộng bằng cồn iôt 5%, sau đó bằng cồn 70o cồn. Tuy nhiên, nếu bóc băng vết chọc sớm, gần vị trí chọc đang có nhiễm trùng có thể gây nhiễm trung vết chọc.
  • Chảy máu vị trí chọc tủy. Ít gặp. Tuy nhiên nếu người bệnh có rối loạn đông cầm máu thì có thể chảy máu vị trí chọc. Xử trí khi đó thường là:

+ Dừng thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu trước 1 tuần.

+ Băng ép cầm máu tại chỗ.

+ Dùng thuốc cầm máu (nếu cần).

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian: Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu); Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: Từ thứ 2 – thứ 7: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan